Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chiều 21-10 - Ảnh: TTXVN
Trong cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 21-10, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam, đất nước mà ông luôn ngưỡng mộ. Ông đánh giá cao những cam kết, sự ủng hộ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Tổng thư ký Guterres cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, đạt được những thành tựu phát triển to lớn, đặc biệt là phát triển đi cùng với bình đẳng và phát triển bao trùm.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vai trò tích cực trong các mục tiêu chung của thế giới, có những chính sách và biện pháp để thể hiện vai trò đi đầu trong ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Về phần mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những phát biểu tốt đẹp của ông Guterres, đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên Hiệp Quốc trong đời sống quốc tế. Tổng bí thư khẳng định Việt Nam coi Liên Hiệp Quốc là đối tác quốc tế quan trọng và hợp tác với Liên Hiệp Quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo đã cùng trao đổi về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước Việt Nam và những vẻ đẹp trong tính cách của con người Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng bí thư đã cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ mà các cơ quan Liên Hiệp Quốc dành cho Việt Nam cũng như tình cảm và sự quan tâm của ông Guterres trên cương vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng như tình cảm ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
Trong cuộc hội đàm cùng ngày với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Guterres bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước.
Ông cũng chúc mừng những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, lấy người dân làm trung tâm, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập.
Về phần mình, Chủ tịch nước đề nghị Liên Hiệp Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn xây dựng chính sách huy động nguồn lực quốc tế khi triển khai chiến lược phục hồi dài hạn theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn cũng như thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), xây dựng Nhà nước pháp quyền và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận