11/03/2012 09:57 GMT+7

Giấc mơ bị tráo

NGUYỄN MINH NHỊ
NGUYỄN MINH NHỊ

TT - Trên trang đầu một tờ báo tôi đăng ký mua hằng ngày, hôm 8-3 có lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc nhân Ngày quốc tế phụ nữ: “Trao quyền cho phụ nữ nông thôn - chấm dứt đói nghèo”.

Vừa đọc tôi vừa giật mình khi nhớ lại chuyện bình đẳng giới ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiếng là “gạo trắng nước trong”, “trai thanh gái đẹp”... làm say lòng người gần xa mà nay tụt hậu xa so các vùng miền khác về nhiều mặt. Và đang làm nản lòng người, nhất là lớp trẻ chính nơi chôn nhau của họ!

Tôi có người bạn đồng hương, đồng niên, đồng học thời cấp I. Anh có người con gái út học hết lớp 9, đẹp gái. Anh nhờ tôi kiếm mối gả. Tôi nói trai tráng trong làng thiếu chi. Anh nói: “Thiếu gì, nhưng học hành không tới đâu, rượu chè tối ngày, mở miệng là chửi thề đếm không kịp, có vợ đánh vợ...”. Tôi nhận lời làm ông mai. Nhưng tôi ướm thử các bạn trẻ ở các công ty, cơ quan mà tôi biết là vừa lứa. Nhưng sự thật phũ phàng, nghe học ít, không nghề, không có việc làm... nên các cậu đều lịch sự rút lui. Cuối cùng anh bạn tôi gả cho người cùng xóm.

Đúng hai năm sau tôi về thăm thì y như rằng chúng nó đã ly dị với lý do như anh bạn tôi nói. Và cháu ôm con về ở với cha mẹ! Theo dõi một số cô gái khác cũng đẹp, cũng học ít hoặc dốt chữ và không nghề đều rất khó có chồng vừa ý. Còn các cậu học đàng hoàng thì là con em thành phần lớp trên, ai cưới vợ nghèo mà còn dốt. Vậy là phụ nữ nông thôn không ít người đành lấy chồng ngoại dù biết tỉ lệ may rủi 7/3 hoặc 5/5 cũng liều! Thậm chí bị lừa, đẩy đưa ra ngoài biên giới hoặc ở trong nước làm cái nghề mà xã hội phê phán hoặc lên án, và phải đổi vùng liên tục cũng là vì muốn đổi đời. Giật mình và đau quá! Tôi tự thấy mình có lỗi vì đến lúc sắp về hưu mà ĐBSCL, trong đó có tỉnh An Giang tôi tụt hậu; và nhất là hiểu lý do vì sao có nhiều cô gái miền Tây đi lấy chồng ngoại hoặc đi làm các dịch vụ “nhạy cảm”. Đừng ai trách các cô. Các cô không trách ngược là may rồi. Cũng là do thiếu hiểu biết mà an phận thôi.

Từ sau đổi mới, kinh tế hội nhập thế giới, sản xuất nông nghiệp phát triển; nhờ thế quảng canh và tính năng động vốn có của nông dân ĐBSCL từng trải qua kinh tế thị trường một thuở nên sản xuất và đời sống vật chất bình quân cao hơn cả nước, nhưng đến năm 2004 so với cả nước chỉ còn bằng 97,3%, năm 2008 còn 94,5% và năm 2010 là 95%.

Hội nghị tổng kết mười năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về ĐBSCL tại Cần Thơ đã chỉ ra các con số trên. Nhưng đáng quan tâm hơn là các chỉ tiêu về giáo dục đạt được nêu ra tại hội nghị càng làm cho ta giật mình hơn: Theo điều tra các năm 1989, 1999, 2010 ĐBSCL gần như đội sổ về giáo dục với số người chưa tốt nghiệp tiểu học trên 30% (có năm 32,8%). Chi cho giáo dục chỉ tính năm 2010, cả nước bình quân 3,028 triệu đồng/người, đồng bằng sông Hồng 3,543 triệu đồng/người, miền Đông Nam bộ 5,508 triệu đồng/người, ĐBSCL 2,2 triệu đồng/người.

Đầu tư cho tam nông yếu, dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo vẫn cao. Năm 2010 còn 8,9%, trong khi đồng bằng sông Hồng là 6,5%, Đông Nam bộ là 2,2%. Một hộ có năm nhân khẩu với 1ha sản xuất hai vụ/năm, năng suất 10-12 tấn, với giá lúa 6.000 đồng/kg, tính ra lợi tức bình quân 600.000 đồng/người/tháng. Nếu không có thu nhập khác thì nghèo và dốt chữ là cái chắc. Nếu có biến cố do bệnh tật, tai nạn thì bán đất là việc thường xảy ra ở vùng này. Nghèo vẫn hoàn nghèo!

“Phải trao quyền cho phụ nữ nông thôn - chấm dứt đói nghèo” - thông điệp của Liên Hiệp Quốc thật là chí lý. Nhưng trước khi trao quyền hãy trao cho họ kiến thức và tay nghề. Chính phủ đầu tư cho vùng miền cũng phải trên tinh thần ấy mới từng bước thực hiện bình đẳng giới. Hơn 20 năm ta hô khẩu hiệu hơi nhiều mà sự chuyển dịch tiến lên của ĐBSCL như các số liệu chứng minh là “một bước tiến hai bước lùi!”. Vì vậy hệ quả tất nhiên là giấc mơ của không ít cô thôn nữ miền Tây đã bị đánh tráo!

NGUYỄN MINH NHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên