Ông Trịnh Vĩnh Thanh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, trình bày trong buổi khảo sát chiều 14-9 - Ảnh: MỸ DUNG
Tại biểu làm việc, ông Trịnh Vĩnh Thanh, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, cho biết hiện nay giáo viên dạy môn tích hợp sử - địa, lý - hóa - sinh ở bậc THCS khi lên dạy thường trong tình trạng mong học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa. Vì thực tế hiện nay giáo viên không được đào tạo để dạy tích hợp mà đội ngũ giáo viên đều được đào tạo các môn riêng qua tập huấn để dạy tích hợp.
"Làm thầy thì luôn muốn có 10 mới dạy 1, chứ có 2 mà dạy 1 nhiều khi sẽ gây lúng túng. Nên đó là lý do không ít giáo viên khi dạy tích hợp luôn có những tâm trạng không thoải mái khi đứng lớp như trên" - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo viết chương trình tích hợp sử - địa, lý - hóa - sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ đơn giản giáo viên sử thì dạy sử, địa thì dạy địa… Nhưng thực tế dạy học ở trường lại không rõ ràng như vậy.
"Đối với môn tích hợp sử - địa, quan điểm viết sách là tách riêng nên chúng tôi tự xây dựng kế hoạch dạy học và hiện tồn tại hai cách làm. Những trường tách được thì giáo viên sử dạy sử, địa dạy địa; những trường không tách được thì dạy chương trình chung.
Riêng chương trình lý - hóa - sinh thì không tách được vì tỉ lệ môn sinh học đến 60% trong chương trình tích hợp, đành chấp nhận phương án giáo viên lý thì đi đào tạo thêm hóa và sinh, còn giáo viên hóa thì đi đào tạo thêm sinh, lý… Thực tế giáo viên sau khi tập huấn lên dạy thì chưa yên tâm vì kiến thức chưa nhiều" - ông Thanh nói.
Từ thực tế đó, ông Thanh kiến nghị để đáp ứng yêu cầu dạy học và đảm bảo việc thực hiện thành công chương trình phổ thông mới, cần đội ngũ giáo viên chính quy được đào tạo dạy tích hợp, liên môn chứ không nên đào tạo giáo viên đơn môn để sau đó phải đào tạo lại.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thấy sự không thống nhất trong chương trình phổ thông mới khi ở bậc THCS thì dạy học tích hợp các môn sử - địa, lý - hóa - sinh nhưng đến bậc THPT, lớp 12 thì lại tách thành các môn riêng lẻ.
"Tôi không hiểu tại sao thiết kế chương trình như vậy?" - ông Thanh đặt vấn đề.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu tại buổi khảo sát
Đánh giá giáo viên là đội ngũ cơ bản làm nên thành công của chương trình phổ thông 2018 và đổi mới sách giáo khoa, bà Đào Thị My Thư, phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mong muốn TP.HCM cần tính toán, chia sẻ thêm về việc đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông mới cả ở bậc tiểu học, THCS.
Phát biểu tại buổi khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đánh giá cao việc quận Gò Vấp đã triển khai tốt chương trình phổ thông mới và đổi mới sách giáo khoa, chủ động và kịp thời có những giải pháp để khắc phục khó khăn.
Ghi nhận và cho biết sẽ gửi những kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.HCM…, bà Tuyết mong đội ngũ giáo dục quận, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tiếp tục nỗ lực lớn để đảm bảo được chất lượng chương trình phổ thông mới trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận