![Giàu vẫn ăn cắp vặt, thói quen hay bệnh lý? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/7/steal-17388983101881755872970.jpg)
Hội chứng ăn cắp vặt hay còn gọi là hội chứng Kleptomania, là một rối loạn tâm lý - Ảnh minh họa
Hội chứng ăn cắp vặt là gì?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý học Việt Nam, cho hay hội chứng ăn cắp vặt hay còn gọi là hội chứng Kleptomania, là một rối loạn tâm lý khiến người bệnh cảm thấy có nhu cầu không thể kiểm soát để lấy đồ vật mà không cần thiết, thường không vì lợi ích cá nhân hay tài chính.
Đây là một dạng của rối loạn hành vi, không phải là hành vi trộm cắp vì mục đích tài chính mà thường liên quan đến việc thỏa mãn nhu cầu tâm lý hoặc cảm giác thỏa mãn khi thực hiện hành động này.
Theo chuyên gia tâm lý này, tâm lý học của hội chứng ăn cắp vặt được lý giải bằng những vấn đề sau:
- Sự thiếu kiểm soát bản thân: Người mắc hội chứng này thường có cảm giác muốn ăn cắp một cách mạnh mẽ, nhưng họ cũng cảm thấy sự lo âu và căng thẳng trước khi hành động.
Điều này cho thấy sự thiếu kiểm soát bản thân, và hành động ăn cắp thực tế là một cách để giảm bớt cảm giác căng thẳng hoặc lo âu trong tâm trí.
- Kích thích và thỏa mãn tâm lý: Sau khi lấy được đồ vật, người mắc Kleptomania cảm thấy một sự thỏa mãn hoặc "hưng phấn" tâm lý.
Đây không phải là sự thỏa mãn từ việc sở hữu đồ vật mà là cảm giác thỏa mãn khi thực hiện hành động ăn cắp, điều này có thể giúp họ cảm thấy giải tỏa căng thẳng tạm thời.
- Vấn đề về cảm xúc và sự thiếu thốn: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc hội chứng này có thể đang đối mặt với những vấn đề về cảm xúc chưa được giải quyết, như cảm giác thiếu thốn tình cảm, cảm giác không được thấu hiểu, hoặc cảm giác mất mát.
Hành động ăn cắp có thể được xem là một cách để họ lấp đầy những khoảng trống này trong cuộc sống của họ.
- Mối liên quan đến các rối loạn tâm lý khác: Kleptomania có thể đồng hành với các rối loạn khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc rối loạn kiểm soát xung động (impulse control disorders).
Thông thường, hành vi ăn cắp vặt không được thực hiện vì lợi ích vật chất mà vì một sự thôi thúc tâm lý mạnh mẽ.
- Tự trách móc và cảm giác tội lỗi: Sau khi hành động ăn cắp, người bệnh thường cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Họ biết rằng hành động của mình là sai trái nhưng không thể kiểm soát được xung động này, gây ra sự xung đột nội tâm giữa nhu cầu tâm lý và nhận thức đạo đức.
Ăn cắp vặt là bệnh lý hay thói quen?
Theo chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng, hội chứng Kleptomania không chỉ đơn giản là một thói quen mà thực sự là một rối loạn tâm lý (bệnh lý) nghiêm trọng.
Đây là một rối loạn trong nhóm các rối loạn kiểm soát xung động, nơi người bệnh không thể kiểm soát sự thôi thúc ăn cắp đồ vật, ngay cả khi họ nhận thức được hành động này là sai trái hoặc không có lợi ích thực tế nào từ việc ăn cắp.
Vậy khi nào ăn cắp vặt là một bệnh lý? Theo chuyên gia tâm lý Hoàng, để xác định ăn cắp vặt là bệnh lý có nhiều yếu tố, không chỉ đơn giản chỉ là hành vi ăn cặp vặt.
- Không kiểm soát được xung động: Người bệnh không thể ngừng cảm giác muốn ăn cắp, mặc dù họ biết hành động này là sai và có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
- Tác động tiêu cực đến cuộc sống: Hội chứng này gây ra rối loạn nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, bao gồm công việc, các mối quan hệ, và đời sống xã hội của người bệnh. Người bệnh thường cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý.
- Khó khăn trong việc thay đổi hành vi: Mặc dù người mắc Kleptomania nhận thức được rằng hành động của họ là sai trái, họ vẫn không thể kiểm soát được cơn thôi thúc. Điều này khác với thói quen, nơi một người có thể quyết định thay đổi thói quen nếu muốn.
Điều trị hội chứng ăn cắp vặt thế nào?
Theo chuyên gia tâm lý này, để điều trị hội chứng này cần kết hợp nhiều phương pháp như:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Giúp người bệnh nhận thức được những suy nghĩ và cảm xúc sai lệch dẫn đến hành động ăn cắp, từ đó thay đổi hành vi.
- Thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là các thuốc chống lo âu và trầm cảm, có thể giúp giảm bớt sự thôi thúc ăn cắp.
- Hỗ trợ tâm lý: Chuyên gia có thể giúp bệnh nhân giải quyết những vấn đề tâm lý sâu xa hoặc các vấn đề cảm xúc không được giải quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận