25/03/2013 03:16 GMT+7

Giấc ngủ vội nơi bến xe

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - 22g30, khi bến xe miền Đông, TP.HCM thưa vắng người ra vào, những chiếc ghế thường ngày là chỗ ngồi của hành khách được bảo vệ bến xe xếp thành hàng rào, vây quanh khoảng nền gạch rộng chừng 100m2. Đó là chỗ ngả lưng của hàng chục khách thập phương mỗi đêm.

Họ là những hành khách lỡ chuyến xe, những người dân tỉnh nghèo lên TP chữa bệnh nhưng không đủ tiền thuê khách sạn...

4d3YVCW3.jpgPhóng to
0g ngày 19-3 có khoảng 50 hành khách ngủ qua đêm tại bến xe miền Đông - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Khi những chuyến xe cuối cùng trong ngày xuất bến, những người còn sót lại bến xe nhanh chân chạy về hướng cửa vào số 1, phía cuối của bến xe. Tại đây, một chiếc bàn được bảo vệ kê làm chỗ cho hành khách đăng ký lưu trú, hàng chục chiếc chiếu đã được xếp sẵn trên một chiếc xe đẩy để hành khách thuê trải làm chỗ ngủ.

Bà Sáu Út nằm gần bàn trực của bảo vệ nhưng sẵn tính cẩn thận của người già, thỉnh thoảng bà lại trở mình ngồi dậy sờ soạng gói đồ để cạnh manh chiếu rồi lại ngả lưng ngủ tiếp. Bà quê ở Tây Ninh, năm nay gần 70 tuổi nhưng cứ khoảng một tháng bà lại đón xe lên Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) để khám bệnh. “Trước đây có đứa cháu đưa đi thì thường đi vào sáng sớm nhưng lên lần nào cũng phải xếp hàng chờ lấy số đến tận chiều mới được khám và lấy thuốc. Giờ cháu bận đi học, con cái bận đi làm nên tui một mình đi khám. Hơn nữa tui cũng không muốn phiền hà đến con cháu” - bà tâm sự.

Lần nào đi khám cũng vậy, chập choạng tối bà đón xe buýt tới bến xe miền Đông rồi đăng ký ngủ lại. 3g30, khi bến xe bắt đầu mở cửa để đón những vị khách đầu tiền trong ngày thì cũng là lúc bà thuê xe ôm chạy thẳng lên Bệnh viện Ung bướu để lấy số thứ tự trước rồi khám xong ngay trong buổi sáng. “Trước đây con cháu không cho tui ngủ lại bến xe vì sợ bị cướp giật, móc túi nên đã gửi tiền để tui ngủ khách sạn. Thậm chí, có lần tụi nhỏ thuê khách sạn cho tui nhưng sau đó tui trả phòng trốn ra bến xe để ngủ cho đỡ tốn kém” - bà Út nói.

Anh Nguyễn Văn Hiền (24 tuổi, quê Thanh Hóa) đi xe từ quê vào Sài Gòn. Đến bến xe miền Đông vào lúc 23g. Dự tính sẽ thuê xe ôm về phòng trọ nhưng xe ôm đêm khuya đòi giá cao, hơn nữa không muốn mọi người cùng phòng thức giấc nên anh ngủ lại bến xe sáng mai đón xe buýt về sớm để đỡ phiền hà vừa đỡ tốn kém. “Mọi người nói bến xe là chốn phức tạp, ngủ lại đây dễ bị mất đồ và gặp những rắc rối khác nhưng tôi đã ngủ lại đây ít nhất hai lần thấy cũng bình thường và yên tâm” - anh cho biết.

Trong khoảng trống được sử dụng để làm chỗ nằm, tiếng quạt máy trên trần vẫn quay vù vù tỏa hơi mát xuống những vị khách nằm ngủ phía dưới. Nhân viên bảo vệ bến xe vẫn giữ nhịp đều đặn khoảng 10 phút đi lại một vòng xung quanh khu vực hành khách ngủ để kiểm tra.

Thỉnh thoảng tiếng bảo vệ lại nhỏ nhẹ nhắc nhở một người nào đó hút thuốc lá ngay trong khu vực nằm ngủ. Đến 3g30, khi những chuyến xe đầu tiên trong ngày chuẩn bị xuất bến, khách ngủ trọ được thông báo thức giấc để trả lại không gian cho bến xe. Những người nghèo, người lỡ đường lục tục lên đường sau năm tiếng đồng hồ với giấc ngủ vội.

Theo bến xe miền Đông, bình quân mỗi đêm có 30-50 người lỡ chuyến xe hoặc những người nghèo đăng ký lưu trú tại đây. Việc lập ra một chỗ ngủ của bến xe nhằm dễ quản lý, tránh tình trạng hành khách nằm vạ vật khắp các băng ghế vừa phức tạp vừa dễ xảy ra trộm cắp, móc túi...; đồng thời cũng giúp người nghèo có chỗ ngủ trong đêm lỡ bước. Tuy nhiên, đây không phải là nhà trọ nên không phải ai muốn ngủ lại bao lâu cũng được. Đối với những trường hợp đã ngủ lại bến xe liên tiếp hai đêm thì sẽ không cho đăng ký lưu trú tiếp đêm thứ ba.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên