Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết - theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, tăng trưởng tới 81% so với năm 2020.
Quy mô giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM của các ngân hàng năm 2021 giảm 4% về số lượng giao dịch, gần 2% về giá trị giao dịch so với năm 2020.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 4 tháng năm 2022 tăng 69,7% về số lượng so với cùng kỳ năm 2021. Các con số này cho thấy lượng giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế đã giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
* Theo bà, nguyên nhân nào khiến tiền mặt trong lưu thông giảm mạnh?
Trước tiên phải khẳng định lượng tiền mặt trong lưu thông có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua bởi định hướng và chỉ đạo nhất quán, mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thể hiện qua đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ; Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030.
Với định hướng của Chính phủ và NHNN như trên, thực tế, những năm qua, ngành ngân hàng đã tập trung đầu tư hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ hiện đại, nghiên cứu triển khai ứng dụng các giải pháp thanh toán số tiên tiến, nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời đảm bảo an toàn, bảo mật, hướng đến gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng triển khai nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm phí giao dịch thanh toán, giúp cho các công cụ thanh toán không tiền mặt trở nên thân thiện, đơn giản, tiết kiệm với người dân.
Tại Vietcombank, chúng tôi cũng đã miễn, giảm phí dịch vụ như phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM... cho cả đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Đặc biệt, từ 1-1-2022, Vietcombank triển khai chính sách Zero fee - miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank – nền tảng ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là một điều kiện ngoại cảnh tác động mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động thanh toán online của người dân và doanh nghiệp.
* Còn từ góc độ ngân hàng, bà nhận thấy các ứng dụng thanh toán được thay đổi như thế nào?
Điều không khó nhận thấy trong vài năm qua là sự thay đổi định hướng kinh doanh của các ngân hàng. Như tôi nói ở trên, các ngân hàng tập trung đầu tư hạ tầng thanh toán, công nghệ thông tin nhằm mục tiêu cung cấp những giải pháp thanh toán vừa nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng với mức chi phí hợp lý.
Đến nay, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 95% ngân hàng đã và đang xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số, số hóa hoạt động thanh toán bao gồm cả quy trình nội bộ và quy trình cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng.
Các kênh giao dịch số, các giải pháp thanh toán mới đang được các ngân hàng cung ứng rộng rãi, mang lại sự thuận tiện trong thanh toán qua ngân hàng.
* Tại Vietcombank, các sản phẩm, dịch vụ thanh toán được thay đổi ra sao, thưa bà?
Với tầm nhìn trở thành ngân hàng số số 1 tại Việt Nam và xác định rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số gắn với sự phát triển lâu dài của ngân hàng, ngay từ đầu năm 2018, Vietcombank đã xây dựng và phê duyệt đề án chuyển đổi số.
Đây là cơ sở quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình số hóa toàn bộ hệ thống. Tiếp theo đó, từ đầu năm 2020 đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Trung tâm Ngân hàng số và đưa vào vận hành thành công Hệ thống Ngân hàng lõi mới (Core Banking Signature).
Trong 3 năm qua, Vietcombank đã tập trung nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hỗ trợ thực thi chiến lược chuyển đổi số. Theo đó, các nền tảng công nghệ số hiện đại, tiện ích, hướng đến tối ưu trải nghiệm khách hàng nổi bật có thể kể đến như: Phát triển các nền tảng số hoàn toàn mới cho khách hàng cá nhân (VCB Digibank) và khách hàng doanh nghiệp (VCB DigiBiz);
Triển khai các giải pháp thanh toán mới như QR Code, phương thức thanh toán thẻ hiện đại; Triển khai hiệu quả phát triển khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán thông qua phương thức eKYC để mở tài khoản, phát triển người dùng thẻ thông qua phát hành thẻ online, thẻ phi vật lý...
Trong đó, kênh ngân hàng số VCB Digibank/VCB Digibiz là trung tâm trong trong chiến lược phát triển kênh giao dịch số và hệ sinh thái thanh toán số của Vietcombank bởi VCB Digibank/VCB Digibiz giúp tăng cường thu hút, gắn kết khách hàng trong hệ sinh thái số thông qua việc đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán, tài chính của khách hàng.
* Bà có thể cho biết kết quả cụ thể của hoạt động thanh toán online tại Vietcombank?
Số lượng khách hàng có tài khoản tại Vietcombank đạt trên 21 triệu, trong đó trên 50% khách hàng thường xuyên giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Về quy mô giao dịch, có trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Khách hàng giao dịch qua các kênh số của Vietcombank đạt gần 9 triệu khách hàng, tăng hơn 5 triệu kể từ năm 2019 đến nay. Với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì, Vietcombank kỳ vọng sẽ mục tiêu đạt trên 10 triệu khách hàng vào cuối năm nay.
Hiện quy mô giao dịch bình quân đạt gần 3 triệu giao dịch/ngày với khoảng 200 sản phẩm/dịch vụ/tiện ích số được cung ứng trên VCB Digibank.
* Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển hơn trong những năm tới, về góc độ chính sách, Vietcombank kiến nghị gì?
Vietcombank kiến nghị NHNN sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Regulatory Sandbox) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các ngân hàng phát triển các mô hình hợp tác chặt chẽ với Fintech nhằm triển khai nhiều giải pháp thanh toán thông minh.
Ngoài ra, Vietcombank cũng hi vọng các quy định cụ thể về Open API, điện toán đám mây sẽ sớm được NHNN ban hành để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như phù hợp với thực tiễn triển khai tại các ngân hàng.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng kiến nghị NHNN xem xét điều chỉnh một số quy định về hoạt động thanh toán thẻ.
Theo đó, đối với khách hàng phát hành thẻ trên kênh trực tuyến, cơ quan quản lý giao quyền chủ động cho các ngân hàng tự quyết định và chịu trách nhiệm đối với quy trình thực hiện, đồng thời, không giới hạn hạn mức giao dịch và phạm vi giao dịch với các khách hàng hiện hữu mà ngân hàng hàng đã định danh, xác thực trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận