12/01/2024 15:59 GMT+7

Giá lúa nhảy múa và câu chuyện tôn trọng hợp đồng

Lỗi do cả hai phía. Đó là phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online khi đọc thông tin nhiều nông dân ồ ạt 'bẻ kèo' hợp đồng ký kết trước đó, bán sạch lúa cho thương lái vì được giá hơn.

Cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ lúa - Ảnh: KHẮC TÂM

Cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ lúa - Ảnh: KHẮC TÂM

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào mùa vụ thu hoạch lúa đông xuân, trong đó có loại lúa ST24 và ST25. Nhiều doanh nghiệp trước đó đã đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều nông dân

Tuy nhiên khi thu hoạch, có nhiều nông dân bẻ kèo đem lúa bán cho thương lái. Ngay cả mô hình lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế cũng chung số phận, khiến nhiều người bức xúc.

Nông dân bẻ kèo, doanh nghiệp cần xem lại mình

Bạn đọc Ly Nguyen Khanh bày tỏ: Nông dân bẻ kèo với doanh nghiệp là có nguyên nhân. Đơn giản vì nông dân bán lúa cho thương lái có lợi hơn khi bán cho doanh nghiệp.

"Điều này có lẽ là do doanh nghiệp có thể ép giá lúa của nông dân khi lúa trúng mùa. Còn khi mất mùa, doanh nghiệp lại mua lúa với giá thấp hoặc không mua", bạn đọc Ly giải thích.

Cùng cách nhìn nhận, theo bạn đọc Trương Kiệt, doanh nghiệp là đơn vị hoạt động bài bản, có điều kiện cũng như hiểu biết sâu về pháp lý để giao dịch thương mại, còn nông dân ở Việt Nam hầu hết cũng chỉ có kiến thức cơ bản về mua bán, cho nên đặt lên bàn cân thì doanh nghiệp luôn có lợi thế.

"Doanh nghiệp có tìm hiểu vì sao ông thương lái bình thường có thể giành mối mua bán với doanh nghiệp để đề ra biện pháp đối phó không?", bạn đọc Kiệt đặt vấn đề.

Theo bạn đọc Kiệt, khi doanh nghiệp bị bẻ kèo và lặng yên chấp nhận thiệt hại (nếu có) thì nên tự trách mình, "không đưa vụ việc ra pháp luật mà cứ phàn nàn về người nông dân thì cũng chẳng giải quyết được gì".

Còn bạn đọc V.D.T.T. dẫn chứng: "Nhà em nông dân. Em từng có thương lượng với công ty và cả thương lái riêng lẻ. Nếu nói đến hợp đồng, về ràng buộc, không công ty nào dám làm. Giá xuống thì ép nông dân…".

Riêng bạn đọc Anh 5 đạo đức Phi Thường lại bức xúc: "Xin đừng chửi hàng triệu người nông dân. Và cũng xin nhớ rõ, những lúc giá thấp, nông dân năn nỉ doanh nghiệp muốn thụt lưỡi mà doanh nghiệp cũng không mua…".

Tương tự, bạn đọc Nguyen Anh cho rằng rất khó, vì chính bản thân doanh nghiệp cũng không mua lúa của nông dân thì khó trách được việc bị bẻ kèo.

Nông dân cũng phải giữ chữ tín

Nhiều bạn đọc cũng đề xuất xem lại cách hành xử của nông dân: "Làm ăn chụp giật như vậy thì đừng mong có giải cứu nông sản nữa", "Nói sao vẫn nghèo, rồi công ty họ không bao tiêu thì than khổ", "Khi giá thấp thì than vãn, đến lúc giá cao thì xé hợp đồng" (bạn đọc Hoai Anh, Vĩnh Kha...).

Đồng tình, bạn Nguyễn Tuấn Lộc lo xa: "Rồi hai ba năm nữa lại than khổ vì giá lúa hạ, bán chẳng ai mua. Lúc đó ai tiếc ai thương".

Do đó bạn đọc Phan Khanh đề nghị: "Sống không có trước có sau, không trọng chữ tín thì quả phải trả cho cái nhân này rất lớn".

"Tôi cảm thấy xấu hổ với cái suy nghĩ tiểu nông của nông dân. Hình ảnh người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài đã vĩnh viễn là quá khứ chăng? Đừng khôn lỏi như vậy nữa những người nông dân chân chất, thật thà ơi", bạn đọc Vinh kêu gọi.

Chế tài nông dân bẻ kèo

Không chỉ bàn tán, tranh luận, nhiều bạn đọc còn hiến kế để hợp tác liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bền vững, hiệu quả.

Theo bạn đọc Mạnh Tùng, trong thể thao có cụm từ "Fair play", trong hoạt động kinh tế có "Win - win". Tựu trung lại là chơi đẹp và đôi bên cùng có lợi. Nếu doanh nghiệp bao tiêu và người nông dân coi trọng chữ tín, tôn trọng lợi ích của nhau thì ai muốn bẻ kèo làm gì.

Bạn đọc tên Việt đề xuất: "Doanh nghiệp đàng hoàng, biết giữ chữ tín để trọng danh dự trong mọi trường hợp, nông dân sẽ không bẻ kèo. Còn khi nông dân vì ham tiền mà bẻ kèo, khi họ đụng chuyện thì sẽ không có ai cứu giúp".

Theo bạn đọc Hai Van, phải tìm hiểu hợp đồng giữa công ty và nông dân. Bên nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm đã cam kết. Nông dân cũng cần phải quen dần với cách ứng xử chuyên nghiệp.

Do đó bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp đề nghị: "Sống và làm theo pháp luật. Chế tài những hộ, cá nhân bẻ kèo cần phải được thực thi. Trước mắt cần phải bồi thường thiệt hại. Sau đó ghi vào hồ sơ tín dụng xấu, không được hưởng ưu đãi, chính sách hỗ trợ hay giải cứu".

Trong khi đó, bạn đọc tên Anh đề xuất nên đưa ra tòa án phân xử những nông dân bẻ kèo để đòi bồi thường thiệt hại. Đây không chỉ là pháp lý mà còn vì an ninh lương thực.

Nông dân khốn khổ vì doanh nghiệp Nông dân khốn khổ vì doanh nghiệp 'bẻ kèo' thu mua lúa

TTO - Hàng trăm hécta lúa đông xuân của nông dân huyện Phú Tân, An Giang bị doanh nghiệp bẻ kèo khiến bà con khốn khổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên