Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, trả lời chất vấn sáng 11-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại buổi chất vấn, đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy đề nghị giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM cho biết quan điểm về việc bảo tồn công trình trụ sở hỏa xa tại số 136 Hàm Nghi.
Đây là một trong 23 công trình kiến trúc nghệ thuật ở quận 1 được UBND TP đưa vào danh mục di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM - cho biết tòa nhà Trụ sở hỏa xa chưa được công nhận là di tích, tuy nhiên công trình này nằm trong danh mục công trình được kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định 923 năm 2017.
Do vậy, ông Nhân khẳng định theo Luật di sản văn hóa, tòa nhà này không thể tháo dỡ để xây dựng công trình mới.
Ông Nhân cho biết vừa qua Sở Văn hóa - thể thao cùng với các sở ngành liên quan đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên quan đến việc bảo tồn tòa nhà này. Tại buổi làm việc, Sở Văn hóa - thể thao cùng các sở ngành đặt vấn đề bảo tồn tòa nhà Trụ sở hỏa xa hiện hữu.
Đồng thời, Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Tài nguyên và môi trường cho biết sẽ hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc xin chỉ tiêu quy hoạch để xây dựng trụ sở làm việc tại phần đất bên cạnh tòa nhà Trụ sở hỏa xa (thuộc khuôn viên đất quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - NV).
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản phúc đáp nêu nhiều lý do không thể chuyển giao tòa nhà ở số 136 đường Hàm Nghi này cho UBND TP.HCM.
Tòa nhà 136 Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM hiện là văn phòng làm việc của 4 đơn vị đường sắt - Ảnh: HOÀNG AN
Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rằng TP muốn tiếp nhận công trình số 136 đường Hàm Nghi để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch.
Tòa nhà nằm trong khu trung tâm lịch sử của TP, bên cạnh nhà ga ngầm metro Bến Thành, là điểm nhấn kiến trúc của trung tâm TP. UBND TP sẽ bảo tồn và sử dụng làm nơi lưu giữ, trưng bày các kỷ vật của ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị TP nói riêng.
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết tòa nhà đang là văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc. Nếu chuyển giao cho TP.HCM sẽ gây khó khăn về trụ sở làm việc cho các đơn vị, ảnh hưởng tới công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và quản lý, khai thác, kinh doanh, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời phá vỡ kế hoạch đầu tư phát triển của tổng công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận