Viện KSND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ sai phạm đưa, nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D tại phường Tân Biên, TP Biên Hòa do Lương Minh Tú (43 tuổi, ngụ phường Trung Dũng) làm giám đốc.
Gợi ý chủ xe chi tiền để bỏ qua lỗi kiểm định không đạt
Theo cáo trạng, trong năm 2022, Tú đã chỉ đạo, bàn bạc với các đăng kiểm viên và nhân viên nếu quen biết với chủ xe thì giới thiệu để đưa xe đến đăng kiểm tại Trung tâm 60-04D.
Theo đó, nếu xe đến đăng kiểm có các lỗi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì đăng kiểm viên gợi ý để các chủ xe phải đưa thêm tiền. Sau đó, các đăng kiểm viên dùng các "thủ thuật" bỏ qua các lỗi không đạt khi kiểm định để cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Theo chỉ đạo của Tú, số tiền nhận từ các chủ xe để bỏ qua các lỗi không đạt về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có nhiều mức, tương ứng với từng loại xe.
Cụ thể, xe khách từ 10-40 chỗ sẽ nhận từ 300.000 - 700.000 đồng/lượt; xe tải từ 2 tấn đến trên 20 tấn nhận từ 250.000 - 900.000 đồng/lượt; xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc nhận 300.000 đồng/lượt.
Riêng ô tô con (9 chỗ trở xuống) thường là xe mới nên không nhận tiền. Nếu có chủ xe chỉ đưa từ 100.000 - 200.000 đồng. Trường hợp chủ xe không quen biết ai thì Trương Vĩnh Phát - 1 trong 15 bị can - đứng ra nhận tiền rồi đưa cho Tú 100.000 đồng.
Trường hợp chủ xe có quen biết người nào của trung tâm thì đưa 200.000 đồng cho người đó. Trong đó, Tú được chia 100.000 đồng, còn lại người trực tiếp nhận tiền được hưởng.
Chia chác tiền hối lộ theo tỉ lệ
Theo cáo trạng, Tú cũng đưa ra quy định tỉ lệ chia tiền "hối lộ" cho từng người trong mắt xích. Cụ thể, sau khi nhận tiền, Tú sẽ được chia từ 100.000 - 400.000 đồng/lượt xe; đăng kiểm viên được chia 100.000 - 200.000 đồng/lượt xe; người trực tiếp nhận tiền (đứng ra liên hệ chủ xe) được chia từ 50.000 - 300.000 đồng/lượt xe.
Việc nhận tiền từ chủ xe để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định có thể chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt. Vào cuối ngày làm việc, số tiền "hối lộ" này được chia ra theo tỉ lệ định sẵn. Riêng số tiền chia cho Tú, Phát nhận thay rồi đưa lại cho bị can này.
Để quản lý việc nhận tiền và chia tiền đúng thực tế, một đăng kiểm viên được giao ghi chép lại số tiền đã nhận trong ngày tương ứng với các xe.
Người ghi chép không cố định, thường giao cho đăng kiểm viên phụ trách công đoạn kiểm tra phanh hoặc kiểm tra khí thải ghi vào một tờ giấy trắng.
Sau khi hoàn tất chia tiền trong ngày làm việc, tờ giấy bị hủy bỏ, không có số sách theo dõi.
Đối với các xe đã nhận tiền, người nhận tiền chủ động nói với các đăng kiểm viên trên chuyền biết, thống nhất bỏ qua các lỗi khi kiểm định.
Trường hợp chủ xe đưa tiền và nhờ nhân viên trong trung tâm nộp hồ sơ đăng kiểm thì sẽ ghi tên nhân viên này trên biên lai đóng phí kiểm tra xe khi nộp hồ sơ rồi để tiền trên cabin xe.
Đối với những khách hàng vãng lai có xe đến kiểm định, Tú chỉ đạo cho Phát thu tiền để bỏ qua các lỗi không đạt với các mức như đã quy định nêu trên. Sau khi nhận số tiền, Phát giao lại cho Tú.
Bằng thủ đoạn như trên, trung bình mỗi ngày Tú nhận từ 7-9 triệu đồng tiền xin bỏ qua lỗi không đạt từ các chủ xe. Hai phó giám đốc mỗi ngày nhận từ 300.000 - 1 triệu đồng, sáu đăng kiểm viên nhận từ 200.000 - 1 triệu đồng/người, ba nhân viên nhận từ 100.000 - 400.000 đồng/người.
Cáo trạng xác định, trong năm 2022, Tú và thuộc cấp đã nhận tổng cộng hơn 1,4 tỉ đồng của các chủ xe để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn. Trong đó, Tú được chia hơn 400 triệu đồng, các bị can còn lại được chia từ 20 - 288 triệu đồng, riêng Nghĩa chỉ được chia 2,55 triệu đồng.
Quá trình điều tra, gia đình các bị can đã nộp cơ quan điều tra tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận