10/12/2023 18:49 GMT+7

Trường chuyên có thể thi môn tích hợp để tuyển sinh

Tại hội nghị tập huấn dạy môn tích hợp theo chương trình mới vào ngày 10-12, nhiều băn khoăn được giải đáp, trong đó có việc thi thế nào với môn tích hợp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng điều hành hội nghị - Ảnh: NGUYỄN MẠNH

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng điều hành hội nghị - Ảnh: NGUYỄN MẠNH

Thi học sinh giỏi, thi vào trường chuyên với môn tích hợp thế nào?

Đây là một trong nhiều băn khoăn của cán bộ quản lý ở 63 điểm cầu tại hội nghị tập huấn dạy học các môn tích hợp.

"Tổ chức thi học sinh giỏi thế nào nếu như ở THCS không có các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Tương tự, nếu tuyển sinh vào các lớp chuyên sẽ thi môn gì để chọn học sinh cho các lớp chuyên này?", ý kiến của một số nhà quản lý.

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (do Bộ GD-ĐT tổ chức) chỉ áp dụng đối với học sinh THPT.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp học này không còn môn tích hợp khoa học tự nhiên lịch sử và địa lý như cấp THCS. Còn với các kỳ thi do sở GD-ĐT tổ chức ở cấp học dưới, do các địa phương chủ động theo hướng bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Việc tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên cũng phải thực hiện trên cơ sở chương trình hiện hành. Theo đó, những học sinh dự tuyển vào lớp chuyên các môn khoa học tự nhiên như lý, hóa, sinh thì môn chuyên phải thi sẽ là khoa học tự nhiên.

Đề thi có thể được tính toán để hàm lượng kiến thức các phân môn khác nhau, tương ứng với đối tượng dự thi vào lớp chuyên nào", ông Thành cho biết.

Hoạt động trải nghiệm không thay thế tiết sinh hoạt dưới cờ hay sinh hoạt lớp cuối tuần

Hoạt động trải nghiệm cũng là một trong những môn học/hoạt động mới chỉ có ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng xảy ra nhiều vướng mắc trong việc triển khai thời gian qua.

Không biết giao cho giáo viên nào đảm nhiệm, không biết tổ chức như thế nào với quy định 3 tiết/tuần, trong đó có tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và tiết chuyên đề.

Một lãnh đạo sở băn khoăn về việc tiết sinh hoạt dưới cờ chung cho toàn trường, trong khi chương trình hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp thiết kế riêng cho từng lớp. Làm thế nào để thỏa mãn yêu cầu của các chương trình trong một sự kiện, một thời điểm.

Một vị lãnh đạo khác cũng cho rằng buổi sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp còn cần để nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở nề nếp, thực hiện nhiều việc khác trong quản lý học sinh. Nếu "biến" nó thành tiết trải nghiệm thì xử lý vấn đề như thế nào?

Về vấn đề này, tại hội nghị tập huấn, Bộ GD-ĐT cho biết trong các năm từ 2020 đến 2022 đã có nhiều văn bản hướng dẫn. Trong đó văn bản sau chi tiết, cụ thể hơn các văn bản trước nhằm giúp các trường, giáo viên thuận tiện trong thực hiện.

Nhưng vẫn có nhiều nhà trường, giáo viên chưa nghiên cứu kỹ văn bản. Còn hiện tượng cán bộ quản lý cấp phòng, sở chỉ đạo chưa đúng tinh thần của Bộ GD-ĐT. Một số nơi phản ánh hướng dẫn của tác giả sách giáo khoa, tác giả chương trình khác với bộ nên không biết nghe theo ai.

Chốt lại việc này, Bộ GD-ĐT cho biết các nhà trường chủ động việc phân công giáo viên phù hợp về năng lực, chuyên môn để đảm nhiệm các chủ đề hoạt động trải nghiệm khác nhau.

Việc xây dựng thời khóa biểu cho hoạt động này đảm bảo sự linh hoạt. Không bắt buộc thực hiện lần lượt các chủ đề như sách giáo khoa viết, cũng không bắt buộc chia đều số tiết/tuần mà có thể linh hoạt, chỉ cần đảm bảo dạy đủ tổng số tiết của môn học trong một năm học.

Theo đó, các trường có thể gộp số tiết chuyên đề để tổ chức thành các buổi, các chuỗi sự kiện khác nhau cho học sinh trải nghiệm. Nội dung trải nghiệm không thay thế hoàn toàn tiết hoạt động dưới cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần mà các nhà trường có thể bố trí các nội dung phù hợp vào các tiết này, xen kẽ với các nội dung nhằm quản lý nề nếp học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến mục đích cho học sinh trải nghiệm, thực hành, vận dụng kiến thức và thể hiện bằng báo cáo, sản phẩm học tập, với yêu cầu khác nhau với từng nhóm đối tượng học sinh.

Không bắt buộc giáo viên bồi dưỡng 3-6 tháng phải đảm nhiệm toàn bộ môn học

Tại hội nghị trên, Bộ GD-ĐT khẳng định trong các văn bản của bộ khuyến khích các địa phương tổ chức cho giáo viên bồi dưỡng, đào tạo bổ sung ngoài chuyên môn đã được đào tạo trước đó.

Tuy nhiên không bắt buộc giáo viên bồi dưỡng, đào tạo bổ sung 3-6 tháng phải đảm nhiệm cả môn tích hợp, mà tùy theo điều kiện, khả năng đáp ứng của giáo viên, nhằm duy trì chất lượng.

Việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn do các nhà trường chủ động phân công, theo hướng giáo viên được đào tạo phân môn nào sẽ đảm nhiệm dạy và kiểm tra đánh giá phân môn đó.

Việc bố trí thời khóa biểu cần khoa học hơn để giáo viên giảm tải, đảm bảo thực hiện đúng mạch kiến thức trong chương trình.

Theo Bộ GD-ĐT, có 33/63 sở GD-ĐT có phản ánh về tình hình dạy học các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm. Trong đó có nêu nhiều khó khăn khi triển khai.

Môn học tích hợp: Ưu tiên dạy theo mạch chương trình đã thiết kếMôn học tích hợp: Ưu tiên dạy theo mạch chương trình đã thiết kế

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn để gỡ khó trong thực hiện các môn học tích hợp và hoạt động trải nghiệm. Hướng dẫn thực hiện ưu tiên dạy theo mạch chương trình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên