Tuyến vận tải biển Á - Âu đi qua kênh đào Suez (màu xanh) giúp tiết kiệm khoảng 2 tuần so với đi qua mũi Hảo Vọng (màu đỏ) - Nguồn: Fox Business - Đồ họa: N.KH.
Ông Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), khẳng định nếu tận dụng thành công đợt thủy triều dâng lần này thì có thể giải cứu tàu Ever Given ngay trong đêm 28-3 (theo giờ địa phương), tức ngay trong sáng 29-3.
Bernhard Schulte Shipmanagement, công ty chịu trách nhiệm giám sát kỹ thuật vụ giải cứu, xác nhận một nỗ lực kép đang được tiến hành trong mấy ngày qua để giải cứu con tàu, tập trung chủ yếu vào phần mũi và đuôi tàu.
Máy xúc và sà lan hút cát đã được điều động để hút khoảng 20.000 tấn cát đá ra khỏi mạn trái của mũi tàu. Tại đuôi tàu, nhóm tàu kéo cũng hợp sức vừa kéo vừa đẩy con tàu về phía nam.
Theo truyền thông Ai Cập, nỗ lực này đã giúp mũi tàu dịch chuyển được khoảng 30m về phía bắc trong ngày 27-3 nhưng vẫn chưa ra khỏi vùng mắc cạn.
Kênh đào Suez bị tắc nghẽn do tàu hàng bị mắc kẹt ảnh hưởng đến đường hàng hải vận chuyển hàng hóa - Ảnh: REUTERS
Ông Plamen Natzkoff, một chuyên gia hàng hải tại Công ty VesselsValue, nhận định đơn vị giải cứu sẽ tập trung tối đa nguồn lực trong đợt thủy triều dâng cao lần này, bởi vì nếu thất bại họ có thể sẽ phải chờ thêm ít nhất vài tuần nữa cho đợt thủy triều mới.
Theo Hãng thông tấn AFP, có khả năng sẽ phải dỡ bỏ vài trăm container ở phần mũi tàu để giảm bớt tải trọng nhằm giúp con tàu nhẹ hơn. SCA hiện đang để ngỏ phương án này vì vẫn đang tính cách xử lý các container được bốc dỡ xuống.
SMIT Salvage, đơn vị sở hữu các tàu kéo đang tham gia giải cứu Ever Given, cảnh báo việc sử dụng quá nhiều tàu kéo có thể gây hư hỏng thân tàu container. Tuy nhiên, ngày càng nhiều ý kiến đòi loại bỏ con tàu bằng mọi cách để khơi thông tuyến hàng hải huyết mạch nối châu Á và châu Âu càng nhanh càng tốt.
Thống kê của Lloyd's List, một công ty chuyên về vận tải biển, cho biết việc tàu Ever Given mắc cạn đã khiến khoảng 9,6 tỉ USD hàng hóa bị ùn ứ ở phía nam và phía bắc kênh đào Suez, chủ yếu là tại phía nam hướng từ Á sang Âu. Khoảng 320 tàu, trong đó có hàng chục tàu container, tàu chở hàng rời, tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc khí hóa lỏng (LPG), đang đợi qua kênh đào Suez.
Theo ước tính của SCA, Ai Cập đang bị mất từ 12-14 triệu USD/ngày từ kênh đào Suez do tàu container mắc cạn. Bộ Dầu mỏ Syria ngày 27-3 đã buộc phải can thiệp điều tiết lại dầu mỏ trong nước vì sự cố ở Suez khiến các tàu chở xăng dầu từ Iran không thể đến cảng Syria.
Maersk và Hapag-Lloyd, hai gã khổng lồ trong ngành vận tải biển thế giới, đang tính tới phương án đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi.
Các nỗ lực đưa tàu container Ever Given nặng gần 220.000 tấn đến vùng nước sâu của kênh đào Suez vẫn tiếp tục trong ngày 28-3. Ngày càng nhiều ý kiến đòi loại bỏ con tàu này để khơi thông tuyến hàng hải huyết mạch Á - Âu.
Kênh đào Suez từng nhiều lần đóng cửa
Kênh đào Suez, dài hơn 190km, vốn là một điểm nóng địa chính trị kể từ khi mở cửa năm 1869. Kênh đào Suez nằm ở Ai Cập, nối liền Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, thời gian tàu bè đi qua Suez khoảng 13-15 giờ, theo GlobalSecurity.org.
Năm 1956, tổng thống Ai Cập đã quốc hữu hóa kênh đào này dẫn đến cuộc can thiệp quân sự của Israel, Anh và Pháp. Xung đột khiến kênh đào Suez bị đóng cửa trong thời gian ngắn, đồng thời đẩy nguy cơ kéo cả Mỹ và Liên Xô vào cuộc. Căng thẳng chấm dứt vào đầu năm 1957, dưới một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc chủ trì.
Kênh đào Suez một lần nữa bị Ai Cập đóng cửa gần một thập niên sau cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1967 và được mở cửa lại vào năm 1975. Đã có vài vụ tàu bè mắc cạn, như vụ tàu chở dầu của Nga mắc cạn vào năm 2004 đã khiến kênh đào Suez phải đóng cửa 3 ngày.
NGUYÊN HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận