05/05/2016 10:43 GMT+7

Festival Huế 2016: Món ngon nhưng đắt khách chưa?

MINH TỰ - THÁI LỘC
MINH TỰ - THÁI LỘC

TTO - Sau 16 năm với 9 kỳ lễ hội, Festival Huế (FH) thật sự là sân chơi văn hóa - nghệ thuật hàng đầu quốc gia, thu hút sự có mặt của giới nghệ sĩ, nghệ nhân đẳng cấp cao trong nước và quốc tế.

Lễ hội đường phố là một trong những “món” hấp dẫn và đặc sắc nhất của Festival Huế. Trong ảnh là tiết mục chú rối khổng lồ của đoàn L'homme Debout (Pháp) dạo chơi trên đường phố Huế                - Ảnh: Nguyễn Thượng Hiền
Lễ hội đường phố là một trong những “món” hấp dẫn và đặc sắc nhất của Festival Huế. Trong ảnh là tiết mục chú rối khổng lồ của đoàn L'homme Debout (Pháp) dạo chơi trên đường phố Huế - Ảnh: Nguyễn Thượng Hiền

Đêm 4-5, Festival Huế 2016 bế mạc, khép lại một mùa lễ hội ngập tràn cảm xúc và cũng không ít nuối tiếc.

Đến lúc này, sau 16 năm với 9 kỳ lễ hội, Festival Huế (FH) thật sự là sân chơi văn hóa - nghệ thuật hàng đầu quốc gia, thu hút sự có mặt của giới nghệ sĩ, nghệ nhân đẳng cấp cao trong nước và quốc tế.

Nói như ông Nguyễn Dung - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trưởng ban tổ chức lễ hội lần này - FH đã là một thương hiệu lớn, nên ban tổ chức được quyền chọn “món ngon” và từ chối “món không ngon” cho “thực đơn” FH 2016.

Vì vậy, FH thật sự là một “đại tiệc” của những thứ “của ngon vật lạ” trăm miền. Vấn đề hóc búa còn lại vẫn là: “đại tiệc” đó bán được cho nhiều khách hay chưa?

Công tác xã hội hóa và vận động tài trợ là một thành công đáng mừng của Festival Huế 2016

Ông NGUYỄN DUNG (phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế)

 

Mời du khách thưởng thức đặc sản Huế trong đêm Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự -Ảnh: Hải Lan.

 

Ngân sách bớt chi

Rất tinh gọn, rất ít tốn kém và rất Huế - đó là đánh giá chung của nhiều ý kiến mà chúng tôi phỏng vấn về FH 2016. Thời gian rút ngắn hơn một phần ba, chương trình giảm hơn một nửa, số quốc gia cũng giảm từ 38 (năm 2014) xuống 17. Chất Huế chiếm chủ đạo trong “thực đơn” và nguồn nhân lực chính làm nên bữa “đại tiệc” đó là người dân Huế.

Chương trình khai mạc với chủ đề Huế đẹp và thơ lần đầu tiên do nghệ sĩ của Huế (NSND Ngọc Bình) làm tổng đạo diễn là một ví dụ cụ thể cho điều đó. Gần như toàn bộ lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân, phần đông sinh viên, học sinh được trưng tập làm festival.

Nếu các kỳ lễ hội trước đây phải thuê họa sĩ ở TP.HCM thiết kế poster chính thì lần này do họa sĩ Hoàng Minh Tuyến của Trường đại học Nghệ thuật Huế thực hiện.

Các chương trình mới do người dân tự bỏ tiền để làm (hoặc chỉ nhận hỗ trợ nhỏ của ban tổ chức) nhưng rất đặc sắc như: lễ hội Quảng Chiếu của phật tử Huế; Về miền Hương Ngự (ca Huế kết hợp biểu diễn thời trang) của nhà thiết kế thời trang Viết Bảo và bạn bè nghệ sĩ; lễ hội áo dài Nơi huyền thoại bắt đầu của vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Phúc; âm nhạc Trịnh Công Sơn của gia đình nhạc sĩ; lễ hội khinh khí cầu của các doanh nghiệp đến từ chín quốc gia...

Các khán đài bề thế và tốn kém như mọi năm đã được thay bằng ghế nhựa đơn giản mà vẫn lịch sự, cũng giúp tiết kiệm được tiền tỉ cho chi phí vốn rất lớn về thiết bị kỹ thuật.

Chi phí đến Huế, kể cả catsê của các đoàn nghệ thuật quốc tế đều do các nước lo lấy, chủ nhà chỉ lo ăn ở và đi lại trong những ngày biểu diễn.

“Công tác xã hội hóa và vận động tài trợ là một thành công đáng mừng của FH 2016” - ông Nguyễn Dung cho biết. Những con số thu - chi cụ thể cho FH 2016 chưa được ban tổ chức công bố, nhưng với sự tinh gọn và sử dụng lực lượng tại chỗ thì chắc hẳn chi phí cho FH giảm nhiều.

Đây là điều mà dư luận đặt ra gay gắt từ các kỳ FH trước: không thể lấy tiền đóng thuế của người dân để làm festival mãi được. Đã đến lúc FH phải huy động nguồn lực xã hội và phải làm ra “đồng tiền bát gạo” cho ngân sách Thừa Thiên - Huế!

Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế 2016. -Ảnh tư liệu.

Lấn cấn quanh thời điểm tổ chức festival

Có ý kiến trong giới du lịch Huế cho rằng việc tổ chức FH nhằm vào kỳ nghỉ lễ 30-4 là rất phí, trùng lắp sản phẩm, mất đi một cơ hội thu hút du khách. Bởi vì với kỳ nghỉ lễ dài ngày này, không có festival thì du khách cũng đến Huế.

Nếu festival được tổ chức sát trước hoặc liền sau kỳ nghỉ lễ thì Huế sẽ có một khoảng thời gian dài ít nhất 10 ngày để thu hút khách. Mặt khác, vì tổ chức vào ngày lễ nên các trung tâm du lịch lân cận (Hội An, Đà Nẵng) và trong nước thu hút một phần du khách của FH.

Ngoài ra, một lực lượng khá đông nghệ sĩ, nghệ nhân từ các nơi đến Huế để biểu diễn tại festival cũng chiếm mất chỗ khách sạn của du khách.

Ông Đinh Mạnh Thắng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết các kỳ festival trước chỉ đông nhất là ngày khai mạc, sau đó thì giảm. Nhưng lần này công suất các khách sạn của tour đầu festival (ba ngày) đạt đến 85%. Khách đông như thế là do hai nguồn: khách đến nghỉ lễ và đến chơi festival.

Trả lời về vấn đề này, ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho rằng mọi kỳ nghỉ lễ 30-4 trước đây khách đến Huế chỉ đạt 70-75% công suất khách sạn, nay có festival nên khách đến đông hơn cũng bởi “thực đơn” của FH khác hẳn các nơi và lại hấp dẫn, mới lạ.

Festival Huế 2016 khép lại với ấn tượng đẹp -Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Du khách tăng hay giảm?

Đó là một câu hỏi chưa được trả lời một cách thuyết phục. Người dân Huế và ngay chính du khách nhận xét bằng kinh nghiệm và trực quan của họ thì “FH lần này có vẻ như ít khách hơn”. Nhưng câu trả lời của Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế thì: du khách đến Huế tăng 23% và lượng khách lưu trú tăng 17% so với FH 2014.

Cụ thể, tính đến hết ngày 4-5 có khoảng 250.000 lượt du khách đến Huế, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế. Trong số đó có khoảng 195.000 lượt khách lưu trú (hơn 68.000 lượt khách quốc tế).

Tuy nhiên, đây là con số thống kê của 12 ngày đêm tính từ 24-4 đến 5-5. Trong khi FH 2016 chỉ diễn ra trong sáu ngày đêm (từ 29-4 đến 4-5). Vì vậy, những con số này chưa thật sự phản ánh hết sức hút của FH 2016.

Quảng bá vẫn yếu

Anh Hồ Phước Vĩnh Long - một người gốc Huế đang kinh doanh phần mềm ở TP.HCM, lần thứ tư về Huế chơi festival - nhận xét FH 2016 có nhiều chương trình nghệ thuật hay và tổ chức chuyên nghiệp. Đặc biệt là những chương trình diễn ra trên các đường phố rất hấp dẫn, quy tụ được rất đông người tham gia trong sự hào hứng.

“Tuy nhiên, cái yếu nhất của Huế là quảng bá. Mọi người biết rất ít thông tin trước khi đến Huế. Giá như tôi biết trước nhiều chương trình hay đến như thế này thì sẽ thông báo cho bạn bè cùng về Huế xem” - anh Long cho biết.

MINH TỰ - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên