14/12/2019 16:02 GMT+7

Giáo viên tâm tư khi trường lắp camera lơ lửng trên đầu

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Trường cấp II của tôi vừa trang bị một dàn camera khắp các dãy hành lang. Mấy cậu học trò lớp bảy, tám cứ chen chân dưới ống kính, vít vai nhau và làm biểu tượng "xin chào" khiến mọi người bật cười trước vẻ nhí nhố của bọn trẻ.

Giáo viên tâm tư khi trường lắp camera lơ lửng trên đầu - Ảnh 1.

Khi ta không ngừng nghỉ trau dồi chuyên môn và nhiệt tâm dạy dỗ học trò, người thầy chẳng cần lo nghĩ gì về mấy chiếc camera kia cả. Chiếc camera ấy chẳng đáng bận tâm bằng "lăng kính" của trò mỗi ngày vẫn dõi theo thầy trên bục giảng.

Riêng giáo viên thì nhiều tâm tư lắm khi nhìn những chiếc camera lơ lửng trên đầu.

Xầm xì vì camera

Người này bảo nhà trường lãng phí vì chi phí lắp đặt, bảo dưỡng và duy trì hàng tháng. Người khác lại lo ban giám hiệu sẽ xét nét mỗi bước đi, hành động của giáo viên mà đánh giá, nhắc nhở thường xuyên.

Cuộc họp hội đồng vừa diễn ra với tiết lộ của thầy hiệu trưởng càng khiến mọi người e ngại hơn. Thầy bảo từ ngày có dàn camera, thầy có thói quen sáng lẫn chiều cứ đến giờ vào học lại bật điện thoại lên quan sát và biết rõ mười mươi giáo viên nào thường đi muộn, vào lớp trễ. Vì tế nhị nên thầy không đọc tên giáo viên vi phạm ra giữa hội đồng nhưng nhắc nhở chung để mọi người chú ý giờ giấc lên lớp.

Mọi người bắt đầu xầm xì về camera nhiều hơn, nhìn về camera ác cảm hơn. Nhưng "mắt thần công nghệ" ấy thật sự có lỗi khi mỗi ngày đều soi bước chân sớm hoặc muộn của giáo viên ư? Tôi nghĩ là không. Và dẫu có dõi theo chân giáo viên trên các dãy hành lang cũng không thể theo chân giáo viên vào lớp học để săm soi hoạt động của thầy và trò!

Lăng kính của trò mới quan trọng

Chiếc camera của thầy hiệu trưởng không phải là điều chúng ta nên lo lắng. Lăng kính của trò mới là vấn đề cốt yếu để mỗi người thầy điều chỉnh hành vi, thái độ, ngôn ngữ của mình mỗi ngày sao cho xứng đáng là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách.

Thầy hiệu trưởng của chúng tôi thường tâm sự về việc giữ gìn hình ảnh người thầy trong mắt học sinh. Mỗi ngày đến lớp giảng dạy và giáo dục học sinh, giáo viên chúng ta đối diện với hàng chục cặp mắt cực kỳ ngây thơ nhưng không hẳn là thiếu sự đánh giá, phán đoán và thậm chí là xét nét của bọn trẻ.

Bằng lăng kính của mình, các con sẽ nhìn nhận được năng lực chuyên môn của người thầy, ai giảng dạy thu hút, ai chưa thật sự truyền cảm hứng qua các tiết lên lớp. Bằng lăng kính của mình, các con sẽ cảm nhận được người thầy nào yêu thương trò thật tâm, người thầy nào chỉ mới dạy dỗ trò theo trách nhiệm công việc. Và lòng tương kính của trò dành cho thầy cũng theo đó mà đầy vun hoặc vơi dần đi…

Từ lăng kính của trò mỗi ngày đến lớp, hình ảnh người thầy được "thu" và "phát" một cách đầy đủ và chi tiết nhất đến phụ huynh học sinh. Nếu bố mẹ nào thường hay hỏi han chuyện học chuyện chơi của con ở trường thì hầu như đều khá tường tận về bức chân dung của từng người thầy do con trẻ vẽ ra qua lời kể.

Thầy cô nào có cách giảng bài truyền cảm hoặc chỉ đọc chép theo sách, thầy cô nào thường vào lớp đúng giờ hoặc thường xuyên đi trễ về sớm, thầy cô nào chấm điểm công bằng hoặc bênh vực điểm số cho các bạn có học thêm…Chỉ cần trong bữa cơm quây quần, bố mẹ khơi gợi tí xíu thôi là bao nhiêu chuyện trường lớp các con đều "phun" ra hết.

Phải tự chỉn chu trong mọi hoạt động

Bởi vậy nên thầy tôi thường nhắn nhủ rằng muốn không "hiện nguyên hình" xấu xí trong cái nhìn của trò và bức vẽ tưởng tượng của phụ huynh, giáo viên phải tự trau dồi chuyên môn và chỉn chu trong mọi hoạt động của mình. Và càng ngẫm nghĩ lời thầy, tôi càng thấy đó là bài học lớn mà mỗi người chọn nghề "kỹ sư tâm hồn" cần phải học suốt cả một đời.

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên