Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết các trường THPT nhận hồ sơ lớp 10 đến hết ngày 1-8.
* Thưa ông, việc một số trường THPT không tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10 đã diễn ra nhiều năm gần đây. Trong khi đó, vẫn có nhiều học sinh đạt điểm cao nhưng rớt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập?
- Những học sinh đạt điểm cao nhưng rớt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập thường là do các em đặt nguyện vọng cao hơn năng lực của mình.
Trong khi đó, các trường không tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10 đa số ở vùng ven, ngoại thành. Đây là những trường nằm ở khu dân cư thưa thớt. Việc xây dựng các trường này là để "đón đầu" xu hướng đô thị hóa. Thế nên số học sinh tốt nghiệp THCS ở xung quanh trường THPT không nhiều.
Một số thí sinh ở nội thành nếu có đăng ký vào các trường này cũng không nhập học khi biết đoạn đường đi học quá xa.
* Như vậy Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có hạ điểm chuẩn đối với các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu?
- Chúng tôi đang xem xét và sẽ có thông báo sớm về vấn đề này.
* Với thực trạng diễn ra nhiều năm nay, tại sao sở không hạ chỉ tiêu ở những trường trên để không "mang tiếng" là tuyển không đủ chỉ tiêu? Ngoài ra, gần 5.000 học sinh không nhập học coi như TP.HCM không đạt được 70% học sinh vào lớp 10 công lập như chủ trương ban đầu.
- Thật ra sở đã nắm được tình hình là các trường vùng ven có thể bị thiếu học sinh. Vì vậy, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường này đã được tăng lên so với số học sinh lớp 9, mục tiêu là để giảm điểm chuẩn, tạo điều kiện cho học sinh xung quanh khu vực có điều kiện trúng tuyển.
Riêng về tỉ lệ 70% học sinh vào lớp 10 công lập tức là số học sinh này sẽ vào học lớp 10 ở các trường THPT công lập. Trong hệ thống các trường có tuyển sinh học sinh đã tốt nghiệp THCS không chỉ có trường THPT công lập được Nhà nước đầu tư. Hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp nghề... cũng do Nhà nước cấp ngân sách để xây dựng, mua sắm thiết bị dạy học, trả lương cho giáo viên...
Cuối năm học 2022-2023, TP.HCM có 113.807 học sinh tốt nghiệp THCS. Các trường THPT công lập lấy 70% học sinh trong số này vào lớp 10. Trong đó, có 96.334 em dự thi vào vào lớp 10, kết quả 76.028 học sinh trúng tuyển.
Tính đến sáng 1-8, có 71.051 học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học lớp 10; 9.685 học sinh nộp hồ sơ nhập học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên; 9.035 học sinh nộp hồ sơ nhập học tại các trường trung cấp nghề. Riêng học sinh nộp hồ sơ nhập học tại các trường THPT ngoài công lập thì chưa thống kê được.
Từ con số trên, chúng ta thấy là hơn 80% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học ở các loại hình trường, lớp do Nhà nước cấp kinh phí để hoạt động.
* Thực tế hiện nay nhiều học sinh và cả phụ huynh vẫn chưa mặn mà với việc học giáo dục thường xuyên, học nghề?
- Tôi biết hiện nhiều phụ huynh vẫn cho rằng học giáo dục thường xuyên, học nghề là thấp kém, thiệt thòi… Đây là quan niệm sai lầm. Bởi trên thực tế, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM đã và đang được đầu tư, cải thiện rất nhiều so với trước đây.
Cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, khang trang, giáo viên cũng được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn như giáo viên các trường THPT. Số môn học hệ giáo dục thường xuyên ít hơn các trường THPT nhưng khi thi tốt nghiệp THPT đề như nhau, bằng cấp có giá trị ngang nhau, cơ hội xét tuyển vào đại học cũng như nhau.
Hệ trung cấp nghề cũng tương tự. Học sinh khi vào trường trung cấp nghề sẽ chọn học nghề song song học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên. Khi tốt nghiệp vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT.
Tôi xin nhấn mạnh không có hệ đào tạo hay trường, lớp nào ưu việt nhất mà cái chính là phụ huynh nên xem xét năng lực của con mình phù hợp với loại hình trường, lớp nào. Tôi từng được biết có học sinh học THPT rất trầy trật nhưng khi chuyển qua học nghề thì lại thành học viên giỏi…
Trường chuyên cũng không tuyển đủ chỉ tiêu
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển 81,8% học sinh lớp 10 so với chỉ tiêu. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển 75,6% học sinh lớp 10 so với chỉ tiêu.
Nguyên nhân do một số học sinh trúng tuyển vào hai trường này nhưng nộp hồ sơ nhập học vào Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM. Thế nên, hằng năm sở sẽ tổ chức một kỳ thi dành cho học sinh vừa học hết học kỳ 1 của lớp 10 nhằm bổ sung vào các lớp chuyên còn thiếu ở 2 trường này. (Sở GD-ĐT TP.HCM)
Phụ huynh cởi mở hơn việc học nghề
TS Hoàng Văn Phúc - hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn - chia sẻ bức tranh tuyển sinh chương trình 9+ những năm gần đây rất lạc quan do phụ huynh ngày càng có suy nghĩ cởi mở việc học song song nghề và văn hóa sau lớp 9.
Theo nghị định 81 của Chính phủ, học sinh hiện được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn học phí học nghề. Còn học phí các môn văn hóa, học sinh chỉ phải đóng gần như tương đương các bạn học ở các trường công lập.
ThS Trần Công Nam, phó hiệu trưởng điều hành Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, cho rằng hướng học 9+ tối ưu thời gian cho những bạn muốn sớm tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, điều mà các trường sẽ phải làm là cố gắng hỗ trợ thí sinh tư vấn chọn nghề phù hợp nhất với các em.
Ở tuổi 15 sau khi mới hoàn tất bậc học THCS, các em chưa có nhiều kinh nghiệm chọn nghề, phần lớn dựa vào lời khuyên từ gia đình.
"Vì vậy, các trường tạo điều kiện cho các bạn trải nghiệm nghề nghiệp trong quá trình học và tạo cơ hội chuyển đổi nghề muốn học sau một học kỳ", ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận