Phóng to |
Bắt đầu từ ngày 3-3, 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được tuyển chọn tại TP.HCM và Hà Nội sẽ bước vào giai đoạn chính của dự án. Nhịp sống trẻ có cuộc phỏng vấn anh Hoàng Lê Vinh (1988) - trưởng ban điều hành của dự án này.
"Là một người đang khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn để tìm ra đường đi nước bước cho mình. Việc được tham gia dự án này sẽ giúp những doanh nghiệp như tôi sớm khẳng định được mình trên thị trường" |
- Sau khi tham gia Chương trình nghiên cứu Hoa Kỳ (SUSI) năm 2009, tôi bắt đầu sinh hoạt trong State Alumni (tại VN) - một cộng đồng quốc tế của những sinh viên từng tham gia các chương trình học bổng của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nơi đây tôi có cơ hội trò chuyện với các anh chị đi trước và cảm nhận rằng họ, một mặt, trông đợi rất nhiều ở những người trẻ hôm nay, mặt khác, rất mong có cơ hội để truyền đạt kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau. Một thành viên trong ban cố vấn của dự án khi đó đã tâm sự với tôi: “Nếu có cơ hội nào đó để mình chia sẻ lại kinh nghiệm cho những bạn trẻ thì tin rằng các bạn ấy sẽ tiến xa hơn mình bây giờ”. Dự án đã ra đời xuất phát từ những điều tâm huyết như vậy.
Nhưng một điều cần thẳng thắn thừa nhận là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VN còn rời rạc, mạnh ai nấy làm. Cho nên ngay từ cái tên của dự án đã thể hiện mong muốn của những người thành lập.
* 50 doanh nghiệp được lựa chọn hỗ trợ lần này dựa trên những tiêu chí nào?
- Bốn tiêu chí đã được xem xét ở các ứng viên là: tố chất doanh nhân, độ “chín” của ý tưởng và doanh nghiệp kinh doanh, tính khả thi trong việc thực hiện ý tưởng, cuối cùng là tiềm năng phát triển và phân tích rủi ro.
* Hình thức cố vấn - truyền thụ của dự án sẽ được thực hiện ra sao, thưa anh?
- Đó sẽ là cách chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp “1 - 1”, tức mỗi thành viên trong ban cố vấn sẽ tư vấn trực tiếp cho một doanh nghiệp, bên cạnh việc tổ chức các buổi hội thảo. Cả hai hình thức này sẽ được thay đổi linh hoạt để phù hợp với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Ban tổ chức sẽ theo sát hoạt động của doanh nghiệp và thành viên ban cố vấn thông qua những báo cáo được gửi về, để đảm bảo rằng hai bên có tương tác với nhau và thu được những kết quả nhất định.
* Vấn đề tiếp cận vốn sẽ được giải quyết thế nào ở dự án này?
- Cũng xin được nhấn mạnh là dự án không phải nơi cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng các bạn khi đến với chương trình (đặc biệt qua vòng phỏng vấn vừa rồi) đều nhận ra một điều rằng: chính kinh nghiệm được truyền thụ từ các anh chị đi trước sẽ giúp các bạn ấy củng cố hệ thống, quy trình hiện tại của mình thật vững vàng, để từ đó có những kế hoạch thuyết phục nhà đầu tư rót vốn vào. Chính lúc đó doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giải quyết được vấn đề nan giải của mình.
* Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thu nhận được gì sau khi dự án kết thúc?
- Thứ nhất, các bạn sẽ được tiếp nhận những kinh nghiệm “xương máu” của những người đi trước truyền lại. Tiếp đó, các bạn sẽ được chia sẻ những kiến thức cần thiết để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Cuối cùng, bên cạnh việc kết nối được với một cộng đồng những người trẻ khởi nghiệp đầy nhiệt huyết, các bạn có cơ hội kết nối với cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn hơn thông qua sự giới thiệu của ban cố vấn. Tất nhiên, sự kết nối giữa các bạn và ban cố vấn không chỉ gói gọn trong thời gian diễn ra dự án. Đó là ba lợi ích lớn nhất mà các lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có được từ chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận