28/04/2022 08:14 GMT+7

Giải ngân vốn công chậm chỉ vì sợ… trách nhiệm

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Có tình trạng một số bộ ngành, địa phương chưa nghiêm túc kiểm điểm kỹ, nhất là đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 20%. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi chưa kịp thời, một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm…

Giải ngân vốn công chậm chỉ vì sợ… trách nhiệm - Ảnh 1.

TP.HCM là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 50%. Trong ảnh là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đây là một trong những nội dung tại báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công và việc kiểm điểm trách nhiệm các bộ ngành địa phương liên quan, vừa được Bộ KH&ĐT gửi tới Thủ tướng. 

Theo đó, chỉ có 19 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 95%, còn lại chỉ mới giải ngân đạt 50 - 70%. Trong số 28 bộ ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 70% kế hoạch, có 4 đơn vị chỉ đạt tỉ lệ giải ngân dưới 20% gồm Ủy ban Dân tộc, Bộ TT&TT, ĐH Quốc gia TP.HCM và Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Một số cơ quan có tỉ lệ giải ngân dưới 50% như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, TP.HCM… Trong khi đó, một số bộ ngành và địa phương vẫn chưa nghiêm túc kiểm điểm kỹ, nhất là các cơ quan đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch.

"Một số đơn vị báo cáo lý do giải ngân chậm chủ yếu do nguyên nhân khách quan, chưa có hình thức kiểm điểm nghiêm túc về vấn đề không giao được hết kế hoạch năm 2021", báo cáo đánh giá.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 100% kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc chuẩn bị thủ tục còn thiếu chủ động; tình hình dịch phức tạp, phong tỏa nhiều nơi nên thiếu công nhân; giá vật liệu, vận chuyển đều tăng… Đặc biệt, có tình trạng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa đánh giá đúng khả năng giải ngân nhưng vẫn quyết định giao vốn. Chậm trễ trong thực hiện giải phóng mặt bằng, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện dự án chưa tốt…

"Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình. Năng lực một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm. Việc phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách kịp thời" - Bộ KH&ĐT đánh giá.

4 tháng, 17 bộ ngành vẫn chưa giải ngân

Theo Bộ KH&ĐT, trong 461.300 tỉ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách năm 2021 được Thủ tướng giao một lần cho các đơn vị, đến ngày 31-1-2022 đã giải ngân 431.188 tỉ đồng, đạt 93,47% kế hoạch, còn lại 30.111 tỉ đồng, chiếm 6,53% kế hoạch.

Riêng 4 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 18,48% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 7 bộ và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 25%, 71 bộ ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 17%, với 17 đơn vị chưa giải ngân.

Theo Bộ Tài chính, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có nhiều đơn vị đạt tỉ lệ giải ngân cao, trong khi lại có tới 17 đơn vị vẫn chưa giải ngân, cho thấy có tình trạng các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

TP.HCM, Đồng Nai tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công TP.HCM, Đồng Nai tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng qua còn thấp, có nguyên nhân do giãn cách xã hội để phòng chống dịch, giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên