Lá cờ Iran bên cạnh một giàn khoan dầu tại mỏ dầu Soroush ở vịnh Ba Tư - Ảnh: REUTERS
Nhiều hoạt động phản đối Mỹ đã xuất hiện tại Tehran cuối tuần qua, như động thái lên án quyết định trừng phạt Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng ngày 5-11 đã ra quyết định trừng phạt được cho là "cứng rắn nhất từ trước đến nay" nhằm vào Iran.
"Bơm dầu" vào Trung Đông
Năm 2015, Mỹ và Iran có cú bắt tay được mô tả có tính chất lịch sử khi đạt được Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. JCPOA dẫn tới việc Mỹ tháo dỡ cấm vận Iran, mở ra con đường hợp tác cho Tehran với phần còn lại.
Quyết định trừng phạt ngày 5-11 nêu trên là giai đoạn trừng phạt thứ hai, trong đó đánh vào cả ba trụ cột kinh tế của Iran gồm xuất khẩu, vận chuyển đường biển và ngân hàng. Dầu mỏ trong đó được cho sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nổi bật nhất, do đây là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của quốc gia vùng Trung Đông này.
Iran, vốn kịch liệt công kích việc Mỹ rút khỏi JCPOA giữa năm nay, đã phản ứng bằng thái độ đanh thép. Tổng thống Hassan Rouhani ngày 5-11 khẳng định Iran sẽ "tự hào vượt qua" lệnh trừng phạt "bất hợp pháp" và "bất công" của Mỹ.
Ông Rouhani nói thẳng rằng nếu Mỹ muốn dùng sức mạnh kinh tế để cắt doanh số dầu mỏ của Iran thì Tehran vẫn sẽ tiếp tục bán dầu để ứng phó.
Các nhà phân tích cho rằng lệnh trừng phạt này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới giá dầu cũng như các hoạt động xuất khẩu của Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và những nhà xuất khẩu lớn như Nga.
Giá dầu trước mắt sẽ tăng cao do Iran bị giảm doanh số. Thông số cho thấy Iran đang xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, nay có thể bị giảm còn 1 hoặc 2 triệu thùng/ngày.
Con bài cân não
Trong khi Mỹ và Iran từ nay xác nhận không đi chung lối, mọi ánh mắt đang hướng về châu Âu. Lãnh đạo những nền kinh tế mạnh nhất, có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) như Anh, Pháp và Đức đều phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng họ phản đối ở mức độ nào thì chưa rõ.
Anh, Pháp và Đức đều thuộc nhóm P5+1 từng góp tiếng nói cho đàm phán JCPOA. Bản thân các nước này cũng nhìn thấy cơ hội lớn khai phá thị trường bị cấm vận lâu năm như Iran. Nhiều hợp đồng lớn đã chớm ký kết, bỗng dưng bị ông Trump phá nát, nên sự phản đối là điều dễ hiểu.
Ví dụ rõ nhất là việc đại gia năng lượng Total của Pháp hồi tháng 8 năm nay đã chính thức rút khỏi Iran, bỏ lại hợp đồng trị giá 4,8 tỉ USD.
Đó là lý do Iran đang ít nhiều tin rằng vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với EU. Nhưng EU là một đối tác và đồng minh thân cận của Mỹ, liệu các lãnh đạo của khối này có thể vì Iran để đánh cược với mối quan hệ trên?
Trong khi Đài BBC liệt kê Anh vào hàng ngũ phản đối quyết định trừng phạt Iran, trang tin Breibart News (một đầu báo cánh hữu ủng hộ ông Trump) tự tin EU đang tìm cách trừng phạt Iran vì một lý do khác.
Theo Breibart, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ca ngợi Thủ tướng Anh Theresa May vì đã cam kết hỗ trợ nước này về việc một nghi phạm Iran quốc tịch Na Uy bị cáo buộc liên quan tới âm mưu hạ sát một đối thủ chính trị người Iran ở Đan Mạch.
Ông Rasmussen nói như sau: "Tôi trân trọng sự hỗ trợ từ đồng nghiệp (May) của mình hôm nay. Với mối quan hệ hợp tác gần gũi với Anh và các nước khác, chúng tôi sẽ đứng lên chống lại Iran".
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong khi đó được trích lời nói rằng Mỹ ủng hộ các nước châu Âu chịu hậu quả từ những hoạt động ám sát của Iran.
Chưa biết kết quả ra sao, nhưng đây cũng là thời điểm căng thẳng để EU đưa ra quyết định.
700 & 100
Dưới lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ, hơn 700 cá nhân, tổ chức, máy bay và tàu chở hàng của Iran sẽ nằm trong danh sách đen, bao gồm các ngân hàng lớn, nhà xuất khẩu dầu mỏ và những công ty vận chuyển đường tàu. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hơn 100 công ty lớn đã rút khỏi Iran vì sợ trừng phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận