18/12/2016 11:10 GMT+7

Giờ cứu nước - Kỳ 2: Đội quân thiếu niên

VŨ VIẾT TUÂN - ĐỨC BÌNH
VŨ VIẾT TUÂN - ĐỨC BÌNH

TTO - Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, 175 thiếu niên (từ 9-15 tuổi) đã trốn ở lại Hà Nội để trực tiếp tham gia đánh giặc, làm liên lạc, tiếp lương thực...

Vệ út Phùng Đệ
Vệ út Phùng Đệ

Những người đó giờ chỉ vài người còn sống và tất cả đều đã ngoài 80 tuổi.

Khi biết chúng tôi muốn gặp, ông Đặng Văn Tích (85 tuổi) một lần nữa “trốn” khỏi Bệnh viện 198 (ông đang điều trị bệnh tiểu đường), đón xe ôm về nhà ở Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). 

Trốn ở lại để chiến đấu

Gặp chúng tôi, ông vồn vã nói: phải về nhà thì mới nói chuyện lâu được, mới có tài liệu để cung cấp cho các anh.

“Hà Nội thời ấy gọi là quân đội thì chỉ có một đại đội vệ quốc đoàn khoảng trăm quân chuyên làm nhiệm vụ ở Bắc bộ phủ để bảo vệ trụ sở trung ương và lãnh đạo cấp cao. Ở các khu phố chỉ có dân quân. Và có một “đội quân đặc biệt” là những thiếu niên chúng tôi. Vì bé nhất nên mọi người đã gọi là vệ út - những đứa em út của các anh vệ quốc đoàn” - ông Tích giải thích.

Còn với cậu bé Phùng Đệ, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mồ côi bố mẹ, nên từ nhỏ đã phải đi học nghề khâu giày kiếm sống. Nhưng vì làm nghề khâu giày, được đi nhiều nơi nên Phùng Đệ đã sớm phải chứng kiến những vụ tàn sát đồng bào ta của quân Pháp.

“Sáng 17-12-1946, quân Pháp tàn sát hàng chục người dân ở phố Hàng Bún thì buổi chiều tôi đến đó, cảnh tượng đập vào mắt tôi và ám ảnh đến tận bây giờ là hai mẹ con ôm nhau chết trong hố trú bom vì bị lưỡi lê đâm xuyên qua người.

Vì thế không khí chuẩn bị chiến đấu ở Hà Nội lúc đó như một cái lò xo bị nén chặt xuống, chỉ đợi lệnh của Cụ Hồ, của chính phủ là bùng lên.

Lũ trẻ chúng tôi phần nhiều là con nhà nghèo, phải làm đủ nghề để kiếm sống, đã vốn ghét Tây lại chứng kiến nhiều việc đau thương như vậy nên khi được đi theo các anh vệ quốc đoàn thì thích lắm, vui lắm.

Vì thế đêm 19-12, khi mọi người bồng bế nhau tản cư thì tôi chạy ngược từ bãi Phúc Tân, tìm vào phố Hàng Bè để đi theo các anh vệ quốc đoàn” - ông Phùng Đệ nhớ lại những ngày tháng ấy.

Cũng như ông Tích, ông Đệ, bà Vũ Thị Nhâm khi đó mới 14 tuổi, được bố đưa về quê tản cư, đã bỏ trốn giữa đường, quay trở lại bãi Phúc Tân với các chị và xin vào trung đội tự vệ trên phố Hàng Bè.

“Ngày 14-1-1947, Bác Hồ lệnh cho trung đoàn Thủ đô chỉ để lại 500 người chiến đấu, còn lại rút ra ngoài. Các vệ út cũng buộc phải rút ra, vì khi đó vũ khí đạn dược của ta đã cạn, đặc biệt lương thực ngày càng khó khăn.

Ở phía ngược lại thì quân Pháp có đầy đủ mọi thứ. Vì thế cần phải rút bớt người để giảm thiệt hại. Vậy nhưng đến ngày 17-2 khi quân ta rút hết khỏi Hà Nội, lúc kiểm đếm lại thì có đến trên 1.200 người, trong đó có 175 vệ út đã trốn lệnh cấp trên ở lại chiến đấu.

Người thì ở trong tủ quần áo chui ra, người trên trần nhà trèo xuống. Đây là những người vi phạm kỷ luật nhưng bằng tấm lòng yêu nước, quyết sống chết cùng thủ đô đến cùng” - đại tá Nguyễn Trọng Hàm, khi đó là trung đội trưởng chiến đấu trên phố Hàng Thiếc, nhớ lại.

Vệ út Vũ Thị Nhâm
Vệ út Vũ Thị Nhâm

“Điện thoại sống”

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (95 tuổi, nguyên phó tham mưu trưởng Quân khu thủ đô - nay là Bộ tư lệnh thủ đô), trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử trung đoàn Thủ đô, khẳng định trong 60 ngày đêm quyết tử của 70 năm trước, vai trò của các vệ út rất quan trọng.

Các vệ út khi đó là những chú bé liên lạc, là những “điện thoại sống” bất chấp hiểm nguy. Thậm chí theo ông Hàm, nếu không có vệ út thì ngày 17-2-1947 sẽ không ai biết đường rút quân thế nào.

Chính các vệ út đã nghĩ ra và dẫn đường đưa trên 1.200 quân rút khỏi Hà Nội mà giặc Pháp không hề hay biết.

Ông Đặng Văn Tích kể biết cuộc chiến sẽ diễn ra, nên trước ngày 19-12 các lực lượng ta đã ngấm ngầm đục tường làm đường liên thông từ nhà này sang nhà khác. Đây như một giao thông hào, và không ai khác chính những thiếu niên chúng tôi thông thuộc các lối đi lại này.

Khi kháng chiến nổ ra, đồ đạc, cây cối, cột điện, toa tàu được ném hết ra đường để chặn quân Pháp. Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ không thể tự do đi lại trên phố, và các vệ út là những liên lạc viên chạy như con thoi giữa lòng Hà Nội, trước mũi súng quân thù để báo tin.

“Vai trò của vệ út chúng tôi là phải nhớ, thuộc đường đi lối lại trong thành phố, nhất là lối đi trong “trận đồ bát quái” qua những lỗ đục tường giữa các nhà. Vệ út cũng là người truyền mệnh lệnh giữa chỉ huy đến các đơn vị chiến đấu và dẫn quân tiếp viện đến nếu cần.

Ban đêm có rất nhiều Việt gian, quân của địch sang phía mình để do thám tình hình. Thời đó đâu có điện thoại, vì vậy tối nào chúng tôi cũng được lệnh mang khẩu lệnh từ tiểu đoàn xuống các đại đội, trung đội tới tiểu đội.

Mỗi ngày đều có một khẩu lệnh khác nhau như “hòa bình”, “chiến đấu”, “độc lập”... Nếu gặp ai không trả lời đúng khẩu lệnh thì có thể bị bắt giữ hoặc bị bắn. Vì thế, mỗi vệ út chúng tôi là một chiếc “điện thoại sống” ở Hà Nội khi đó” - ông Phùng Đệ kể.

Vệ út Đặng Văn Tích
Vệ út Đặng Văn Tích

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

70 năm đã trôi qua nhưng mỗi vệ út đều nhớ như in những tấm gương hi sinh anh dũng của đồng đội.

Vệ út Vũ Thị Nhâm kể về sự hi sinh anh dũng của vệ út Trần Ngọc Lai. Theo lời kể của bà Nhâm, cay cú sau thất bại trong trận đánh nhà Sô Va, ngày 12-2-1947 quân Pháp đã tập trung lực lượng lớn đánh vào trường Ke ở ngay đầu Ô Quan Chưởng.

Trường Ke cùng với nhà Sô Va là một trong hai chốt chặn quan trọng để đảm bảo đường liên lạc duy nhất giữa nội thành Hà Nội với bên ngoài. Nếu để Pháp chiếm được trường Ke thì coi như ta mất Hà Nội.

Bà Vũ Thị Nhâm kể lại buổi sáng ngày hôm đó, bà vẫn mang cơm đến tiếp tế cho tiểu đội khoảng 10 người đóng tại trường Ke, nhưng trên đường đi về bà thấy quân Pháp tập trung nhiều xe tăng, binh lính ở chân cầu Long Biên.

“Linh cảm sắp có chuyện xảy ra, tôi chạy về trung đội xin lựu đạn. Tôi vừa kịp mang về, tiếp tế cho mỗi anh mấy quả lựu đạn thì địch bắt đầu tấn công. Vì quân địch quá đông nên cả tiểu đội rút lên tầng hai cố thủ.

Trong khi lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệnh, trường Ke có thể sẽ bị chiếm thì vệ út Trần Ngọc Lai (12 tuổi) đã nhanh trí tụt theo đường ống máng nước xuống để chạy về báo cáo với Ban chỉ huy tiểu đoàn để xin tiếp viện.

Báo cáo xong Lai lại chạy về trường Ke nhưng lần này bị quân Pháp phát hiện và hò nhau vây bắt. Lai ném lựu đạn giết được ba tên địch, còn cậu trúng đạn.

Thấy Lai ngã xuống, những tiếng hô xung phong trả thù cho vệ út Lai vang lên, quân ta từ trên đánh xuống cùng quân tiếp viện từ ngoài đánh vào buộc quân Pháp phải rút lui”.

“Có một hình ảnh thời đó mà giờ tôi vẫn nhớ mãi. Sau một cuộc chiến, tiếng súng đạn đì đùng im hẳn thì một vệ út khoảng 10 tuổi cố mặc thêm thật nhiều áo, rồi định chạy về phía địch để trộm súng của đám lính bị thương.

Tôi hỏi mặc nhiều áo làm gì, cậu vệ út tên Minh đó ngây ngô đáp: em mặc nhiều áo để đạn giặc không bắn vào người em được.

Sau hôm đó vài hôm, tôi hỏi thì biết Minh đã hi sinh trong một trận chiến khác. Nói vậy để thấy tinh thần chiến đấu của các vệ út thật ngoan cường” - đại tá Nguyễn Trọng Hàm tâm sự.

__________

Kỳ tới: Những cô gái bất khuất

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Đạn đã lên nòng

>> Kỳ 2: Bỏ bút để cầm súng

VŨ VIẾT TUÂN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên