Mật độ xây dựng chung cư quá dày đặc tại phố Nguyễn Huy Tưởng trong khi hạ tầng giao thông xung quanh không đáp ứng nổi - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, việc xây dựng chung cư trong nội đô Hà Nội đang có những bất cập, là một nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc giao thông tại thủ đô.
Vậy việc phát triển chung cư của Hà Nội theo quy hoạch như thế nào? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của giám đốc Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội và một số chuyên gia.
Nhà cao tầng đều đúng quy hoạch?
Trả lời báo chí sáng 5-1, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội khẳng định: "Tất cả nhà cao tầng đều thực hiện theo quy hoạch, không làm sai quy hoạch. Trong quy hoạch cũng có khống chế hết về chiều cao.
Gần đây có ý kiến nêu ra nguyên nhân ách tắc giao thông do nhà cao tầng, thực ra nguyên nhân ách tắc giao thông là nguyên nhân tổng hợp chứ không phải do xây nhiều nhà cao tầng.
Vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay là do phát triển với số dân cơ học tăng rất lớn, nhu cầu đi lại cao, phương tiện nhiều, trong khi việc phát triển di dân ra phía ngoài chưa thực hiện được, vì cơ sở hạ tầng bên ngoài chưa có.
Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng bên ngoài nội đô cũng đòi hỏi nguồn tiền rất lớn. Vì vậy, riêng về phát triển nhà cao tầng, tôi khẳng định đến giờ phút này các nhà cao tầng vẫn làm theo quy hoạch được duyệt".
* Thưa ông, mới đây Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Hà Nội phải xem xét, kiểm soát việc cho xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Hà Nội sẽ thực hiện ra sao?
- Việc Thủ tướng Chính phủ nhắc, yêu cầu thì TP phải quan tâm thực hiện. Hiện nay UBND TP đã có chỉ đạo phải báo cáo với Thủ tướng về công tác quản lý quy hoạch. Hôm qua trong tổng kết tại sở thì Chủ tịch UBND TP cũng đã nói trong tuần tới sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng về nội dung này.
Ngoài ra, phải củng cố quản lý để thực hiện đúng theo quy hoạch. Bây giờ tất cả mọi vấn đề phải làm theo quy hoạch. Quy hoạch đã được duyệt thì chúng ta phải chấp hành theo quy hoạch được duyệt.
* Trong bối cảnh ùn tắc giao thông trở thành vấn đề cấp bách như hiện nay, trong khi có những quy hoạch từ thời điểm trước được cho là bất cập. Hà Nội có chủ động rà soát, xem xét lại để điều những bất cập từ quy hoạch?
- Đương nhiên khi Thủ tướng yêu cầu thì phải thực hiện rà soát. Nếu có bất cập thì phải nhìn nhận tiếp thu và điều chỉnh. Cũng có thể tất cả các quy hoạch ở thời điểm hiện tại đều đúng nhưng do các yếu tố phát triển mà quy hoạch không còn phù hợp thì cũng phải xem xét điều chỉnh.
Mật độ xây dựng chung cư quá dày đặc tại phố Lê Văn Lương - Ảnh: VIỆT DŨNG |
* Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT:
Quy hoạch giao thông vỡ vì xây dựng
Quỹ đất của cơ quan, tổ chức nhà nước trả ra đáng lẽ để trồng cây xanh, bãi đỗ xe thì lại biến tấu thành nhà chung cư.
Đặc biệt khu vực trung tâm mà bị như thế thì giao thông có làm bao nhiêu cũng không đáp ứng được với mật độ càng tăng cao, đặc biệt là ở vành đai 2 Hà Nội, vành đai 1 của TP HCM trở vào. Mật độ chung cư cao tầng quá dày dẫn đến hoạt động giao thông không đáp ứng nổi.
Khi ùn tắc, ai cũng nói tội là của giao thông nhưng thực ra giao thông chỉ là bề nổi mà mọi người nhìn thấy. Còn phần chìm là hạ tầng về xây dựng, phân bố dân cư.
Ngành giao thông dựa trên hiện trạng và quy hoạch chung đã được phê duyệt để dự báo và xây dựng quy hoạch giao thông. Đến khi phá vỡ quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì quy hoạch giao thông vỡ theo.
Ví dụ khu vực A chỉ bố trí đường phục vụ lưu lượng người theo mật độ dân cư được quy hoạch khoảng 5.000 người thì làm bề rộng đường, lưu lượng thông qua chỉ chừng đó. Nhưng đùng một cái xây thêm 3 toà nhà chung cư sẽ làm lưu lượng tăng lên gấp đôi, phương tiện tăng gấp 3 thì hệ thống giao thông không chịu nổi.
Ở các đô thị như Hồng Kông hay nơi khác, trong quy hoạch xây dựng người ta đã phân khu rõ, chỗ này có mấy toà nhà cao đến bao nhiêu, dân cư bao nhiêu người rồi khống chế về không gian cao tầng, không gian ngầm, khống chế khu vực dân cư.
Quy hoạch giao thông sẽ bám theo các con số đó để làm, nếu quỹ đất giao thông mặt bằng không đủ thì người ta đào ngầm.
Còn ở ta, ngành giao thông bị phụ thuộc theo các ngành khác, khi các ngành thay đổi thì ngành giao thông không thể thay đổi được nữa vì không còn quỹ đất để mở rộng.
Ở ta có làm giao thông ngầm cũng không đáp ứng nổi được khi quy mô đô thị ở vùng lõi của Hà Nội, TP HCM hiện nay mật độ quá dày rồi mà hạ tầng lại thuộc phố cổ, phố cũ.
Một số phố mở rộng cũng chẳng qua giải toả mặt bằng để đáp ứng hiện thời. Sau này nếu có giao thông kết nối tốt, có giao thông ngầm, nổi cũng chỉ đáp ứng một phần thôi. Còn lại ách tắc vẫn ách tắc vì quy mô đô thị đã quá đông.
* TS Nguyễn Thanh Chương - Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học GTVT: Không để giao thông đuổi theo xây dựng Chúng ta đa phần quy hoạch sử dụng đất sau đó mới quy hoạch giao thông. Trong khi các nước phát triển thực hiện quy hoạch tích hợp, giao thông gắn liền với sử dụng đất chứ không phải để giao thông đuổi theo sau. Vừa rồi, chúng ta không đánh giá tác động đến giao thông vận tải khi xây dựng các toà nhà cao tầng trong nội đô, nếu có thì cũng chỉ thực hiện ở một vài dự án. Nhiều dự án của chúng ta đầu tư không theo quy hoạch trong khi tầm nhìn quy hoạch không dài lại không tuân thủ nghiêm túc trong quản lý quy hoạch. Các đô thị lớn trên thế giới quy định chiều cao cụ thể đến đâu, không công trình nào được vượt quá chiều cao đó, như vùng lõi của Paris (Pháp) quy định không được xây cao hơn tháp Eiffel. Hà Nội cũng cần quy định cụ thể không được xây cao quá bao nhiêu mét trong bán kính bao nhiêu chứ không chỉ nói chung chung là hạn chế xây cao tầng. Không thể nói cứ xây chung cư ở nội đô, sau này làm giao thông ngầm, giao thông trên cao vì không ai dám chắc sau này có điều kiện đầu tư giao thông sẽ đáp ứng được hay không. Về nguyên tắc, phải giãn mật độ dân cư, giao thông ở nội đô. Ở các nước, xây dựng 1/3 diện tích đất, còn lại dành cho giao thông và giao thông tĩnh (chỗ đỗ) cùng các hoạt động khác chứ không phải có tí đất nào xây hết tí đó. Nếu xây kín hết, sau này có làm giao thông ngầm thì rất tốn kém và tư duy giao thông đuổi sau xây dựng theo kiểu "thả gà ra đuổi" rất phức tạp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận