19/01/2018 21:06 GMT+7

Giao đất nông, lâm trường địa phương sợ không dám nhận

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn bạt ngàn mà thiếu người quản lý lẫn kinh phí nên tại Tây Nguyên xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp đông người, có nhiều vụ án hình sự...

Hiện nay việc chuyển đổi mô hình để quản lý cũng còn quá nhiều bất cập, nảy sinh thêm các mâu thuẫn, tranh chấp mà có thể bùng nổ các điểm nóng tại nông thôn…

Đó là một trong nhiều nội dung được các đại biểu là lãnh đạo các địa phương đề cập tại Hội nghị quản lý, sử dụng đất đại có nguồn gốc nông, lâm trường tại các tỉnh Tây Nguyên vừa được Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức chiều nay 19-1.

Giao đất nông, lâm trường địa phương sợ không dám nhận - Ảnh 1.

Nhiều diện tích đất thuộc các nông trường đang bị tranh chấp - Ảnh: TRUNG TÂN

Trả công bèo, sao giữ nổi rừng?

Hội nghị từ đầu giờ chiều nhưng đến hơn 18h cùng ngày nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, ông đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng chủ trì một cuộc họp trong thời gian tới về quy hoạch sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên cả nước, qua đó sẽ có những chính sách cụ thể hơn.

Nêu ý kiến về quản lý, bảo vệ rừng tại các nông, lâm trường, ông Nguyễn Bốn - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng Chính phủ đóng cửa rừng là đúng nhưng cần có chính sách đi kèm vì nếu đóng thì các công ty lâm nghiệp sẽ sống bằng gì? Hiện nay kinh phí để quản lý 1ha/năm chỉ được 200.000 đồng. Công ty nào có lưu vực sông thì có quỹ môi trường rừng. 

"Nhiều doanh nghiệp xin trả dự án, trả rừng vì đã quản lý phải trả tiền thuê đất, không thu lợi gì nhưng khi đụng chuyện thì bị xử lý. Nếu họ trả rừng đồng loạt thì sẽ lập tức mất rừng. Chính sách hiện nay là rất vướng, đề nghị trung ương tháo gỡ", ông Nguyễn Bốn giải thích.

Giao đất nông, lâm trường địa phương sợ không dám nhận - Ảnh 2.

Đất của các lâm trường bị lấn chiếm, xâm canh hàng chục ngàn hecta trên khắp Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN

Ngoài ra, hiện nay tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì việc phá rừng chủ yếu là để lấy đất làm nương rẫy vì đất đai quá màu mỡ. Theo luật bây giờ việc xử lý phải căn cứ vào thiệt hại về tài sản, tức là bao nhiêu gỗ, diện tích đất mới xử lý hình sự. Vì vậy các vi phạm về đất đai vẫn cứ dai dẳng, không giải quyết dứt điểm được. 

Cũng theo ông Bốn, phần lớn diện tích đất từ các nông, lâm trường giao về địa phương quản lý không quy hoạch để sử dụng được vì "có chủ hết rồi. 

Nếu chúng ta quy hoạch thì tài sản trên hàng chục ngàn hecta đất đó có bồi thường được không? Rất cần trung ương tháo gỡ. Ngoài ra, đối tượng sử dụng đất là dân cần đất để làm ăn, nếu quyết liệt thì sẽ có nhiều vụ án hình sự nữa, rất đáng lo lắng"

Ông Nguyễn Bốn - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Ông Bốn cũng thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến phức tạp trong giải quyết tranh chấp đất đai vì có cán bộ, đảng viên sai phạm. Cụ thể, đến nay tỉnh Đắk Nông đã chỉ ra 213 cán bộ, đảng viên vi phạm trong cấp đất có nguồn gốc từ đất rừng trước khi được tỉnh cho phép; có hơn 100 cán bộ vi phạm trong việc nhận đất thuộc chương trình 135 không đúng đối tượng, trái quy định. Năm 2018, tỉnh tiếp tục "mạnh tay" nhằm xử lý dứt điểm tình trạng cán bộ, đảng viên bao chiếm đất không đúng quy định.

Đất giao về, địa phương không dám nhận

Tại hội nghị này, câu chuyện đáng bàn nhất là diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường theo các đợt đổi mới, sắp xếp của trung ương, giao về địa phương không dám nhận vì không đủ nguồn lực quản lý, sợ bị trách nhiệm. 

Ông Bùi Thanh Lam - giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Đắk Lắk, cho biết đến nay tỉnh đã thu hồi khoảng 122.000 ha từ các nông lâm trường. Trong 46 nông, lâm trường, có 6 đơn vị giải thể, 40 công ty đã và đang rà soát, sắp xếp, đổi mới.

"Có thể nói, phương thức quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường vẫn chưa hiệu quả. Tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển nhượng đất đai vẫn diễn ra", ông Thanh Lam nhìn nhận. 

Ông dẫn chứng: tổng số diện tích đất thu hồi là hơn 122.000 ha nhưng vẫn đang ở tình trạng sử dụng chưa đúng quy định. "Địa phương muốn đưa vào sử dụng diện tích đất này nhưng thực tế là nhiều người dân đang sử dụng. Muốn thu hồi, thực hiện các dự án thì là một bài toán khó, không biết sắp xếp những người đang sử dụng diện tích đất đó như thế nào", ông Thanh Lam nêu hiện tượng.

"Trung ương cần nghiên cứu mô hình các công ty nông, lâm nghiệp để có điều kiện sử dụng quỹ đất có hiệu quả. Bởi hiện các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý hơn 200.000 ha, nhiều quỹ đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước rất tốt nhưng không phát huy được tiềm năng. Nhiều xã ở Tây Nguyên quản lý hàng trăm ngàn hecta nhưng không đủ cán bộ địa chính quản lý. Nguyên nhân là cơ sở dữ liệu về đất đai không có, không biết thực tế đất đai đó ai sử dụng, ai quản lý, quá trình biến động".

Giao đất nông, lâm trường địa phương sợ không dám nhận - Ảnh 4.

Bộ trường Trần Hồng Hà trao đổi với giới truyền thông bên lề hội nghị - Ảnh: L.P.

Còn ông Trương Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết diện tích đất chuyển về cho địa phương quản lý là rất lớn, sẽ gây áp lực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng sau này. Theo quy định thì người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ rừng nhưng thực tế các xã không có nguồn lực để bảo vệ. Đất giao về địa phương thường bị lấn chiếm, xâm canh. Vừa qua có hai chủ tịch xã bị kỷ luật do để mất rừng, đất bị lấn chiếm trên địa bàn quản lý.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rằng mô hình nông, lâm trường có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung hơn 30 năm qua. Tuy nhiên hiện nay theo hướng đi kinh tế thị trường, cần chuyển đổi mô hình các nông, lâm trường thì các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, không bắt kịp…

Năm nay, Bộ cũng sẽ tập trung thanh, kiểm tra công tác quản lý đất đai tại các nông, lâm trường nhằm chỉ ra những sai sót, bất cập; qua đó sẽ đưa ra các giải pháp để khắc phục, chứ việc thanh tra không chỉ nhằm đưa ra sai phạm, xử lý… 

"Tôi đã ký văn bản đề nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp về quy hoạch sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên cả nước. Qua đó sẽ bàn thêm các giải pháp để phát triển hiệu quả tiềm năng đất đai, rừng rất lớn tại các nông, lâm trường trên cả nước" - Bộ trưởng Hồng Hà nhấn mạnh.


TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên