22/02/2021 09:23 GMT+7

Các đại dự án tăng tốc

TẤN LỰC - PHƯỚC TUẦN - TUẤN PHÙNG
TẤN LỰC - PHƯỚC TUẦN - TUẤN PHÙNG

TTO - Để thực hiện mục tiêu kép 'vừa chống dịch vừa sản xuất', ngay từ những ngày đầu năm sau tết, nhiều đại công trình đã triển khai xây dựng ồ ạt nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Các đại dự án tăng tốc - Ảnh 1.

Ngay khi trở lại sau kỳ nghỉ tết, công nhân đã tất bật đẩy nhanh tiến độ dự án thủy lợi Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trên các công trường có cả ngàn công nhân, kỹ sư đang thi công với tinh thần tăng tốc nhưng việc phòng chống COVID-19 vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt.

Nhiều đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thành hình

Những ngày đầu xuân mới Tân Sửu, thời tiết ở Huế nắng ráo, không khí trên các công trường, gói thầu dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) tất bật. Liên doanh các nhà thầu, gói thầu đồng loạt tiếp tục tăng ca, tăng kíp máy móc thi công nền đường, cầu cống nhằm thu hẹp tiến độ sau thời gian gián đoạn do thời tiết mưa bão cuối năm 2020.

Đến nay, dọc trên chiều dài hơn 60km dự án Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều đoạn tuyến đã thành hình hài, đội hình xe máy lu lèn nền đường làm việc liên tục.

Ông Nguyễn Vũ Quý, quyền giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa phận Thừa Thiên Huế hơn 60km. Hiện nay số lượng công trình dự án thi công hoàn thành hơn 35% tiến độ thi công. 

Theo ông Quý, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, mưa kéo dài trong năm 2020 khiến dự án gặp khó khăn trong thi công, chậm khoảng 3 tuần so với mốc thời gian phê duyệt. Ngay sau tết, các gói thầu quyết tâm thi công, tăng ca, tăng kíp, máy móc, nhân sự để đảm bảo tiến độ dự án.

Dự án Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án hoàn thành tạo nên tuyến cao tốc nối Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan và đấu nối vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đang khai thác) tạo "trục động lực" xuyên miền Trung. 

Đặc biệt, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là cửa ngõ kết nối giao thương hành lang kinh tế Đông Tây từ cửa khẩu Lao Bảo vào các cảng biển, khu kinh tế lớn như Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi)...

Các đại dự án tăng tốc - Ảnh 2.

Công nhân gấp rút thi công xây dựng 5 nhà máy chuyên dụng sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tại Danang IT Park, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Đà Nẵng: thúc nhiều dự án công nghệ, giao thông lớn

Những ngày đầu năm Tân Sửu, lãnh đạo Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm công trường, lắng nghe khó khăn của chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tại công trường dự án Khu công viên phần mềm số 2, đường Như Nguyệt, quận Hải Châu, ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu cam kết hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. 

Là một trong những dự án trọng điểm thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công, dự án Khu công viên phần mềm số 2 có tổng mức đầu tư gần 800 tỉ đồng được kỳ vọng đóng góp mạnh mẽ vào định hướng phát triển ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng. 

Hiện khối lượng thi công đã đạt 14%, liên danh nhà thầu cam kết rút ngắn thời gian hoàn thành khối nhà kỹ thuật trước ngày 31-12 và hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31-8-2022.

Tại công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu), ông Quảng nhấn mạnh việc dự án chậm tiến độ và ảnh hưởng đến người dân trong quá trình thi công đã gây dư luận không tốt. Các đơn vị liên quan phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm khi để dự án chậm tiến độ.

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỉ đồng, nhằm khắc phục ùn tắc giao thông qua khu vực giờ cao điểm. Công trình tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay Đà Nẵng và biển phía đông, tạo điều kiện nâng công suất sân bay Đà Nẵng.

Theo ông Lê Văn Lâm, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (đơn vị điều hành), hiện giá trị thi công đạt 29% giá trị hợp đồng. Quá trình thi công dự án gặp hai đợt dịch COVID-19. 

Thời tiết mưa bão kéo dài và công tác khoan cọc từ nút đường 2 Tháng 9 đến cầu Trần Thị Lý gặp chướng ngại vật khiến dự án chậm tiến độ. Ông Lâm cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công phần hầm và thượng bộ cầu trong thời gian tới.

Tham dự lễ ra quân đầu năm tại phân khu A2, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park), ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cam kết hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. 

Tại đây, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Trung Nam đang gấp rút xây dựng khu nhà xưởng chuyên dụng sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết dự kiến các hạng mục sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2021.

Các đại dự án tăng tốc - Ảnh 3.

Công trường thi công cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 - Ảnh: NGUYỄN QUANG

46.000 tỉ đồng cho ngành giao thông vận tải trong năm 2021

Tại công trường dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 thuộc dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, ông Lương Văn Long - giám đốc điều hành dự án (Ban quản lý dự án Thăng Long) - cho biết từ mùng 4 đến mùng 6 tất cả 5 gói thầu thuộc dự án đã triển khai thi công.

Dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, được khởi công gói thầu đầu tiên từ 30-9-2020. Dự án dự kiến được hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2022. 

"Hiện nay các nhà thầu thuộc 5 gói thầu của dự án đã triển khai 40 mũi thi công đồng loạt" - ông Long cho biết.

Ông Dương Viết Roãn - giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) - thông tin thêm: "Hai hầm xuyên núi là Tam Điệp dài 245m và Thung Thi dài 680m cũng đang được triển khai thi công tốt, dự kiến sẽ về đích sớm".

Với dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, từ mùng 4 Tết Tân Sửu, các nhà thầu cũng đã triển khai thi công trở lại. Trước đó, ngày 1-1-2021, dự án đã hoàn thành bước 1, đưa vào khai thác 3.200m đường băng 1B (11R/29L) sau 6 tháng thi công. 

Theo ông Roãn, các đơn vị đang tích cực triển khai bước 2 của dự án trong thời gian 12 tháng để bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, năm 2021 Bộ GTVT triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm trên cả nước như các dự án đường bộ cao tốc, sân bay Long Thành, các dự án cải tạo công trình thiết yếu đường sắt Bắc - Nam, dự án sử dụng nguồn vốn cấp bách nâng cấp cải tạo một số quốc lộ.

Tổng số vốn được giao cho ngành GTVT năm 2021 hơn 46.000 tỉ đồng, cao hơn năm 2020. "Do vậy đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các đơn vị trong toàn ngành, tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, giải ngân tốt số vốn được giao" - ông Đông cho biết.

TP.HCM: sau tết, hàng loạt công trình đua về đích

lam duong

Nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngày 21-2, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết một số công trình của TP.HCM thi công xuyên Tết Tân Sửu như hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Sau tết, hai công trình này tiếp tục được đốc thúc chạy nước rút về đích.

Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Tuy nhiên, quá trình thi công bị chậm do chờ một số công trình thi công cùng thời điểm và vướng giải phóng mặt bằng một căn nhà cổ.

Do đó phương án tổ chức giao thông cũng có nhiều thay đổi. Dự án sẽ kéo dài tới cuối tháng 3-2021. Hiện Ban giao thông đang cùng nhà thầu, các đơn vị thi công phối hợp giải quyết các khó khăn, tổ chức thi công liên tục để đảm bảo thời gian hoàn thành theo mốc mới.

Ngoài ra, Ban giao thông cũng cho biết trong năm 2021, TP.HCM dồn lực hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng như nút giao thông Mỹ Thủy, nâng cấp đường Lương Định Của, hoàn thiện mặt đường vành đai phía đông. Đây đều là các dự án cấp bách ở các cửa ngõ TP.HCM, góp phần giải tỏa áp lực giao thông, giảm ùn tắc trong thời gian tới.

Một số dự án trọng điểm khác cũng "rục rịch" chuẩn bị khởi công. Ngày 19-2, hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) thuộc dự án đầu tư xây dựng lòng đường Vành đai 3, TP.HCM đã được ký.

Dự án sẽ phân luồng giao thông từ xa nhằm giảm ách tắc giao thông nội ô TP.HCM, rút ngắn hành trình từ TP Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến TP.HCM và Bình Dương... Dự án được dự kiến khởi công trong quý 3 năm nay.

THU DUNG - ĐỨC PHÚ

Miền Tây: đẩy nhanh tiến độ "siêu dự án"

thi cong 5

Công nhân tất bật thi công dự án thủy lợi Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang ngay những ngày đầu năm mới Tân Sửu - Ảnh: CHÍ QUỐC

"Việc đưa vào vận hành tạm dự án thủy lợi Cái Bé đã giúp kiểm soát mặn được một vùng 20.000ha sản xuất nông nghiệp và không phải đắp 100 đập tạm ngăn mặn giúp tiết kiệm kinh phí và giảm tác động xấu đến môi trường, nên chúng tôi quyết đẩy nhanh tiến độ.

Một lãnh đạo Ban quản lý dự án 10 cho biết


Hôm qua 21-2, ông Nguyễn Tấn Đông, tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết ngay sau những ngày nghỉ Tết Tân Sửu, toàn bộ gói thầu thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đồng loạt thi công.

"Với quyết tâm đưa dự án về đích vào tháng 9-2021, toàn bộ nhân lực với khoảng 1.500 công nhân, kỹ sư và các máy móc hiện đại được huy động để làm việc khẩn trương 3 ca/ngày đêm. Hiện hầu hết các gói thầu đang trong giai đoạn gia tải, thi công nền đường", ông Đông cho biết.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe cơ giới. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối ở nút giao với quốc lộ 30.

Dự án khởi công năm 2009 nhưng bị ngưng trệ đến năm 2015 mới tái khởi công lần thứ 2. Năm 2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được giao làm chủ đầu tư chính của dự án.

Tại miền Tây còn có một "siêu công trình" khác là dự án thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé ở Kiên Giang.

Một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (chủ đầu tư) cho biết do đẩy nhanh tiến độ công trình để kịp ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2021 (dự án thủy lợi Cái Bé đã vận hành tạm từ ngày 5-2) nên toàn bộ dự án đã được khởi động lại từ mùng 4 Tết Tân Sửu. Tuy nhiên, đến ngày 21-2 (mùng 10) công trình mới thật sự đông đủ với gần 300 công nhân đồng loạt thi công các hạng mục của dự án.

Theo vị lãnh đạo này, tất cả công nhân về quê ăn tết khi trở lại làm việc điều trước tiên là

phải đến cơ quan y tế địa phương khai báo y tế. "Hiện toàn bộ dự án đã đạt khoảng 75% khối lượng. Theo đánh giá của tỉnh Kiên Giang, việc đưa vào vận hành tạm dự án thủy lợi Cái Bé đã giúp kiểm soát mặn được một vùng 20.000ha sản xuất nông nghiệp và không phải đắp 100 đập tạm ngăn mặn giúp tiết kiệm kinh phí và giảm tác động xấu đến môi trường, nên chúng tôi quyết đẩy nhanh tiến độ để tới cuối tháng 6 tiếp tục hoàn thành cơ bản dự án thủy lợi Cái Lớn và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2021", vị lãnh đạo Ban quản lý dự án 10 nói.

Dự án thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé được xem là "siêu công trình thủy lợi" ở miền Tây, nhằm giải quyết bài toán mặn xâm nhập vào mùa khô ở các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Nhiều dự án lớn, thuộc dạng "siêu dự án" về mặt tác động tới kinh tế - xã hội ở miền Tây đang gấp rút thi công với thời hạn hoàn thành đang đến gần.

M.TRƯỜNG - C.QUỐC

Hoàn thành các dự án 7.000 tỉ đồng nâng cấp đường sắt trong năm 2021 Hoàn thành các dự án 7.000 tỉ đồng nâng cấp đường sắt trong năm 2021

TTO - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo tại lễ ra quân xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vào ngày 19-2.

TẤN LỰC - PHƯỚC TUẦN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên