27/08/2019 09:53 GMT+7

Giật mình lo rà soát văn bằng 2 tiếng Anh sau vụ ĐH Đông Đô

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sau khi sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô bị phát hiện, nhiều đơn vị, cơ sở đào tạo đã rà soát hồ sơ học viên, nghiên cứu sinh đã trúng tuyển vào trường mình để kiểm tra văn bằng 2 tiếng Anh.

Giật mình lo rà soát văn bằng 2 tiếng Anh sau vụ ĐH Đông Đô - Ảnh 1.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng là địa điểm học của hàng trăm học viên chương trình đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô - Ảnh: VĨNH HÀ

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cũng cho biết sẽ rà soát soát toàn bộ hồ sơ của các ứng viên đã qua hội đồng cơ sở trong đợt xét năm nay.

Các cơ sở đào tạo tiến sĩ cùng rà soát

Một ứng viên đăng ký thi tuyển chương trình tiến sĩ ngành Việt Nam học của Viện Việt Nam học và khoa học phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết vì "nợ đầu vào ngoại ngữ" nên đã đăng ký học văn bằng 2 tiếng Anh ở Trường ĐH Đông Đô.

Chương trình có thời gian học 18 tháng, học phí 30 triệu đồng/người nhưng do cần gấp bằng nên người này đã xin rút ngắn thời gian xuống còn một năm. Hiện người này đã hoàn thành chương trình học, có kết quả và chỉ chờ lấy bằng thì xảy ra sự việc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hồng Tung - viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển - cho biết khi tuyển sinh có 2 ứng viên cam kết cung cấp đầy đủ các loại bằng cấp như quy định. 

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, 2 ứng viên này chưa được sở hữu bằng ngoại ngữ nên phải loại. "Các bạn ấy cho biết đã đến trường hỏi nhiều lần nhưng vẫn không được cấp bằng" - ông Tung cho biết.

Trước đó, ông Vũ Mạnh Dũng - chánh văn phòng Học viện Khoa học xã hội - cũng cho biết học viện phải rà soát hồ sơ nghiên cứu sinh đã trúng tuyển để kiểm tra văn bằng 2 tiếng Anh. Có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nhưng học viện vẫn chưa thể có quyết định cuối cùng vì chưa có công bố nào về việc văn bằng 2 tiếng Anh của trường này có giá trị hay không.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, một số trường có chức năng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát hồ sơ của các học viên, nghiên cứu sinh sau sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là động thái của các cơ sở đào tạo ý thức việc giữ gìn uy tín, "thương hiệu".

Vì sao văn bằng 2 tiếng Anh "lên đời"?

Trước năm 2017, người dự tuyển nghiên cứu sinh chỉ cần có trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ trong thời hạn 2 năm, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường ĐH trong nước cấp.

Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên, trong thời hạn 1 năm tính đến ngày trình hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở. Với quy định này, tình trạng bùng phát mua chứng chỉ ngoại ngữ để đạt yêu cầu đầu vào và đầu ra khiến dư luận bức xúc.

Từ đây, thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ra đời với yêu cầu cao hơn. Theo đó, người dự tuyển phải có chứng chỉ TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Quy định này rất ít người đạt được. Và để đủ điều kiện đầu vào, nhiều người đã tính đến việc học văn bằng 2 - văn bằng có giá trị vĩnh viễn. Với văn bằng 2 ngôn ngữ, các ứng viên có thể yên tâm đạt điều kiện ngoại ngữ đầu vào, được miễn học ngoại ngữ trong quá trình nghiên cứu sinh. Đây chính là lý do khiến văn bằng 2 ngôn ngữ được "lên đời".

Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố có bao nhiêu trường được phép và thực tế có đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ. Với Trường ĐH Đông Đô và một số cơ sở đào tạo văn bằng 2 khác đã sử dụng một hình thức phổ biến là liên kết với các địa phương để mở lớp tại chỗ. Việc đào tạo được hợp thức hóa trên giấy tờ nhưng thực tế diễn ra như thế nào hiện không kiểm soát được.

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cũng rà soát

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-8, PGS.TS Trần Anh Tuấn - chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - cho biết trong hồ sơ ứng viên không phải chỉ có văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô mà còn của các trường khác. Việc đánh giá năng lực ngoại ngữ của ứng viên căn cứ chủ yếu vào đánh giá năng lực thực tế chứ không chỉ xét văn bằng.

Tuy nhiên, từ những sai phạm về đào tạo văn bằng 2, nhất là văn bằng 2 ngôn ngữ, văn phòng chức danh giáo sư nhà nước sẽ làm thêm một bước là rà soát toàn bộ hồ sơ của các ứng viên đã qua hội đồng cơ sở trong đợt xét năm nay.

"Chúng tôi sẽ ghi chú những trường hợp đặc biệt để lưu ý cho hội đồng ngành, trong đó có vấn đề văn bằng 2 ngôn ngữ. Hiện nay chưa có quy định nào về việc hủy văn bằng 2 ngôn ngữ của các cơ sở đào tạo đang bị xem xét sai phạm. Vì thế chúng tôi chỉ có thể rà soát để kiểm tra năng lực thực tế của ứng viên" - ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Theo một chuyên gia, trước đây Bộ GD-ĐT thực hiện quy trình khá chặt chẽ: bộ cấp phôi bằng, các trường muốn có phôi bằng thì phải trình quyết định được phép mở ngành, kết quả tốt nghiệp, danh sách sinh viên... Tuy nhiên, sau khi giao tự chủ cho trường ĐH, trong đó việc cấp phôi bằng do trường quyết định, việc cấp phôi bằng mới khó kiểm soát được.

"Việc cấp phôi bằng bây giờ là quan hệ dân sự, cơ sở đào tạo cần bao nhiêu phôi, điện thoại cơ sở cung cấp chuẩn bị, hẹn giờ là đến lấy" - chuyên gia này cho biết.

"Bộ GD-ĐT đã buông lỏng quản lý, đồng thời không công khai minh bạch thông tin để xã hội giám sát. Từ sự việc xảy ra cũng phải xem lại cơ chế tự chủ. Trường phải đảm bảo những điều kiện như thế nào mới giao tự chủ chứ không phải tự chủ là muốn làm gì cũng được" - TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, bày tỏ quan điểm.

'Mắc kẹt' với Đại học Đông Đô

TTO - Đào tạo chui văn bằng 2, lừa đảo hàng trăm học viên để thu tiền tỉ, lãnh đạo trường thì người bị khởi tố, người bị bắt, người bị truy nã... Nhưng hệ lụy do Đại học Đông Đô gây ra chưa dừng ở đó.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên