08/04/2006 16:40 GMT+7

Giang hồ hoàn lương

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTCT - Nhìn ông chủ Bình hôm nay, khó ai ngờ đó là một tướng cướp từng liều lĩnh vượt qua ba lớp bảo vệ để đột nhập trở lại chính trại giam mình, trộm một lúc bốn khẩu súng, từng điên cuồng đấu súng mặt đối mặt với đội trưởng đội cảnh sát hình sự.

5lkeCPJS.jpgPhóng to
Bình cùng con trai út
TTCT - Nhìn ông chủ Bình hôm nay, khó ai ngờ đó là một tướng cướp từng liều lĩnh vượt qua ba lớp bảo vệ để đột nhập trở lại chính trại giam mình, trộm một lúc bốn khẩu súng, từng điên cuồng đấu súng mặt đối mặt với đội trưởng đội cảnh sát hình sự.

Nhưng cuối cùng tình yêu đã chiến thắng. Từ một tên cướp bị Bộ Công an phát lệnh truy nã và tiêu diệt, Bình trở thành “thuyết khách” của cảnh sát, rồi làm một doanh nhân tỉ phú...

Ngôi nhà đúc to đùng ở ngay mặt tiền phố chợ thị trấn Phú Xuyên, Hà Tây tấp nập người ra vào. Ông chủ Phạm Văn Bình vừa nghe điện thoại vừa bận rộn lên lịch công việc ngày mai cho công nhân. Chị vợ tíu tít ra vào tiếp khách phụ chồng. Những đứa con thì say mê dán mắt vào chiếc truyền hình cáp to choáng cả góc tường...

Kẻ bị truy nã

Vào ngày này 20 năm trước, Bình là một tên cướp hai tay hai súng. Đám dao búa liên vùng Hà Nội, Hà Tây không chỉ ngán ngại tài thiện xạ mà còn nể cả “chiến tích” dọc ngang giang hồ của gã. Bình có tuổi thơ hoang dại ở ngõ Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội, gần kề rạp hát và phố chợ.

Bị công an tóm đưa vào trại giáo dưỡng chưa bao lâu, Bình lại bất ngờ lập một “thành tích” khó tin: một hôm lúc đang ở đồng lao động, đói quá Bình chọc tiết con bò của người dân đi lạc vào trại để cùng đồng bọn “cải thiện”. Dân bị mất bò báo cán bộ trại giáo dưỡng. Roi bên trên quất xuống lưng, nhưng Bình vẫn ngấu nghiến ăn cho xong “bữa tiệc”...

Ra trại, Bình tiếp tục đời giang hồ, bị bắt lại và đủ tuổi chịu án ở trại giam Thanh Hóa. Ngày được thả, gã lại bất ngờ gây ra một cú động trời nữa. Quay trở lại trại giam, lợi dụng sự thông thạo địa hình, ban đêm gã đột nhập qua ba lớp bảo vệ trại giam gồm cả rào thép, cảnh sát lẫn chó nghiệp vụ để vào kho vũ khí của trại lấy đi một lúc ba khẩu K54, một khẩu K59, đạn và lựu đạn. Đến bốn ngày sau trại giam mới phát hiện bị mất vũ khí, vì trộm xong gã đã cẩn thận khóa cửa kho như cũ. Lệnh truy nã khẩn cấp được ban hành toàn quốc nhưng Bình đã mất tăm.

Có “chó lửa” trong tay, Bình càng khét tiếng với những vụ cướp bóc liều lĩnh. Một đêm 30 tết, gã và hai đồng bọn xông thẳng vào lâm trường ở Hà Tây. Bảo vệ chĩa thẳng khẩu CKC vào đám cướp, nhưng bọn chúng cũng nhất loạt chĩa ba khẩu súng ngắn vào người này. Hai bên trân mắt nhìn nhau, rồi gã rít răng lạnh lùng: “Muốn sống thì bỏ súng xuống ngay. Nếu mày bóp cò thì một trong ba bọn tao trúng đạn nhưng ít nhất vẫn còn hai phát đạn bắn nát đầu mày”. Bảo vệ đành thả súng cho bọn chúng vơ vét.

Trong một chiều đang rà đường đi cướp xe máy ở thị trấn Phú Xuyên, Bình và Hùng đệ tử đã đối mặt với đại úy Đỗ Văn Quang, đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Hà Tây. Thấy nét mặt giống tên cướp có vũ khí đang bị truy nã đặc biệt, Quang bám theo. Đến khi thấy gã chuẩn bị ra tay với một phụ nữ đi đường, anh móc súng quát lớn: “Bình, đứng lại ngay”.

Cùng lúc đó, Bình cũng quay ngoắt lại và chĩa thẳng súng vào người Quang. Trong tích tắc, gã nghiến răng bóp cò trước, viên đạn xuyên qua bụng Quang khiến anh quị xuống đường và gã lao vào cướp chiếc xe cảnh sát vọt đi. Nhân dân hai bên đường nghe tiếng súng nổ nhào ra, định đuổi theo. Bình vãi hết mấy băng đạn khiến mọi người lùi lại.

Sau vụ đấu súng này, Bình phải mang trên người cả lệnh truy nã lẫn lệnh tiêu diệt. Mặc dù phải lẩn trốn nhưng đi đến đâu gã vẫn để lại trên dấu chân mình hàng loạt vụ cướp khét tiếng. Đám giang hồ khiếp vía. Còn lực lượng cảnh sát thì quyết bắt gã phải có ngày đền tội...

Tình yêu hoàn lương

isNZcLtm.jpgPhóng to
Bình và vợ
Thời còn dọc ngang giang hồ, gã có một cô vợ Hà Nội, một con trai. Khi gã vào tù, cô vợ đã cặp với một trai giang hồ khác. Rất nhiều lần gã đã thề việc làm đầu tiên trong ngày ra tù là “xử” người đàn bà này... Nhưng rồi lòng thù hận được thay bằng cảm giác xót thương khi gã chứng kiến cảnh vợ cũ vật vờ khổ sở với một gã nghiện. Vét hết tiền bạn bè cho, gã dúi vào tay vợ cũ và nói: “Thôi, đường ai nấy đi”.

Trong những ngày mai danh ẩn tích ở Hà Tây, gã đã lọt vào mắt xanh cô gái quê Nguyễn Thị Huyền. Ban đầu, cô chỉ tưởng Bình là một thanh niên lỡ vận đang đi tìm kiếm việc làm, nhưng rồi cô phát hiện dấu tích thật của gã.

Cho đến một ngày cô quyết định khuyên gã đầu thú, vì “đầu thú thì còn có ngày về để anh gặp con, mình gặp nhau, làm lại cuộc đời”. Gã lặng im nghe, không nói lại một lời, nhưng gã vẫn chưa tin tội dựa cột của mình sẽ được pháp luật khoan hồng. Đây cũng là thời điểm bố Huyền phát hiện ý trung nhân của con gái mình là một tên cướp bị lệnh truy nã.

Ban đầu ông phản ứng dữ dội, nhưng rồi thương con gái ông đã quyết định hẹn gặp Bình và nói thẳng: “Mày đừng giấu giếm nữa. Tao biết tất cả rồi. Nhưng tao hứa như đinh đóng cột rằng nếu mày chịu ra đầu thú, tao sẽ để con gái tao lấy mày ngay ngày mãn tù. Và liền bây giờ tao sẽ lên Hà Nội, tìm con trai mày để nuôi như chính cháu tao...”. Bình choáng váng, gục xuống, rồi khóc. Giọt nước mắt hiếm hoi của một tên cướp...

Tối hôm đó, Bình quyết định đến Công an Hà Tây đầu thú. Việc làm đầu tiên của gã ở đồn công an là mở túi giao nộp mấy khẩu súng, rồi nói: “Tôi vẫn còn một khẩu nữa đang ở trong Nam, nếu các ông tin thì cho tôi hạn 15 ngày để mang về. Sau 15 ngày mà tôi không quay lại, các ông thấy tôi ở đâu cứ bắn chết. Tôi hứa sẽ không bỏ chạy”.

Trong lúc mọi người đang sững sờ chuyện một tên cướp làm lực lượng cảnh sát tốn bao nhiêu công sức vẫn chưa bắt được lại lù lù đầu thú, thì càng bất ngờ hơn khi nghe gã đưa ra đề nghị sặc mùi nghĩa khí giang hồ. Cuối cùng, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tây quyết định thả cho gã đi. Một quyết định có thể phá nát sinh mệnh chính trị của họ, nếu... Đêm thứ 15 trôi qua, gã vẫn mất bóng. Mọi người như ngồi trên đống lửa thì sáng ngày 16 gã bất ngờ quay lại với khẩu súng đã tháo băng đạn. Gã tra tay vào còng, rồi nói: “Xin lỗi các ông vì hơi trễ hẹn”.

“Thuyết khách” và doanh nhân

Nhờ đầu thú và khai báo thông tin quan trọng, Bình chỉ phải nhận án tù 12 năm. Vào tù năm 1988, đến năm 1994 Bình được thả vì có hạnh kiểm tốt. Vừa bước chân ra tù, đám đàn em đã đợi sẵn ở cổng nhưng Bình cương quyết hoàn lương. Việc làm đầu tiên của Bình là gục đầu cảm ơn cha con Huyền. Chính họ đã giúp anh chiến thắng cái ác. Rồi Bình tìm gặp các vị lãnh đạo ở Công an Hà Tây để nói lời nể phục. Chính quyết định “15 ngày” của họ đã làm Bình tỉnh ngộ.

Ngay những ngày đầu hòa nhập lại xã hội, Bình đã trở thành một “thuyết khách” nổi tiếng của lực lượng công an. Anh không nhớ đã bao nhiêu lần đưa tội phạm trở lại con đường hoàn lương, nhưng anh có những kỷ niệm khó quên về công việc này. Gã mổ lợn Dương Văn Đức trong một lần ẩu đả với đám choai làng đã ngộ sát bằng chính con dao chọc tiết lợn của mình. Quá hoảng sợ, gã trốn thẳng vào Nam.

Lệnh truy nã khắp toàn quốc, nhưng lực lượng cảnh sát nỗ lực thế nào vẫn không tìm ra được. Bình được mời vào cuộc. Anh lặng lẽ đến nhà tìm hiểu gia cảnh vợ con Đức, rồi tâm sự chuyện đời mình cho họ nghe. Cuối cùng cô vợ hiểu ra, chịu nói tung tích chồng mình. Lặn lội hơn cả ngàn kilômet để đối mặt với Đức, câu đầu tiên Bình nói là: “Tôi là Bình, Bình K54 đây. Anh đã từng cầm dao, còn tôi đã từng cầm súng. Anh đã từng đâm người, còn tôi từng bắn cả công an. Anh chưa bao giờ đi tù, còn tôi đã ba lần vào ấy. Nhưng bây giờ tôi vẫn được làm công dân lương thiện để đối mặt với anh đây...”. Khi Bình nói tiếp: “Anh có vợ con, đừng để họ mãi gánh nỗi nhục có người cha, người chồng giết người phải dựa cột tử hình...”, thì Đức quị hẳn và chấp nhận trở về đầu thú... Kể chuyện làm thuyết khách, Bình bảo chỉ có người trong cuộc mới hiểu tâm trạng người trong cuộc.

Vừa làm thuyết khách, Bình vừa lăn lộn kiếm sống. Ngày mới ra tù anh phải ra bờ sông đóng gạch thuê. Ngón tay bóp cò súng không run, nhưng nhồi đất sét vẫn tóe máu. Một thời gian sau, chính người quản giáo trực tiếp của Bình đã cho anh mượn số tiền dành dụm để làm ăn. Gom thêm tiền “hồi môn” của Huyền, Bình mua một chiếc máy xúc đầu tiên. Người đàn ông của giang hồ ngày nào khi ra làm kinh tế vẫn không thua kém ai khi nhìn ra:

“Thời mọi người đua nhau chuyển ruộng thành vườn, ao, chuồng. Mình không có ruộng thì đi đào ao, đắp vườn cho họ cũng sống khỏe”. Cách làm việc của Bình cũng không giống ai. Có lần, một khách hàng gọi điện đến phàn nàn công nhân của Bình đã quên xúc ba cạp đất. Bình chạy ngay đến xin lỗi, rồi cởi áo xúc lại đúng 30 cạp đất cho khách hàng. Về sau, có người hỏi tại sao anh làm thế. Bình trả lời: “Giang hồ nghĩa khí, oán trả ân đền sòng phẳng. Mình cứ hết mình với người ta thì người ta sẽ hết mình lại với mình”.

Rồi cứ thế, Bình mua thêm máy xúc, xe ủi. Hôm tôi đến nhà, Bình cầm đề án doanh nghiệp khoe mới lập công ty cổ phần chuyên về xe cơ giới, xây dựng, thủy lợi... Tổng vốn 4,5 tỉ đồng, riêng anh đã có hơn 2 tỉ. Thật bất ngờ khi nghe người đàn ông ngoài 40 tuổi đã nếm đủ sáng tối phận người tâm sự: “Tôi vẫn mê cảm giác cầm đồng tiền lắm anh à, nhưng đó là cầm đồng tiền lương thiện để phát cho công nhân của mình”...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên