17/08/2012 08:17 GMT+7

Gánh nặng trút lên người đi đường

 TS NGUYỄN XUÂN THÀNH
 TS NGUYỄN XUÂN THÀNH

TT - Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 134 quy định mức thu phí sử dụng đường bộ tại hai trạm thu phí trên quốc lộ 51, về thực chất là tăng mức phí lên gấp đôi, trong khi đại diện chủ đầu tư dự án khẳng định việc xây dựng “chưa biết bao giờ sẽ xong”.

Có thể nhìn thấy ngay văn bản hướng dẫn này đã đi ngược chính quy định của bộ là chỉ được thu phí đường khi đã “hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng phục vụ giao thông tốt hơn trước khi thu phí” (*).

Cách đây đúng ba năm, Cục Đường bộ VN và Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đã ký hợp đồng BOT để đầu tư và khai thác dự án mở rộng quốc lộ 51. Theo hợp đồng này, BVEC phải hoàn thành xong công trình vào tháng 8-2012, sau đó sẽ được dùng nguồn thu phí giao thông để hoàn vốn trong vòng 24 năm. Tuy nhiên, hợp đồng cũng quy định mức phí trước năm 2013 sẽ là mức hiện hành, từ năm 2013-2017 mới được tăng lên 1,5 lần và từ năm 2018 sẽ tăng 2 lần.

Vậy điều gì khiến việc thu phí được chấp thuận khi dự án chưa hoàn thành - đi ngược với quy định quản lý nhà nước hiện hành và cho phép tăng gấp đôi mức phí - đi ngược với cam kết trong hợp đồng BOT? Đó là do Nhà nước và chủ đầu tư đã không thực hiện được các trách nhiệm đã cam kết một cách rất rạch ròi, ít nhất là trên giấy. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm huy động vốn để tài trợ cho mức đầu tư đúng như đã được Nhà nước phê duyệt, thu hồi vốn từ mức phí đúng như Nhà nước quy định, nếu lời thì hưởng, lỗ thì chịu. Nhà nước phải thực hiện đúng cam kết về bàn giao mặt bằng, áp đặt phí như cam kết và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng công trình.

Thực tế diễn ra là chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý, không đủ nguồn lực tài chính để góp đủ vốn và chịu gánh nặng tài chính trong lúc khó khăn; Nhà nước đã bàn giao mặt bằng chậm và không thực hiện đầy đủ chức năng giám sát chất lượng thi công. Kết quả là dự án được triển khai chậm trong khi nhiều hạng mục làm xong không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Dự án mở rộng quốc lộ 51 cũng như tất cả các dự án BOT khác có tỉ lệ vay nợ rất cao. Với gánh nặng gần 2.400 tỉ đồng nợ vay từ các ngân hàng thương mại, dự án chậm ngày nào là phải trả một khoản lãi vay lớn và tăng tổng mức đầu tư cho ngày đó. Chính vì vậy phí giao thông vừa phải được thu ngay để giúp trả nợ, vừa phải được thu với mức cao hơn để hoàn vốn cho tổng đầu tư đã bị đội lên.

Từ tháng 6, cả hai bên trong hợp đồng BOT là BVEC và Bộ Giao thông vận tải đều đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức phí. Việc Bộ Tài chính ban hành thông tư mới là căn cứ vào các văn bản đề nghị này. Nếu là một dự án tư nhân thuần túy thì việc bù đắp thiệt hại sẽ do bên nào không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Nhưng với dự án này, gánh nặng của những trục trặc đã được chuyển cho người sử dụng cuối cùng.

Vấn đề còn chưa được xác định là gánh nặng phí mới sẽ được áp dụng ngay vào ngày có hiệu lực là 1-10 hay sẽ được cơ quan quản lý nhà nước lùi lại để vừa đảm bảo công trình được hoàn thành như quy định, vừa đảm bảo đúng thời điểm điều chỉnh mức phí theo hợp đồng.

(*) Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

 TS NGUYỄN XUÂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên