30/08/2024 11:21 GMT+7

Giáo viên mầm non vất vả, cần sự nhanh nhạy, cử tri 3 tỉnh kiến nghị nghỉ hưu sớm 5 năm

Cử tri Quảng Trị cho rằng giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, đi sớm về trễ, đòi hỏi phản xạ nhanh, sức khỏe tốt… nên đề nghị giảm tuổi hưu xuống 5 năm.

Giáo viên mầm non vất vả, cần sự nhanh nhạy, cử tri kiến nghị giảm tuổi hưu xuống 5 năm - Ảnh 1.

Giáo viên mầm non được kiến nghị giảm tuổi hưu còn 55 vì là nghề nặng nhọc, cần sự nhanh nhạy - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết vừa nhận được văn bản trả lời ý kiến cử tri của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về kiến nghị giảm tuổi hưu của giáo viên mầm non từ 60 xuống 55, vì nghề vất vả, cần sự nhanh nhạy.

Đây đồng thời cũng là ý kiến của cử tri các tỉnh Bình Thuận và Tây Ninh.

Giáo viên mầm non đi sớm về trễ

Cụ thể, cử tri đề nghị bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục người làm công việc nặng nhọc vì giáo viên tiếp xúc với trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, độ tuổi này còn nhỏ, một ngày có rất nhiều hoạt động để phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Đây là công việc nặng nhọc, vất vả, áp lực nhất trong ngành sư phạm như làm việc 11 tiếng/ngày, đi làm sớm 30 phút để nhận trẻ, về muộn ít nhất 30 phút để trả trẻ, không có thời gian nghỉ trưa, chưa kể thời gian soạn giáo án, làm đồ chơi dạy học...

Công việc không chỉ cần kỹ năng chăm sóc trẻ mà phải có sức khỏe tốt, phản xạ nhanh để đáp ứng nhiệm vụ đặc thù. Nhìn chung, ở độ tuổi từ 55 tuổi trở đi, sức sáng tạo, sự linh hoạt và sức khỏe của giáo viên suy giảm dần, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt bảo đảm an toàn cho trẻ.

Do đó, cử tri 3 tỉnh Quảng Trị, Bình Thuận và Tây Ninh cùng chung đề nghị trình Quốc hội quan tâm, xem xét về việc sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung theo quy định hiện hành của Bộ luật Lao động.

Kiến nghị nhiều vẫn chưa bổ sung danh mục nghề

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc bổ sung nghề giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (gọi tắt là danh mục nghề) làm cơ sở xét điều kiện hưởng lương hưu của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khoản 3, điều 9 thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định: Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện hưởng lương hưu của người lao động.

Ý kiến bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề được cử tri nhiều tỉnh thành đưa ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay nghề này vẫn chưa được đưa vào danh mục nghề.

Giáo viên mầm non vất vả, cần sự nhanh nhạy, cử tri 3 tỉnh kiến nghị nghỉ hưu sớm 5 năm - Ảnh 3.

Một buổi sinh hoạt ngoài trời của Trường mầm non Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giáo viên mầm non vất vả, cần sự nhanh nhạy, cử tri kiến nghị giảm tuổi hưu xuống 5 năm - Ảnh 4.Đề xuất bổ sung giáo viên mầm non vào nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có trả lời về đề xuất bổ sung giáo viên mầm non vào nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và có thể nghỉ hưu sớm hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên