26/02/2021 18:29 GMT+7

Gần 19.500 tỉ đồng để làm 67km đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa trình Thủ tướng chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km, 4 làn xe với tổng mức đầu tư 19.470 tỉ đồng.

Gần 19.500 tỉ đồng để làm 67km đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Ảnh 1.

Đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thuộc đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km, đến nay mới đầu tư xong đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km - Ảnh: Đ.THỌ

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) loại hợp đồng BOT. 

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lâm Đồng. Đơn vị đề xuất dự án là liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung.

Báo cáo Thủ tướng, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu giao với quốc lộ 20 tại địa bàn xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 

Toàn tuyến dài 67km với quy mô đầu tư giai đoạn 1 có nền đường rộng 17m, 4 làn xe (giai đoạn 2 sẽ đầu tư nền đường rộng 22m).

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khoảng 19.470 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 9.151 tỉ đồng, gồm 50% ngân sách trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng; vốn do nhà đầu tư PPP huy động khoảng 10.319 tỉ đồng.

Theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thu phí 2.000 đồng/km/PCU (xe quy đổi) và tăng giá 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng 15% thì thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến 2052).

Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành; các đoạn còn lại từ Dầu Giây - Liên Khương khoảng 199km có mục tiêu: giai đoạn từ 2020-2030 hoàn thành 123km và sau năm 2030 hoàn thành 66km.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao cơ quan thuộc bộ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo quy mô phân kỳ: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngày 4-2, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 24/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hôm 21-1. 

Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.

Đề xuất 2 phương án khi Lâm Đồng đầu tư đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc Đề xuất 2 phương án khi Lâm Đồng đầu tư đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất 2 phương án đầu tư đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên