28/02/2015 11:14 GMT+7

Giảm TNGT ngày tết: Cần những đối sách căn cơ hơn

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TT - Kiên quyết lập lại trật tự giao thông nông thôn trong những ngày tết, các kỳ lễ hội là điều cần thiết, nếu buông lỏng, chúng ta sẽ phải tiếp tục trả giá về TNGT trong những năm tới.

Vi phạm không đội mũ bảo hiểm ở tỉnh Trà Vinh - Ảnh: T.T.D.

Năm nay trong chín ngày nghỉ tết đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 317 người, bị thương 509 người. Trong cuộc họp của thường trực Chính phủ xem xét diễn tiến sau chín ngày Tết Ất Mùi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bức xúc: “Một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được”.

Chuyển áp lực về nông thôn

Thật ra không phải đến tết này chúng ta mới thấy việc người chết vì TNGT quá nhiều là hiện tượng bất thường, mà tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay rồi. Hơn 10 năm nay, TNGT vào dịp tết có năm tăng cao, có năm giảm chút ít, nhưng sự cách biệt không đáng là bao, trung bình mỗi ngày có 30-35 người chết.

Năm nào Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành chuẩn bị cho một cái tết an toàn, các cơ quan chức năng đã làm tất cả những gì có thể làm được nhưng dường như việc kéo giảm TNGT xuống một cách bền vững vẫn nằm rất xa tầm với.

Nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy TNGT trong dịp tết thường chia ra làm ba giai đoạn khác nhau. Trước tết 10 ngày, TNGT tăng cao thường diễn ra ở khu vực quanh các thành phố lớn, ở cửa ngõ các thành phố như Hà Nội, TP.HCM và đặc biệt ở các đường cao tốc, xuyên quốc gia như quốc lộ 1, các trục lộ lớn nối các thành phố với nhau và tỉnh lộ dẫn về các tỉnh, huyện.

Thời gian này bà con hối hả bằng mọi cách về quê trước giao thừa nên TNGT xảy ra chủ yếu liên quan đến xe khách đường dài, xe vận tải. Những hiện tượng nhồi nhét hành khách, chạy tăng chuyến, đua tốc độ, tranh giành khách gây ra tai nạn thường xuyên diễn ra ở giai đoạn này. Chu kỳ này lặp lại gần như thế vào thời gian 5-7 ngày sau tết, chỉ khác nhau là một đằng xuất và một đằng nhập.

Giai đoạn trong tết, TNGT xảy ra rất ít ở nội ô thành phố bởi vào những ngày tết số lượng người ở các thành phố giảm hẳn do bà con về quê, đi du lịch, những ngày tết ở Sài Gòn và Hà Nội không có chuyện kẹt xe, mùng 1 tết thành phố có một quang cảnh khác lạ đến mức “khó tin được”.

Tuy nhiên, TNGT lại xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn. Hàng triệu người dân ra khỏi thành phố dồn về nông thôn và thế là áp lực giao thông được chuyển từ đô thị về nông thôn. 

Ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng năm nay TNGT diễn ra chủ yếu ở các làng xã, thị trấn, điều đó đúng, nhưng rất có thể điều này đã diễn ra từ rất lâu rồi song do không có nghiên cứu căn cơ nào chỉ ra nên đến năm nay mới được nhận ra.

Hạ tầng chưa đáp ứng

TNGT xảy ra cao ở nông thôn trong ngày tết không có gì lạ bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông và tổ chức không gian làng xã không chuẩn bị cho sự đón nhận cùng lúc hàng triệu người đổ dồn về quê trong một thời gian ngắn.

Làng xóm ngày nay hoàn toàn đã khác xưa, nó mang một hình thái kỳ lạ là “làng không ra làng phố không ra phố”.

Vẫn những con đường làng nhỏ hẹp mà nhạc sĩ Vĩnh Tiến viết rất hay trong bài hát Bà tôi: “Làng tôi quanh co, quanh co, quanh co, quanh co” (những bốn lần quanh co), chỉ khác xưa là nay làm bằng bêtông dễ chạy xe hơn.

Những con đường làng này bây giờ không chỉ quanh co, khúc khuỷu mà còn bị che chắn tầm nhìn bởi những ngôi nhà phố thò ra thụt vào sát mặt đường như răng bừa (vốn xưa kia nằm khuất sâu trong vườn cây). 

Đường thì thế, còn người trong mấy ngày tết cũng trong trạng thái “bất thường khác”, ai cũng thấy hứng khởi hơn, nhất là các bạn trẻ khi có chút hơi men, tay ga kéo mạnh hơn, lạng lách cho thỏa chí tang bồng.

Chưa kể ở nông thôn nhiều nam thanh nữ tú chạy xe ra đường không bao giờ mang mũ bảo hiểm vì ai cũng nghĩ mũ bảo hiểm chỉ xài cho thành phố, còn đây là đất nhà mình, làng mình, quê mình, mang trên đầu làm chi bất tiện! Nếu các vụ tai nạn trước và sau tết chủ yếu liên quan đến xe khách, xe buýt, xe tải thì trong mấy ngày tết chủ yếu là môtô, xe cá nhân.

Tết với người dân Việt là một sự kiện quan trọng, do vậy mà kịch bản “theo nhau ta thì về” năm nào cũng sẽ diễn ra, mà diễn ra ngày càng dữ dội hơn bởi thành phố càng phát triển thì làn sóng dịch cư về đô thị kiếm sống càng lớn.

Hiện tượng “dao động con lắc” với chu kỳ 365 ngày diễn ra một lần, đến hẹn lại lên, xuất hiện một làn sóng hồi cư ngắn về quê rồi ngay sau đó lại “lai kinh”. 

Nắm bắt được quy luật này, Chính phủ cần hướng các cơ quan chức năng dành sự quan tâm đặc biệt đến nông thôn. Việc các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông bỏ trống địa bàn nông thôn như những năm qua là không ổn.

Nên chăng tổ chức huấn luyện cho lực lượng công an xã các kỹ năng điều tiết, xử lý các tình huống bất thường giao thông, trang bị các công cụ chuyên dùng cho họ để ứng phó tại chỗ, đồng thời trong những ngày tết việc đưa lực lượng cảnh sát giao thông từ thành phố chi viện cho các tỉnh, huyện có điểm nóng an toàn giao thông là điều cần thiết.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên