14/07/2014 11:30 GMT+7

"Giàn khoan Trung Quốc" vào đề thi

NGỌC HÀ - HÀ BÌNH
NGỌC HÀ - HÀ BÌNH

TT - Hai kỳ thi quốc gia: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ với nhiều môn thi từ ngữ văn, địa lý, lịch sử... đến tiếng Anh đều có những câu hỏi gắn với biển Đông, với chủ quyền và xây dựng sức mạnh quốc gia.

Kỳ 1: Cuộc gọi từ Bộ Giáo dục-đào tạo Kỳ 2: Trong “đại bản doanh” làm đề Kỳ 3: Làm đề như thế nào?

jsh7qxqn.jpg
Đề thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH khối C năm 2014

Khởi đầu cho những khác biệt có tính đột phá của một đề thi quốc gia được đánh dấu bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT - trước kỳ thi tuyển sinh chừng một tháng. Đề thi ngữ văn đề cập trực diện sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng không phải ngay từ đầu, câu chuyện giàn khoan Trung Quốc đã được đưa vào đề thi.

Quyết định thay đổi vào giờ chót

Áp lực với các thầy cô không chỉ giới hạn trong thời gian bàn thảo, phản biện để ra một đề thi. Đề thi hoàn thiện, được duyệt, sao in, đóng gói chuyển đến các hội đồng coi thi, đến giờ thi trao tận tay học sinh rồi tổ ra đề vẫn ngập tràn lo lắng. Khi thí sinh bước vào làm bài cũng là lúc toàn bộ tổ ra đề phải túc trực chờ phản hồi bất thường từ các hội đồng thi. Ai cũng chăm chú nhìn vào điện thoại ở phòng trực, một tiếng chuông reo cũng đủ làm thót tim tất cả...

“Môn ngữ văn thi đầu tiên nhưng phải chờ thi xong tất cả các môn, hội đồng ra đề mới được ra ngoài để bảo đảm nguyên tắc cách ly triệt để. Trong khu cách ly năm ngoái, cả tổ đề phấn chấn khi truyền hình đưa tin đậm nét về đề thi có hiệu ứng xã hội tốt. Năm nay thí sinh thi xong rồi, cả tổ đề cùng ngồi trước màn hình mà không thấy truyền hình đề cập gì nên có phần hẫng hụt. Phải đến ngày hôm sau khi mở những trang báo giấy được chuyển vào, thấy những phản hồi tích cực chúng tôi mới thật sự nhẹ nhõm” - một giáo viên trẻ của trường THPT chuyên phía Bắc kể lại.

Đầu tháng 5, Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp được tập trung, cách ly tại một nơi biệt lập của một khu danh thắng nổi tiếng. Đó cũng chính là lúc Trung Quốc vừa hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Song nguồn thông tin duy nhất được tiếp nhận trong khu vực làm đề thi thông qua truyền hình về sự kiện vẫn còn chừng mực. “Bây giờ mọi thứ đã rõ ràng, việc đề cập thông tin trên báo chí hay đề thi đều thoải mái hơn. Nhưng hơn hai tháng trước, sự kiện còn mới mẻ quá...” - một thầy giáo chia sẻ.

Theo kế hoạch, vào phòng cách ly tổ ra đề phải bắt tay xây dựng đề dự thảo ngay. Kinh nghiệm làm đề thi bao năm nay nhắc các thầy cô để kịp sửa chữa câu, từ, sửa cách hỏi cho đến khi ra được đề hoàn chỉnh sẽ phải mất vài tuần. Vậy là vừa ngóng thông tin từ bên ngoài qua chiếc tivi mỗi tối, mọi người vẫn vừa phải bàn bạc ra một đề thi để bảo đảm tiến độ. Khoảng một tuần sau khi nhập trại, đề dự thảo kèm đáp án đã xong xuôi và được gửi đi, chờ phản biện. Chưa “chạm” đến câu chuyện giàn khoan Trung Quốc, nhưng đề dự thảo đã gói ghém đề tài về chủ quyền quốc gia.

“Mọi năm đến công đoạn ấy là nhẹ lo đi phần nào. Nhưng năm nay đề dự thảo hoàn tất, kỳ lạ thay ai cũng chờ đợi “một cái gì đó” để có thể... thay đổi nội dung đề thi”- một thầy giáo tiết lộ. Ngày 12-5, chương trình thời sự VTV phát thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar. Đó là quan điểm chính thức của Việt Nam về vấn đề biển Đông lần đầu tiên được trình bày bởi người đứng đầu Chính phủ. Xem xong bản tin, gương mặt ai cũng giãn ra như được bắt đúng nhịp cảm xúc. “Xong rồi, đề phải thay mới. Chúng ta sẽ tốn thêm công sức để làm lại. Vất vả một chút nhưng sẽ không bao giờ ân hận”- quyết định thay đổi đề thi đã ấp ủ suốt mấy ngày qua được đồng thuận nhanh chóng.

“Đề văn dành cho lớp 12 ở cái ngưỡng học sinh sắp bước vào đời, chúng tôi thống nhất: phải “đánh thức” được điều gì đó trong tâm hồn các em. Ở đề thi này, tình yêu đất nước, thái độ sống trung thực, trách nhiệm với chính cuộc đời mình là tư tưởng mà những người làm đề muốn gửi gắm”- thầy giáo của một trường THPT chuyên phía Nam tham gia tổ ra đề chia sẻ.

Đưa ngay báo chí thời sự vào!

Có điều trong khu cách ly tiện nghi cực kỳ đầy đủ, nhưng làm sao lấy được thông tin ngồn ngộn như bên ngoài khi mọi liên lạc bị cắt đứt, mọi thiết bị có thể truy cập Internet đều không được phép sử dụng? Thông tin thời sự lại không thể tìm trong sách vở sẵn có đã mang vào từ trước. “Cần đưa báo chí hằng ngày vào làm dữ liệu”- một thầy giáo đề xuất. Ngay lập tức, phòng làm đề của tổ ra đề ngữ văn được chuyển vào đủ loại báo chí nóng sốt hằng ngày. Nhiệm vụ được chia đều, không còn phân biệt tổ trưởng hay thành viên khi thời gian đã trở nên gấp gáp: đọc kỹ các bài báo liên quan đến biển Đông, đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam. Ai cũng mải miết soi thật kỹ từng bài rồi đề xuất đoạn văn này, đoạn trích kia làm ngữ liệu rồi tranh luận, rồi bùng nổ, rồi lại lặng lẽ kiếm tìm... Nhiều bài bình luận rất sắc chứa đựng lòng yêu nước nồng nàn, nhưng cái khó là phải tìm một đoạn trích ôm gói được nhiều điều theo những tiêu chí riêng của một đề thi.

“Đoạn trích được chọn hội đủ những nội dung cho đề thi mà chúng tôi hướng tới: ấy là thông tin việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, rồi sự thổn thức, đồng lòng của 90 triệu trái tim Việt Nam, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và lời nhắc nhở về cách ứng xử với sự kiện, dù trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh. Phải tỉnh táo và lý trí khi sự việc công nhân bị kích động đập phá khu công nghiệp tại Bình Dương đang gây ra những hậu quả nặng nề” - một thành viên của tổ ra đề phân tích.

Hóa ra đây không phải lần đầu tiên một trích đoạn của bài báo được dùng làm ngữ liệu để kiểm tra, đánh giá năng lực thí sinh trong kỳ thi quốc gia. Một thầy giáo cho biết năm 2013 đề thi tốt nghiệp có câu nghị luận xã hội khơi nguồn từ câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam dũng cảm hi sinh thân mình để cứu sống năm em nhỏ thoát khỏi đuối nước cũng được lấy ngữ liệu trên một bài báo. Theo giáo viên ra đề thi này, trước khi vào “trại đề” ông đã mang theo tờ báo có bài viết về Nam và để mang “tài liệu” này ông phải được sự chấp thuận của hội đồng ra đề thi.

Lan tỏa tình yêu đất nước

Những ngày biển Đông dậy sóng cũng là những ngày đáng nhớ với những người ra đề năm nay. Bên ngoài, thông tin dồn dập, lòng yêu nước kết thành làn sóng mạnh mẽ. Bên trong, dù bị cách ly nhưng đọc tờ báo giấy, xem bản tin truyền hình, lòng ai cũng sục sôi phẫn nộ trước sự hung hăng lấn tới của Trung Quốc.

Ngoài giờ làm đề, biển Đông, chủ quyền đất nước, lịch sử dân tộc chính là trọng tâm trong những câu chuyện, những chia sẻ và bàn luận của những người ra đề thi. Lòng yêu nước, vì thế, không chỉ là chủ đề được đề cập trong đề thi cho học sinh bày tỏ, mà còn lan tỏa theo cách đặc biệt trong khu vực cách ly. Kỳ thi kết thúc, một cuộc liên hoan nhỏ được tổ chức để ghi dấu hành trình 24 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hơn một nửa tiết mục văn nghệ được trình bày bởi chính những giáo viên ra đề thi đều chung chủ đề về đất nước, về biển đảo quê hương.

Khi một thầy giáo trong tổ ra đề môn văn đứng lên đọc trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, nhiều thầy cô đã rưng rưng. “Đó chính là những dòng thơ nằm trong đề thi tốt nghiệp dành cho hệ giáo dục thường xuyên năm nay. Vừa đọc xong đã có thầy giáo từ tổ ra đề tiếng Nga lại gần, nắm chặt tay tôi: “Cậu đã làm mình khóc”. Nhìn xuống phía dưới tôi thấy nhiều đôi mắt cũng đỏ hoe” - nói rồi vị giảng viên ĐH làm phản biện đề thi tốt nghiệp THPT ngân nga bằng chất giọng đầy cảm xúc:

“Em ơi em đất nước là máu xương của mìnhPhải biết gắn bó và san sẻPhải biết hóa thân cho dáng hình xứ sởLàm nên đất nước muôn đời...”.

_____________

Kỳ tới: Giữ lửa cho người ra đề

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 4: Electron hay êlectrôn? Kỳ 5: Mời giáo viên... đóng vai thí sinh Kỳ 6: “Dậy, dậy đi, tất cả dậy” Kỳ 7: Đi mua... đề thi Kỳ 9: In sao: ba vòng bảo vệ Kỳ 10: 20 ngày trong “trại in sao”

NGỌC HÀ - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên