18/02/2019 11:14 GMT+7

Giao chùa Hương Tích cho doanh nghiệp: Nhà nước không thu được đồng nào

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TTO - Mặc dù có ban quản lý nhưng chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) lại được ủy quyền cho một công ty thu phí, quản lý và điều hành, ngân sách nhà nước không thu được đồng nào.

Giao chùa Hương Tích cho doanh nghiệp: Nhà nước không thu được đồng nào - Ảnh 1.

Hiện nay mọi sự điều hành, quản lý ở chùa Hương Tích Hà Tĩnh được giao cho doanh nghiệp - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Đầu năm 2019, đại diện cho UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích ký văn bản hợp đồng ủy quyền việc thu phí tham quan danh thắng và thực hiện một số nhiệm vụ trong năm 2019 cho Công ty TNHH thương mại và tổng hợp Hương Tích (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh). Hình thức hợp đồng trọn gói, hiệu lực hợp đồng đến 31-12-2019.

Theo hợp đồng, Công ty TNHH thương mại và tổng hợp Hương Tích tổ chức đón tiếp khách về tham quan, thu phí tham quan danh thắng chùa Hương Tích, điều hành hoạt động tổ xe tự quản, tổ chức trông giữ và thu phí các loại phương tiện, quản lý hoạt động toàn bộ hệ thống dịch vụ, quán hàng trong khu du lịch thắng cảnh…

Giao chùa Hương Tích cho doanh nghiệp: Nhà nước không thu được đồng nào - Ảnh 2.

Điểm bán vé tham quan khu thắng cảnh chùa Hương Tích - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Bản hợp đồng nêu rõ: căn cứ dự toán thu chi ngân sách năm 2019 được Ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích phối hợp với Công ty TNHH thương mại và tổng hợp Hương Tích đưa ra thì dự toán thu phí và lệ phí 2,5 tỉ đồng, dự toán chi thường xuyên 2,5 tỉ đồng…

Dự toán chi thường xuyên ngoài 848 triệu đồng chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ Ban quản lý chùa Hương Tích (thông qua HĐND huyện Can Lộc), phần còn lại ban quản lý này chi trả tiền in vé tham quan, một số nhiệm vụ thực hiện lễ hội và duyệt thanh toán chuyển tiền trả cho Công ty Hương Tích phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động.

Ông Nguyễn Huy Quế, phó trưởng Ban quản lý chùa Hương Tích, thừa nhận khi có chỉ đạo cấp trên về việc chuyển đổi mô hình quản lý, năm 2018 ban quản lý chùa đã ký hợp đồng ủy quyền cho công ty tư nhân quản lý. Năm nay (2019) vẫn thực hiện mô hình này…

"Mọi hoạt động trước đây do ban quản lý thực hiện thì nay ủy quyền lại cho công ty làm rồi. Ban quản lý giờ chỉ có 8 người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước cho huyện khu du lịch này", ông Lý phân bua.

Theo ông Đỗ Trọng Khuyến, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh, công ty này chỉ thay mặt Nhà nước quản lý, công ty không có lợi lộc gì.

"Tiền thu ở đây chúng tôi nộp cho kho bạc Nhà nước, sau đó phân bổ lại công ty. Tiền thu và chi bằng nhau là căn cứ thực tế, nhiều khi công ty thu không đủ bù chi", ông Khuyến giải thích.

Trao đổi Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Huy Cường - phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc - cho biết lâu nay ban quản lý chùa Hương Tích hoạt động không hiệu quả, vì thế chủ tịch tỉnh kiểm tra, chỉ đạo huyện phải giao cho doanh nghiệp quản lý.

"Hoạt động Nhà nước ở chùa kém mới thay mô hình này. Huyện tạm thời giao cho doanh nghiệp để xem cái nào được, cái nào chưa được mà sau này chấn chỉnh, lấy kinh nghiệm", ông Cường cho hay.

Vì sao thu và chi bằng nhau, không có đồng nào nộp ngân sách? Ông Cường trả lời khi có chủ trương thì huyện thống nhất phương án, còn hồ sơ hợp đồng ủy quyền quản lý chùa lại do Phòng tài chính - kế hoạch huyện lập. Ông Cường nói để hỏi lại phòng tài chính sau.

Giao chùa Hương Tích cho doanh nghiệp: Nhà nước không thu được đồng nào - Ảnh 3.

Nhân viên Công ty Hương Tích kiểm soát vé du khách vào vãn cảnh chùa Hương Tích - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo ông Nguyễn Cảnh Thụy, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh, chùa Hương Tích là di tích thắng cảnh nên được phép thu phí tham quan. Tuy nhiên việc giao chùa cho doanh nghiệp quản lý mà Nhà nước không được đồng nào là cần phải xem lại.

Ông Thụy cho hay đây là hợp đồng khoán thì doanh nghiệp không được chi nữa, doanh nghiệp phải nộp thẳng vào ngân sách nhà nước. Giao cho doanh nghiệp quản lý chùa mà hạch toán thu, chi không còn đồng nào nộp vào ngân sách thì mở tự do cổng chùa khi đó có lẽ tiền công đức nhiều hơn…

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh có danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh lam được xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh. Năm 1990 di tích được công nhận di tích, danh thắng quốc gia. Mỗi năm chùa Hương Tích đón hơn 12 vạn lượt du khách, phật tử khắp thập phương vãn cảnh, cầu an.

Hiện nay, khi đến tham quan ở chùa, du khách phí gửi xe máy (10.000 đồng/ xe), ô tô (30.000 đồng/ xe dưới 7 chỗ ngồi; 40.000 đồng/ xe trên 7 chỗ ngồi), phí vào cổng tham quan (20.000 đồng/người lớn), phí xe ôm 50.000 đồng/ người/lượt…

Chen chân xức dầu tượng hổ ở Hương Tích mong… chữa bệnh Chen chân xức dầu tượng hổ ở Hương Tích mong… chữa bệnh

TTO - Với hy vọng chữa bệnh, nhiều người dân và du khách khi hành hương đến chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) chen chúc nhau xức dầu lên tượng hổ và người mình.


VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên