Nhiều người dân cả tin đã dính bẫy lừa, được đưa lên xe đi xem đất tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An...
Không ít nạn nhân "tin bợm mất bò", bị lừa đặt cọc mua đất không có giấy tờ pháp lý nhưng không thể đòi lại tiền, thậm chí còn bị phạt hàng trăm triệu đồng do những "thỏa thuận" được các doanh nghiệp lừa đảo này cài cắm trong hợp đồng đặt cọc.
Mạo danh ngân hàng lừa khách đi mua đất
Phản ánh với Tuổi Trẻ, bà B.Vân (70 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đã nhận được cuộc điện thoại xưng là nhân viên ngân hàng A (có trụ sở tại TP.HCM) mời đến dự buổi tri ân khách hàng.
Do có tài khoản tại ngân hàng này, bà Vân đồng ý tham gia sự kiện. Khi đến điểm hẹn trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), bà Vân được các nhân viên niềm nở đón tiếp rồi được mời lên xe đến sự kiện cùng rất nhiều khách hàng luống tuổi khác.
Điểm đến của chuyến xe là một bãi đất trống được dựng rạp, sân khấu để tổ chức sự kiện và rầm rộ thông báo trúng thưởng. Sau đó, MC thông báo bà Vân đã trúng thưởng 50 triệu đồng nhưng lại mời chào mua đất.
Tại sự kiện, bà Vân đã chuyển khoản 10 triệu đồng, rồi chuyển tiếp thêm 190 triệu đồng vào tài khoản của Công ty CP Tập đoàn đầu tư P.T.C. (trụ sở trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận).
Gần một tháng sau, bà Vân mới được phía doanh nghiệp này gửi hợp đồng nguyên tắc về nhà với nội dung bà đã ký hợp đồng mua đất ở Đồng Nai với số tiền trên 2,5 tỉ đồng. Theo hợp đồng, bà Vân mua lô đất diện tích 80m² tại thửa đất số 985, tờ bản đồ số 85 (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) nhưng trên thực tế bà chỉ được đưa đến một bãi đất trống, không biết đó là thửa đất nào cũng như tình trạng pháp lý.
Vì không còn khả năng thanh toán và nghi ngờ mình bị lừa, bà Vân đã không đóng tiếp số tiền còn lại. Sau đó, doanh nghiệp này thông báo "có quyền thừa hưởng toàn bộ số tiền" mà bà Vân đã đóng, với lý do bà Vân "vi phạm tiến độ hợp đồng".
"Tôi được mời đi tri ân nhưng lại bị dẫn đi đến tận Đồng Nai, bị đưa vào ma trận trúng thưởng rồi ký đặt cọc mua đất mà tôi chẳng hay biết đó là lô đất nào, pháp lý ra sao", bà Vân bức xúc.
Tương tự, bà Trần Phương Ly (ngụ quận 3) cũng được mời đi dự hội nghị tri ân khách hàng nhưng lại bị chở đến huyện Long Thành (Đồng Nai) xem đất cùng nhiều người khác. Phía doanh nghiệp thuyết phục bà Ly lấy phiếu đặt cọc, rồi chuyển nhượng lại sẽ có lời ngay. Sau khi đóng 430 triệu đồng rồi chờ mãi không có khách hàng khác để chuyển nhượng lại, bà Ly đi đòi tiền nhưng phía doanh nghiệp này cứ khất lần khất hồi.
Trong khi đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Duân (ngụ TP Thủ Đức) nhận được cuộc gọi mời đi nhận voucher du lịch Thái Lan miễn phí, nhưng khi lên xe lại bị chở thẳng về hướng Vũng Tàu để tham gia sự kiện mua đất.
Với lý do khách ở Hà Nội bị trễ chuyến bay, nhân viên công ty bất động sản đề nghị ông Duân đặt cọc thế chân lô đất, bán "lướt sóng" kiếm lời hàng trăm triệu khi khách Hà Nội vào. Tuy nhiên, nhận thấy "mùi" lừa khách đi mua đất, ông Duân đã từ chối và yêu cầu chở về lại TP.HCM.
Muốn chấm dứt hợp đồng, phải đóng phạt!
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ liên quan đến trường hợp bà B.Vân, ông Hoàng Văn Thái - đại diện Công ty P.T.C. - cho biết sẽ kiểm tra lại việc nhân viên kinh doanh xưng là đại diện ngân hàng A khi trao đổi với bà Vân nhưng cho rằng nhân viên phải "khai thác khả năng tài chính của khách hàng" khi kinh doanh. Theo doanh nghiệp, đây là mảnh đất lớn của một cổ đông công ty và khẳng định "không phải vẽ trên giấy", "không lừa đảo như Alibaba".
Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu tiếp cận các giấy tờ pháp lý của lô đất, doanh nghiệp này lại từ chối. Tại văn bản được gửi đến bà Vân, doanh nghiệp này cho biết trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng "là trái luật", đã được hai bên thỏa thuận, đồng thời "dọa" sẽ áp dụng theo các điều khoản của hợp đồng nếu bà Vân không tiếp tục đóng tiền.
Cụ thể, bà Vân phải chịu khoản phạt 30% tổng giá trị chuyển nhượng, tương đương 756 triệu đồng.
"Tôi rất mệt mỏi vì bỗng dưng đã mất tiền lại ôm thêm khoản nợ 756 triệu đồng, các thư nhắc nợ cứ gửi liên tục khiến tôi rất áp lực", bà Vân nói.
Thông tin từ Công an quận Bình Thạnh cho biết đã tiếp nhận đơn tố giác của bà Vân đối với Công ty P.T.C. và phía đơn vị này sẽ xác minh, giải quyết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Thị Thanh Trúc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng với trường hợp bà Vân, Công ty P.T.C. có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có nhiều tình tiết tăng nặng.
Theo bà Trúc, dù hợp đồng nguyên tắc ký giữa bà Vân và doanh nghiệp thể hiện bà Vân nhận chuyển nhượng đất được tách thửa, nhưng bà Vân chỉ được đưa đến bãi đất trống và không được tiếp cận đầy đủ giấy tờ.
Ông Võ Hồng Thắng - giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án (DKRA Group) - cho biết tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó", các doanh nghiệp bất động sản rao các thông tin dự án một cách mập mờ, tìm nhiều cách dụ khách hàng đi dự lễ tri ân, đi nhận thưởng nhưng lại dụ đi xem đất các tỉnh đang xảy ra khá phổ biến. Do đó, người dân phải hết sức cảnh giác.
Trên thực tế, các doanh nghiệp này rao các thửa đất không có vị trí cụ thể, tình trạng pháp lý không đảm bảo, thông tin doanh nghiệp dễ gây nhầm lẫn...
Cũng theo ông Thắng, thị trường bất động sản đã chuyển sang một chu kỳ mới, tình trạng pháp lý phải là điều kiện tiên quyết.
"Không thể mua "lúa non" với các dự án được hứa sẽ phân lô, dự án chưa có hạ tầng, chưa có 1/500 hoặc chưa có sổ... bởi rất rủi ro", ông Thắng khuyến cáo.
* Ông Huỳnh Phước Nghĩa (giám đốc Trung tâm kinh tế luật và quản lý, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Cẩn trọng với chiêu tặng quà miễn phí
Khi có ai đó gọi điện thoại tặng những gói ưu đãi hàng triệu cho đến hàng chục triệu đồng, chắc chắn người này có động cơ không tốt. Nếu người tiếp nhận không có sự hoài nghi, phản biện mà tin theo sẽ dễ dàng dẫn đến những quyết định sai lầm.
Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu trò tặng quà này để lừa người dân đi xem đất, ký hợp đồng, nộp thêm tiền cho giao dịch...
Các doanh nghiệp làm ăn theo hình thức này thường áp dụng rất tốt các chiêu thức kinh doanh đa cấp khiến người nghe bị xiêu lòng trước nghệ thuật giao tiếp rất bài bản của các nhân viên.
Những người không phải dân đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, những "tay mơ" sẽ dễ bị cuốn theo, xuống tiền mua đất nhưng khi đòi lại rất khó khăn bởi những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng.
Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng trước những cuộc gọi, những lời mời tặng quà miễn phí để tránh rơi vào bẫy bán hàng, thậm chí là lừa đảo.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản bị mạo danh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM cho biết rất mệt mỏi khi bị một số doanh nghiệp mạo danh để lừa khách hàng, dụ khách hàng tham gia các chương trình tri ân nhưng thực chất là bán đất.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cho biết đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của khách hàng về việc nhận được cuộc gọi, thư mời tham gia sự kiện tri ân khách hàng, tặng voucher du lịch, mua sắm "do Phú Mỹ Hưng tổ chức".
Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, đây là những thông tin giả mạo, mạo danh thương hiệu bởi doanh nghiệp này không tổ chức hay liên kết với bất kỳ tổ chức, công ty hay sàn nào để tổ chức tri ân, tặng quà, giới thiệu sản phẩm...
Tương tự, đại diện Novaland, Phát Đạt... cũng cho rằng các thư mời khách hàng tham gia các sự kiện tri ân, bán hàng hay kêu gọi đầu tư... dưới danh nghĩa các doanh nghiệp này đều là giả mạo.
Giám đốc truyền thông một tập đoàn bất động sản cho hay thông thường việc mạo danh này nhằm dụ khách hàng đến mua đất tại các dự án chưa đủ pháp lý, dự án "ma", gây thiệt hại cho khách hàng. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, liên hệ kiểm chứng thực tế tại các doanh nghiệp để tránh rơi vào bẫy của các doanh nghiệp bất lương.
Làm gì khi nhận cuộc gọi rác?
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, người dùng có thể phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác đến đầu số 156 hoặc tổng đài 5656. Theo đó, người dùng có thể gọi điện đến đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác hoặc lừa đảo... theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, nhà mạng sẽ xác minh thông tin thuê bao của số điện thoại bị phản ánh và yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao để có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, nhà mạng cũng gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng để tổng hợp, xử lý các vi phạm theo quy định. Những người dùng không có nhu cầu nhận các tin nhắn hay cuộc gọi quảng cáo có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, người dùng truy cập vào địa chỉ https://khongquangcao.ais.gov.vn/ rồi nhập số điện thoại của mình vào mục "Quản lý danh sách không quảng cáo" và nhấn đăng ký. Hoặc người dùng cũng có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo bằng tin nhắn theo cú pháp DK DNC gửi 5656.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656 và 156 đã tiếp nhận hơn 518.000 phản ánh, trong đó có hơn 108.000 phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo (chiếm khoảng 20%). 100% các phản ánh đều được chuyển tới các nhà mạng để xử lý theo quy trình nêu trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận