30/07/2015 09:22 GMT+7

Gián điệp Jonathan Pollard được tự do: Món quà đổi chác của Mỹ?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Mỹ vừa tuyên bố sẽ tha trước hạn cho Jonathan Pollard, gián điệp nổi tiếng của Israel, vào tháng 11 tới. Vụ án từng một thời đình đám sắp khép lại, nhưng đồng thời cũng mang một ý nghĩa khác.

Người Israel tuần hành đòi trả tự do cho Jonathan Pollard hồi tháng 1-2014 khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Jerusalem - Ảnh: Reuters
Người Israel tuần hành đòi trả tự do cho Jonathan Pollard hồi tháng 1-2014 khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Jerusalem - Ảnh: Reuters

Theo tờ Washington Post, sự kiện phóng thích này trùng hợp với thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Israel lên đỉnh điểm do thỏa thuận hạt nhân Iran vừa đạt được. Từng là nguyên nhân tranh cãi giữa Washington và Tel Aviv trong nhiều thập kỷ, liệu việc trả tự do cho Jonathan Pollard có mang lại chút giải tỏa cho quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm?

“Edward Snowden” thập niên 1980

Jonathan Jay Pollard là chuyên viên phân tích tình báo của Mỹ trước khi trở thành gián điệp cho Israel. Là một người Mỹ gốc Do Thái, Pollard tuyên bố tự cảm thấy có trách nhiệm trung thành tuyệt đối với Nhà nước Israel.

Cơ quan tình báo Mossad khét tiếng của Israel thu dụng Pollard mùa hè năm 1984, khi đó chàng trai trẻ đang làm việc cho Trung tâm Cảnh báo chống khủng bố thuộc Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ.

Hãng thông tấn AP lúc đó đưa tin Pollard được trả khoảng 50.000 USD cho các tài liệu mật đã tiết lộ. Nhưng những lần lục lọi tài liệu mật của Pollard bị các đồng nghiệp cùng bộ phận chú ý và họ báo cho Cục Điều tra liên bang (FBI). Pollard bị bắt giữ khi đang cố xin tị nạn tại Đại sứ quán Israel ở Washington vào năm 1985.

Pollard nhận mức án chung thân hai năm sau đó với tội danh “tiết lộ bí mật quốc gia cho chính phủ nước ngoài”. Tuy thừa nhận tội trạng nhưng Pollard lại cãi rằng anh làm chuyện đó chỉ vì lý tưởng trung thành với Israel chứ không phải ác ý, thông tin tình báo cũng chỉ nói về tình hình quân sự các nước Ả Rập, Pakistan, Liên Xô chứ không phải Mỹ.

Tính đến thời điểm này, Pollard đã “bóc lịch” 30 năm. Từ đó đến nay đã có nhiều chiến dịch vận động trả tự do cho “người hùng” Israel bên ngoài lẫn từ trong nước Mỹ.

Nhưng các quan chức tình báo cao cấp của Mỹ dưới triều ba tổng thống Clinton, Bush và Obama lại cực lực phản đối chuyện này. Năm 1998, giám đốc CIA George J. Tenet dọa sẽ từ chức nếu Pollard được thả.

“Giải an ủi” cho Israel?

Chuyện tha sớm cho Pollard vào thời điểm này khiến một số bình luận cho rằng Washington đang “vuốt giận” các quan chức Israel về thỏa thuận hạt nhân mới đây với Iran. Suy đoán này có lý của nó vì hồi đầu thập niên 1990, việc trả tự do cho Pollard từng là một trong các điều khoản của đàm phán hòa bình Trung Đông đặt ra bởi các nhà lãnh đạo Israel.

Kể từ lúc tin tức xuất hiện trên mặt báo tuần trước, giới chức Nhà Trắng liên tục chối bỏ tính chính trị và ngoại giao trong quyết định tha Pollard, khẳng định đây là quyết định độc lập của hội đồng ân xá.

Theo báo Politico, hai luật sư của Pollard là Eliot Lauer và Jacques Semmelman cũng phủ nhận mọi liên quan của vụ này đến “các diễn biến gần đây ở Trung Đông”.

Trong khi đó tại Israel, báo Washington Post cho biết dư luận dù lạc quan nhưng vẫn tỏ ra thận trọng trước tin Pollard sắp được thả. Các nhà lãnh đạo Israel vẫn nhấn mạnh việc trả tự do cho Pollard sẽ không làm lung lay kế hoạch tẩy chay thỏa thuận hạt nhân Iran của họ.

“Sau 30 năm, Pollard phải được thả. Chưa từng có tù nhân nào ở Mỹ phải chịu hình phạt lâu như vậy vì tội danh tương tự... Nên nếu nói đây là một cử chỉ của phía Mỹ để làm dịu vụ Iran thì đó là một sự xúc phạm” - nghị sĩ Nachman Shai của Israel tuyên bố.

Viết cho tờ Yedioth Ahronoth của Israel, cây bút bình luận Ronen Bergmen cho rằng khó mà nói thời điểm phóng thích Pollard chỉ là sự tình cờ. Bergmen còn gọi Pollard là “giải an ủi” sau vụ hạt nhân Iran. Nhiều nhà phân tích chính trị Israel lưu ý đây có thể là giải pháp ngoại giao giúp đưa Israel trở lại bàn đàm phán sau khi các cuộc tiếp xúc với Palestine đổ vỡ hồi năm ngoái.

Còn báo Newsweek tung tin rằng Pollard cũng có một “giải an ủi”: tài khoản cả triệu USD ở một ngân hàng của Thụy Sĩ. Tờ báo Mỹ cho rằng Israel từng hứa “đền bồi” cho Pollard 30.000 USD/năm kể từ khi ông ta ngồi tù!

Theo Washington Post, Nhà Trắng gần đây đã khởi động một chiến dịch vận động hành lang sâu rộng tại Washington và cả nước ngoài để tranh thủ sự ủng hộ cho thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và sáu cường quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu gọi đây là “sự đầu hàng” và cho rằng thỏa thuận này sẽ không ngăn được Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhiều nhóm thân Israel ở Mỹ cũng tiến hành chiến dịch vận động các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên