Phóng to |
Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh “nổi tiếng” nhất về săn bắt và nuôi gấu lấy mật, cũng là hai vùng rừng được xem là nhiều gấu nhất. Nhưng theo đánh giá của các nhà sinh vật học thì gấu trong rừng hiện nay tại khu vực này không thể nhiều bằng gấu nuôi trong nhà!
Từ gấu rừng...
Lô Văn K. - một thợ săn nổi tiếng tại xã Chi Khê (Con Cuông) nói với tôi rằng, lang thang đặt bẫy trong rừng, nếu chỉ một lần “trúng gấu” cũng đủ tiêu xài cả năm. Mỗi ký gấu còn sống giá khoảng 2 triệu đồng, bằng bắt được cả chục con cầy vằn. Thế nên chỉ cần đánh hơi thấy chú gấu nào xuất hiện tại một cánh rừng cụ thể, lập tức có hàng chục thợ săn tìm đến và “ra tay” ngay.
K. nói: “Khoảng 15 năm trước, thợ săn thường dùng súng để bắn gấu và lấy mật ngay trong rừng, xác gấu chỉ dùng để nấu cao. Hiện nay, chúng tôi dùng bẫy vòng, rẻ và quan trọng hơn là bắt được gấu sống. Bẫy vòng dùng để bắt gấu phải bền hơn nhiều lần bẫy thường. 3 hoặc 4 sợi phanh xe đạp bện lại với nhau mới đủ để “khuất phục” một chú gấu nặng khoảng 70kg”.
Vừa nói, K. vừa đưa cho tôi xem cái bẫy vòng mà anh ta dùng để bắt một con gấu nặng 50kg năm ngoái, nhìn nó đơn giản như đồ chơi của trẻ con. K. giải thích: “Chú gấu chỉ cần chạm vào cái bẫy đặt dưới đất, tay sẽ bị mắc vào cái vòng này và càng giãy càng bị siết chặt. Con gấu mà tôi bắt được năm ngoái bị dính 3 ngày rồi mà vẫn rất khỏe. Vật lộn mãi mới trói được nó. Tôi còn bị nó tát cho một cái vào sườn, gần tháng mới khỏi”.
Tại xã Chi Khê có nhiều người làm nghề đi săn chuyên nghiệp như K. Hàng ngày, họ vẫn bắt được chồn, dũi, gà rừng... tuy nhiên, “mơ ước” lớn nhất của họ chính là gặp và bắt được gấu bởi nếu “được gấu” thì chắc chắn đổi đời. Mỗi con gấu nặng khoảng 50kg giá khoảng 100 triệu đồng, bằng vài năm lặn lội làm ăn vất vả. Tôi đã từng được K. cho theo vào rừng sâu đi săn. Tuy nhiên, đi mấy lần mà chỉ bắt được mấy chú gà rừng, công, dũi nên cũng chán. Cách đây khoảng một tháng, K. gọi điện xuống bảo mấy thằng bạn bắn được một con gấu ngựa khoảng 40kg, kiểm lâm làm gắt quá nên không mang về được nên mổ ngay trong rừng lấy mật, gan và 4 cái tay gấu.
Làm nghề săn, tuy thu nhập khá cao nhưng cũng rất nguy hiểm. Tại Chi Khê từ trước đến nay đã có ít nhất 5 người chết vì bị thú “bật lại”. K. kể, hồi tháng 2 năm ngoái, anh Lô Văn H. thợ săn Tà Cạ (Kỳ Sơn) trong khi bắt gấu dính bẫy, do không cẩn thận nên bị chú gấu nặng gần 80kg cào vào mặt. Do vết thương quá sâu, đường ra lại xa quá (đi săn trong rừng sâu, cách khu dân cư ít nhất 30km) lại không có thuốc cầm máu nên chết trên đường ra. Những cái chết như thế, theo K. là thương tâm nhất bởi nó diễn ra từ từ và trước mặt chỉ có nhiều nhất là vài người bạn.
Cùng đi với đám thợ săn, tôi được đưa vào một nhà hàng “toàn gấu” tại thị trấn Con Cuông. Nhà hàng Tám Lan nổi tiếng khắp vùng vì hình như ngày nào cũng có món thịt gấu cho khách nhậu. Bà Lan chủ quán rất xởi lởi, nói rằng mật gấu, thịt gấu ở đây là rẻ nhất Việt Nam! Đúng thế thật, 1cc mật gấu rừng chính hiệu ở đây giá chỉ khoảng 90 ngàn đồng, rẻ bằng 1/3 so với giá ở Vinh. Mua cả túi mật thì càng rẻ, khoảng 6 triệu 1 lạng mật khô.
Rượu gan gấu cũng rẻ, khoảng 100 ngàn 1 lít, 500 ngàn 1 cân tay gấu. Nhà hàng này còn có nhiều món được chế biến từ thịt gấu như gấu giả cầy, gấu hấp, xào... Giá cũng khá rẻ, chỉ khoảng 60-80 ngàn đồng 1 đĩa. Bà Lan nói rằng, mỗi tháng, quán này “xài” hết dăm bảy chú gấu!? Nguồn cung cấp chủ yếu là từ thợ săn và những nhà nuôi gấu thải ra. Không biết số liệu này có đúng hay không, tuy nhiên, nhìn lượng khách vào ra tấp nập, tôi đoán rằng, rừng Pù Mát nổi tiếng sẽ vắng bóng dần loài gấu.
...Đến gấu nhà
Nuôi gấu chủ yếu để lấy mật. Theo PGS-TS y học Dương Trọng Hiếu thì: Mật gấu, y học cổ truyền gọi là hùng đởm. Nhiều người đã biết về mật gấu, cũng nhiều người đã dùng mật gấu rồi truyền miệng mật gấu tốt, chữa nhiều bệnh nan y. Nhưng cũng có nhiều người chê bai vì đã bị phản ứng lở ngứa phải đi cấp cứu. Muốn lấy được mật, người ta phải mổ bụng con gấu, hút mật rồi “neo” túi mật lại thành bụng, đánh dấu vị trí, sau đó khâu lại. Những lần hút sau chỉ cần chọc kim vào đúng vị trí và hút mật ra.
Tuy nhiên, kỹ thuật này bây giờ không còn phổ biến nữa do túi mật không cố định được một chỗ, phải mổ đi mổ lại nhiều lần, gấu bị “giảm thọ”. Hiện nay lấy mật gấu theo hướng dẫn của máy siêu âm được ưa chuộng nhất bởi sự đơn giản, tiện lợi và quan trọng là không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của gấu. Con gấu sau khi bị gây mê, người ta dùng máy siêu âm quét bên mạng sườn của nó, khi thấy rõ túi mật thì chọc kim vào hút. Trung bình mỗi lần lấy khoảng 50-120cc từ gấu nuôi, mỗi năm lấy 2-4 lần.
Tất nhiên, nuôi gấu là một nghề cho lợi nhuận lớn, mặc dù hiện nay người nuôi khá nhiều và nhu cầu thị trường cũng giảm so với trước. Giá mỗi cc mật gấu nuôi trước đây khoảng 150 ngàn đồng, hiện nay chỉ khoảng 50-70 ngàn đồng. Tôi đã được nhiều lần “mục sở thị” việc hút mật gấu của các chủ nuôi. Tại Nam Trung (Nam Đàn) một người bạn dẫn tôi đến nhà ông Quý “cụt” để “xem và mua” gấu. Trong vai một khách hàng, tôi đã thực sự “mở mắt” khi chứng kiến một lúc gần 40 con gấu trong “trang trại” và cách gây mê gấu khá đơn giản của ông Quý. Số gấu này mỗi ngày xài hết khoảng 500 ngàn đồng tiền thức ăn của gia chủ.
Ông Quý nói: “Nếu nuôi làm cảnh thì “oác”, nhưng nuôi lấy mật thì ổn. Trong gần 4 chục con gấu này có 32 con đã cho mật nên giờ cứ 2-3 ngày lại lấy mật một lần. Trung bình mỗi lần lấy được 80-140cc, bán sỉ khoảng 40-45 ngàn đồng/cc, thu về cũng được 5 triệu đồng/2ngày. Nếu chú muốn mua thì bác bán cho 1 con, cho chú chọn hoặc thuê người đến chọn. Muốn chắc ăn thì mời bác sĩ đến siêu âm gấu, mật to thì giá đắt hơn, còn mua chừng thì bác bán cho giá 2 triệu/kg”. Tôi lảng sang chuyện khác và nhẩm tính, chuồng gấu của “đại gia” này dễ đến vài tỷ bạc chứ không ít.
Cũng tại đây, tôi được chứng kiến cảnh gây mê gấu rất ngoạn mục của ông Quý. Một người dùng đoạn ống nhựa dài khoảng 1m, đưa lên miệng thổi. Nghe vèo một tiếng, một mũi kim đã cắm sâu vào cổ con gấu. Chỉ khoảng 5 phút sau, con gấu tội nghiệp đã gục xuống ngủ li bì. Ông ta nói: “Đây là cách gây mê hoàn hảo nhất đấy, trước đây phải 5-6 người mới vật được con gấu ra để tiêm thuốc mê, giờ đây tôi chế ra dụng cụ này đấy”.
Hóa ra, ông ta chế một mũi kim tiêm khá to, mũi nhọn nhưng không có lỗ, cách mũi kim khoảng 1/2 cm, khoan một lỗ nhỏ và bịt nó bằng cao su. Bơm tiêm nhựa chỉ giữ lại pít-tông, phía sau cũng được bịt kín bằng cao su. Sau khi cho khoảng 300mg thuốc mê Ketamin vào và gắn kim, người ta bơm gas vào sau pít-tông, để cả vào cái ống nhựa và thổi mạnh. Khi kim tiêm xuyên vào da gấu, miếng cao su trên kim bị giữ lại để hở cái lỗ nhỏ, gas sẽ đẩy thuốc mê vào người gấu, thế là xong. Màn gây mê quả là ngoạn mục!
Thay cho lời kết
Nuôi gấu, săn bắt gấu và buôn bán chúng đều là phạm pháp, điều này đã được Chính phủ và Cục Kiểm lâm khẳng định. Tuy nhiên, làm thế nào để dẹp bỏ được tình trạng này là việc cực khó. Những người nuôi gấu còn ngoan cố rằng nếu nhà nước làm căng, họ sẽ làm thịt gấu chứ không thả vào rừng. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn Nghệ An có khoảng 500 con gấu nuôi. Mới đây, theo chủ trương của Cục Kiểm lâm, để kiểm soát và tránh tình trạng săn bắt và giết gấu một cách vô tội vạ, ngành kiểm lâm tỉnh đã cho gắn chíp điện tử cho tất cả những con gấu nuôi trong nhà. Đây là kinh nghiệm của Mỹ đã áp dụng vào Việt Nam
Tuổi thọ của gấu chỉ khoảng 15 năm, gấu rừng thì ngày càng hiếm, trong khi gấu nhà thì không sinh đẻ được ( toàn tỉnh Nghệ An hiện chỉ mới ghi nhận được 1 trường hợp gấu sinh sản tại nhà ông Phan Đình Thược, xóm 7 xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên) và với tình trạng này, chỉ trong vòng khoảng 10 năm nữa, gấu sẽ biến mất trên bản đồ động vật học Việt Nam. Đó không phải là đánh giá chủ quan của người viết bài này mà là lời cảnh báo của một trong những chuyên gia động vật học hàng đầu Việt Nam - Giáo sư Võ Quý.
Cần có những biện pháp mạnh để cứu lấy loài gấu đen trước khi quá muộn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận