18/11/2017 20:00 GMT+7

Giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 2: Bảo vệ bí mật của học trò

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Có lần tôi phát hiện hai học sinh có tình cảm đặc biệt với nhau. Các bạn này thường tìm cách gặp riêng nhau hay ở lại muộn sau giờ tan học".

Giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 2: Bảo vệ bí mật của học trò - Ảnh 1.

Nếu không sâu sát, giáo viên chủ nhiệm khó hiểu được học trò của mình đáng thương đến cỡ nào

Cô giáo Đặng Nguyễn Mai Chi

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), khi kể về một thời chủ nhiệm của mình đã nhớ lại: "Thời ấy có khá nhiều thông tin nhạy cảm liên quan tới việc học sinh "vượt rào" trong tình cảm và "lệnh cấm" luôn được xem là an toàn nhất".

Đặt niềm tin

"Khi tôi xếp lại chỗ ngồi cho học sinh trong lớp, hai bạn đó nghĩ thế nào tôi cũng tách các bạn ấy ngồi cách xa nhau. Thông thường sẽ là như thế, nhưng tôi suy nghĩ rồi quyết định xếp hai bạn ngồi cạnh nhau. Điều này khiến hai bạn đó ngạc nhiên, nhiều học sinh trong lớp cũng thắc mắc".

Vài ngày sau đó tôi được hiệu trưởng gọi lên nhắc: "Chúng nó yêu nhau, lẽ ra em phải tách chúng ra để tập trung học hành, sao lại để ngồi cạnh nhau như thế". 

Dù cô hiệu trưởng không nói thì tôi cũng hiểu không chỉ hai học sinh ấy học sút kém, mà nếu các em để xảy ra hậu quả nào thì tôi sẽ là người phải chịu trách nhiệm rất lớn.

Nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm. Việc tôi bị hiệu trưởng gọi lên, không hiểu sao học sinh trong lớp đều biết. Các em bàn tán sau lưng tôi vì tò mò không biết tôi sẽ làm gì sau khi bị ban giám hiệu phê bình.

Tôi chỉ nói với hai em học sinh đó "cô tin các con sẽ làm được". Trước khi xếp hai em ngồi cạnh nhau, tôi đã nói chuyện riêng với từng em. 

Tôi nói tin học sinh không phải để tự trấn an mình. Tôi chỉ nghĩ nếu mình khơi dậy lòng tự trọng, tự chịu trách nhiệm của học sinh, cho các em cơ hội để khẳng định niềm tin của người lớn đặt vào các em là đúng thì chắc chắn các em sẽ không làm chúng ta thất vọng".

Hai học sinh mà cô Nhiếp kể, bạn nam sau này là một học sinh giỏi của lớp, còn bạn nữ từ học sinh trung bình, kiến thức bấp bênh cũng đạt học sinh khá. 

Đặc biệt, không lần nào các em để bị giáo viên bộ môn nhắc vì không nghiêm túc trong giờ học. "Các em làm thế để được tiếp tục ngồi cạnh nhau và để giữ niềm tin của tôi vào các em" - cô Nhiếp nói.

Giáo viên chủ nhiệm - Kỳ 2: Bảo vệ bí mật của học trò - Ảnh 3.

Tôn trọng "bí mật"

Một câu chuyện khác của cô Nhiếp cho thấy việc tôn trọng "bí mật" của học trò mình.

"Một học sinh lỡ lấy cắp tiền của bạn. Chuyện ngày càng trở nên rắc rối khi sự nghi kỵ lẫn nhau trong lớp làm học sinh bất an. 

Những chứng cứ tôi tìm hiểu đã cho thấy nhiều khả năng A. là thủ phạm. 

Nhưng tôi không muốn khẳng định học sinh có lỗi khi em ấy không muốn nhận. Sự việc được thông tin đến ban giám hiệu, tôi bị phê bình vì để câu chuyện kéo dài.

Việc xác định A. lấy cắp rất dễ, nhưng rồi A. sẽ ra sao với mặc cảm và sự xa lánh của bạn bè. A. có thay đổi, có chắc chắn không tái phạm nếu bị kỷ luật nghiêm khắc không? 

Rất nhiều câu hỏi như thế trong đầu tôi. Rồi tôi quyết định gọi A. gặp riêng. Tôi cho A. biết những bằng chứng mình có, tôi muốn A. suy nghĩ và quyết định điều gì là đúng.

"Cô biết con sẽ làm được!" - tôi nói như thế với A. và nhận ra sự xao động trong ánh mắt em. Sau đó A. thú nhận việc đã làm. Tôi giúp A. chuyển số tiền mà A. đã lấy cắp cho bạn bị mất cắp ở cùng lớp. 

Nhưng giữ lời hứa, tôi không tiết lộ người lấy là ai. Cho tới bây giờ đó vẫn là điều bí mật mà tôi giữ. Còn A. đã ra trường. 

Sẽ có người cho rằng cách tôi làm là dung túng cho lỗi lầm và có thể vì thế học sinh sẽ tiếp tục vi phạm, làm hại đến người khác. Nhưng tôi tin việc mình làm tốt hơn so với việc mang học sinh ra kỷ luật trước toàn trường".

Chỉ cần biết cư xử

Năm học 2016-2017, cô Đặng Nguyễn Mai Chi, giáo viên môn hóa Trường THPT Thalmanl (Q.1, TP.HCM), được phân công chủ nhiệm lớp đặc biệt. 

Trong lớp có H. là một học sinh vô kỷ luật, thích thì vô học, không thích cứ đứng bên ngoài, kể cả khi vào lớp rồi nếu thích cũng ngủ. 

Tìm hiểu, cô Chi biết được mẹ H. mất sớm, cha bỏ đi làm ăn xa, em sống với ông nội và nhận sự trợ cấp của các cô.

Cô Chi nhớ lại: "Lần đó tôi tổ chức cho cả lớp đi xem phim, ngoài tiền tài trợ thì mỗi em đóng thêm 30.000 đồng. H. cũng đóng nhưng tôi không lấy. Tôi hỏi: "Ai cho em tiền?". "Ông nội em". "Thôi ông già cả rồi, làm gì ra tiền, em mang về đưa ông đi"".

Chỉ một cư xử nhỏ ấy thôi mà H. thay đổi, nghe lời cô giáo chủ nhiệm và chịu khó học tập. 

Sau này khi đã đậu tốt nghiệp THPT, đi nghĩa vụ quân sự và dự định đi theo con đường binh nghiệp, H. mới tâm sự với cô Chi: "Em xúc động vì cô thương em, có quan tâm tới em nên mới biết ông nội em già rồi. Em thay đổi là vì cái lần cô không lấy tiền đi xem phim ấy".

Cô Chi kể về một trường hợp khác: "Hồi đó học sinh trong lớp tôi chủ nhiệm thường xuyên bị mất đồ. Các bạn nghi cho một em, tôi tìm hiểu mới biết em có cha mẹ nhưng họ chia tay và không ai nuôi em cả. 

Em sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Ban ngày đi học, tối em phải chạy bàn để kiếm 2 triệu đồng/tháng trang trải cuộc sống. 

Tôi không để học sinh đó biết sự nghi ngờ đang tập trung vào em mà chỉ giảng giải cho em ấy hiểu ăn cắp là một tính xấu, tương lai của người chuyên đi ăn cắp sẽ chẳng tốt đẹp gì nếu bị tất cả mọi người tẩy chay. 

Bên cạnh đó, tôi làm việc với các học sinh còn lại về ý thức giữ gìn đồ đạc của bản thân. Từ đó trong lớp không còn tình trạng mất đồ nữa. Đối với một giáo viên làm công tác chủ nhiệm, còn điều gì vui hơn thế?".

Xin trường giữ bí mật...

03

Thầy Nguyễn Văn Thiện, tổng chủ nhiệm Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, đang "làm việc" với học trò - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Thầy Nguyễn Văn Thiện (tổng chủ nhiệm Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cho biết mình cũng từng giữ kín bí mật của một học trò.

Em ấy từng vài lần ăn cắp tiền và một lần người em chọn để lấy cắp lại chính là cô chủ nhiệm.

Là người phát hiện và có thể buộc học sinh phải thừa nhận với bằng chứng rõ ràng, nhưng thầy Thiện đã xin nhà trường giữ bí mật này cho học sinh, cả lớp không ai biết em ấy là thủ phạm.

Nhiều năm sau khi ra trường, nữ sinh đó vẫn mang hoa tới tặng thầy và nhà trường. "Giờ em khá thành đạt và không ai biết em từng sai lầm khi học phổ thông" - thầy Thiện nói.

************

>> Kỳ tới: Bài học của người thầy

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên