08/08/2024 19:41 GMT+7

Vì sao chủ đầu tư 5 trung tâm đăng kiểm Trần Lập Nghĩa bị xử 3 tội danh?

Chiều 8-8, tại phiên tòa xét xử vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm, đại diện viện kiểm sát tiếp tục tranh luận đối với nhóm bị cáo ở các trung tâm do Trần Lập Nghĩa làm chủ.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa là chủ của nhiều trung tâm đăng kiểm - Ảnh: HỮU HẠNH

Bị cáo Trần Lập Nghĩa là chủ của nhiều trung tâm đăng kiểm - Ảnh: HỮU HẠNH

Trần Lập Nghĩa là chủ đầu tư duy nhất của 5 trung tâm đăng kiểm: 62-03D tại tỉnh Long An; 66-02D tại tỉnh Đồng Tháp, 71-02D tại tỉnh Bến Tre; 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng, 84-02D tại tỉnh Trà Vinh.

Ngày 3-5 vừa qua ông Nghĩa bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 29 năm tù về tội "nhận hối lộ" và "giả mạo trong công tác" trong vụ án sai phạm tại Trung tâm 66-02D.

Lý do Trần Lập Nghĩa bị xử 3 tội danh

Trong vụ án này, ông Nghĩa bị truy tố về các tội "nhận hối lộ", "giả mạo trong công tác" và "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác".

Theo viện kiểm sát, ông Nghĩa và luật sư của mình thừa nhận hành vi phạm tội mà viện kiểm sát nêu ở cáo trạng, luận tội là đúng và "tâm phục, khẩu phục" với mức án mà viện kiểm sát đề nghị.

Mặc dù vậy, luật sư bào chữa cho bị cáo Nghĩa cho rằng bản chất hành vi của bị cáo chỉ là đưa - nhận hối lộ. 

Về việc này, theo quan điểm của viện kiểm sát thì bản chất của việc bị cáo Nghĩa thực hiện hành vi phạm tội là nhằm mục đích thu lợi bất chính, làm bất kỳ hành động sai trái nào để hưởng lợi.

Tuy nhiên không phải cứ phạm tội, hưởng lợi đều là nhận hối lộ, mà cần xác định chính xác hành vi của bị cáo để xác định cấu thành tội danh, số tiền nhận được sẽ được xác định là tiền hưởng lợi.

"Mỗi hành vi cụ thể cấu thành một tội danh độc lập, trong vụ án này, khi thực hiện hành vi giả mạo đăng kiểm viên, hoặc xâm nhập phần mềm của Cục Đăng kiểm, cũng chỉ vì lợi nhuận. 

Tuy nhiên với mỗi hành vi, đã cấu thành một tội danh độc lập như đánh giá của viện kiểm sát tại cáo trạng, luận tội và ở phân tích", đại diện viện kiểm sát nói.

Hậu quả của tiêu cực đăng kiểm

Đối với một số bị cáo cho rằng chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nghĩa, đề nghị xem xét lại tội danh thì viện kiểm sát đánh giá là chưa thành khẩn, chưa nhìn nhận đúng vai trò, trách nhiệm của mình.

Viện kiểm sát dẫn nghị định 139/2018/NĐ-CP, trong đó quy định để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới thì phải đáp ứng các điều kiện:

"Phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành…; có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên; có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực".

Tuy nhiên theo chỉ đạo của bị cáo Nghĩa, các phó giám đốc gồm: Nguyễn Minh Trị, Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Nguyễn Thanh Đông, Trần Minh Lý của các trung tâm do Nghĩa làm chủ, đã chỉ đạo đưa tên các đăng kiểm viên không có thật, hoặc có thật nhưng thực tế không làm việc tại trung tâm, để phân công thực hiện các công đoạn trong quá trình kiểm định xe cơ giới.

Sau đó, các bị cáo chỉ đạo các nhân viên gồm: Lê Thị Diễm Mi, Lý Hoàng Thu, Phạm Thanh Tuyền, Đặng Phong Em và Danh Rau in sổ phân công đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký, ký thay các đăng kiểm viên để hoàn tất các công đoạn trong quá trình kiểm định.

Viện kiểm sát khẳng định các bị cáo với chức danh phó giám đốc, được Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm viên bậc cao, quản lý nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm thì buộc phải biết các quy định về điều kiện đăng kiểm viên, về tầm quan trọng của việc kiểm định phương tiện xe cơ giới đối với tính mạng, sức khỏe của con người;

Thế nhưng các bị cáo đã cố ý bỏ qua các quy định về nghiệp vụ, cố ý làm trái quy định khi thực hiện nhiệm vụ, đồng phạm cùng Trần Lập Nghĩa giả mạo các đăng kiểm viên và sử dụng phần mềm can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu của Cục Đăng kiểm khi kiểm định.

"Không phải tự nhiên Nhà nước có những quy định chặt chẽ, khắt khe về điều kiện để được bổ nhiệm đăng kiểm viên, điều kiện để được thành lập trung tâm đăng kiểm.

Bởi việc kiểm định phương tiện cơ giới, cấp giấy chứng nhận kiểm định là việc cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên đường, phương tiện đủ điều kiện sẽ đảm bảo an toàn cho người điều khiển, đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông; đảm bảo nguồn khí thải ra môi trường an toàn…

Khi trung tâm không đủ điều kiện thực hiện hoạt động kiểm định, khi đăng kiểm viên không có trình độ, không có nghiệp vụ kiểm tra phương tiện, để cho phương tiện không đủ điều kiện được lưu thông trên đường dẫn đến tỉ lệ tai nạn ở nước ta cao khủng khiếp, có phải cũng từ nguyên nhân của việc đăng kiểm hay không?

Ở nước ta, giai đoạn trước khi vụ án này được khởi tố, ra đường ai cũng sợ mấy xe có tuổi thọ quá lâu, xả khói mù mịt; xe hư hỏng chạy ào ào…", viện kiểm sát nêu quan điểm.

Viện kiểm sát: Cựu cục trưởng đăng kiểm Trần Kỳ Hình chối bỏ trách nhiệmViện kiểm sát: Cựu cục trưởng đăng kiểm Trần Kỳ Hình chối bỏ trách nhiệm

Theo viện kiểm sát, ông Trần Kỳ Hình (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cố tình chối bỏ trách nhiệm trong sai phạm liên quan việc ký cấp thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên