27/10/2021 09:20 GMT+7

Èo uột tuyển sinh trường nghề

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Dù có lợi thế được tuyển quanh năm, nhiều trường cao đẳng, trung cấp mới đạt được khoảng 50% tổng chỉ tiêu đề ra trong khi năm 2021 chỉ còn 2 tháng nữa.

Èo uột tuyển sinh trường nghề - Ảnh 1.

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, TP hiện có 59 trường cao đẳng (CĐ) và 64 trường trung cấp. Tính đến đầu tháng 10-2021, bậc CĐ tuyển được gần 20.000 chỉ tiêu trong tổng số khoảng 45.000 chỉ tiêu, đạt gần 50%. Trong khi đó, bậc trung cấp tuyển được gần 10.000 chỉ tiêu trong tổng số 36.000 chỉ tiêu, đạt gần 30%.

Dự báo sẽ đạt 60% chỉ tiêu

TS Lê Lâm, hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết đã qua cao điểm tuyển sinh, trường hiện tuyển được gần đạt 50% trong tổng số 4.000 chỉ tiêu. Các ngành tuyển tích cực gồm 2 ngành kỹ thuật ôtô và sư phạm mầm non, trong khi những ngành khác hầu hết đều rơi vào tình trạng thiếu sinh viên trong năm học này.

Theo TS Lê Lâm, bên cạnh việc trường khó tiếp cận thông qua các chương trình tư vấn, hướng nghiệp do các quy định giãn cách, dịch bệnh cũng gây khó khăn cho kinh tế của rất nhiều gia đình. Điều này khiến các sinh viên ở nhiều địa phương lân cận TP.HCM nếu có nhu cầu học nghề thì sẽ chọn học tại tỉnh thay vì lên TP.HCM như trước để tiết kiệm chi phí.

Tương tự, TS Phạm Đức Khiêm, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ đến thời điểm hiện tại trường tuyển được gần 60% tổng chỉ tiêu trong năm 2021. Con số này thấp hơn đáng kể so với mọi năm khi trường đều đạt trên 80% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Hằng năm số nhập học ở các tỉnh luôn chiếm đến gần phân nửa tổng nguồn tuyển của Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM. Năm nay, giãn cách xã hội và tình hình dịch bệnh ở TP khiến học sinh "ngại" lên TP.HCM, trong khi học online khó có thể thu hút các em. Vì vậy, nguồn tuyển từ các tỉnh "hụt" đáng kể, trung bình mỗi tỉnh chỉ có vài em đăng ký thay vì vài chục như trước dịch.

ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết với hệ 9+, trường tuyển gần đạt chỉ tiêu, hiện đã hơn 90%. Phần đông là học sinh hoàn thành bậc THCS có chất lượng hơn so với các năm trước. Trái lại ở hệ CĐ chính quy, con số thực tế đã nhập học chỉ ở mức khoảng 50% chỉ tiêu.

Theo ông Lý, một nguyên nhân khác là do mùa tuyển sinh năm nay các trường ĐH mở thêm rất nhiều phương thức xét tuyển, tăng thêm nhiều chỉ tiêu, làm cho cánh cửa vào ĐH với học sinh trở nên dễ hơn rất nhiều. Trong khi đó, các ngành nghề hầu như đều có ở cả hai bậc ĐH và CĐ, vì vậy xét về bằng cấp thì nhiều gia đình vẫn muốn cho con học ĐH hơn.

Ông Đặng Minh Sự, trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho rằng trong hai tháng cuối năm, dự kiến số lượng tuyển sinh chung của các cơ sở GDNN tại TP.HCM sẽ đạt khoảng 60%. Con số này thấp hơn khá nhiều so với những năm trước đây khoảng 80%.

Tránh viễn cảnh cú "trượt dài"

ThS Nguyễn Đăng Lý cho rằng việc thiếu nguồn tuyển tại một số trường có thể dẫn tới nhiều tác động về lâu dài. Đặc biệt với những cơ sở GDNN tư nhân phải tự cân đối tất cả các khoản chi tiêu hằng năm như tiền mặt bằng, cơ sở vật chất, lương giáo viên... 

Nguồn thu phần lớn đến từ học phí của học sinh, sinh viên, nay thiếu hụt có thể làm giảm chi cho những đầu mục khác, đặc biệt là khoản dành cho tái đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó, chất lượng các trường nghề đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng trong tương lai.

TS Phạm Đức Khiêm cho rằng thông thường nếu các khoa, ngành đông học sinh, sinh viên, giáo viên sẽ có thêm khoản thu nhập từ việc tăng thêm giờ dạy. Hiện nay tuyển sinh giảm, các khoản này có thể sẽ không đầy đủ như trước. Ngoài ra, việc tuyển được các giáo viên, giảng viên giỏi cũng khó thu hút hơn.

Theo phó hiệu trưởng một trường CĐ chuyên về các ngành kỹ thuật tại TP.HCM, để tránh những cú trượt dài của các cơ sở GDNN do tuyển sinh sụt giảm, rất cần một sự thay đổi từ gốc ngay trong năm tuyển sinh 2022 từ những cơ quan đứng đầu. 

Cụ thể, hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH cần có sự phối hợp nhịp nhàng, trong đó siết chặt nguồn tuyển ở một số trường ĐH "tốp dưới" và tăng cường phân luồng, định hướng các em có điều kiện phù hợp sang học các trường CĐ, trung cấp.

"Bức tranh tuyển sinh sẽ khó khởi sắc nếu cứ để các trường nghề tự "bơi", như vậy sẽ mãi không thể cạnh tranh được với các trường ĐH. Nếu các trường nghề đã làm đủ mọi cách nhưng tuyển sinh vẫn giảm theo từng năm thì cần xem lại những định hướng chung từ các cơ quan cao hơn, ở đây là hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH", vị này nói.

Ngành du lịch liệu có "đóng băng"?

ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết trong những năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề. Vì vậy, năm nay trường chỉ đạt tỉ lệ khoảng 72% tổng chỉ tiêu so với những năm trước trường đều tuyển vượt và thậm chí phải xin thêm chỉ tiêu. Tâm lý lo sợ nhân lực ngành du lịch "đóng băng" đã tác động đến quyết định của không ít phụ huynh, học sinh.

Tuy nhiên, cô Xuân cho biết các chuyên gia đều dự báo du lịch sẽ có đà phục hồi nhanh chóng khi cuộc sống trở về trạng thái bình thường vì đây luôn là nhu cầu trong xã hội. Những sinh viên theo học du lịch có thể đón đầu sự bùng nổ của du lịch thời kỳ hậu COVID-19. Không những vậy, việc thiếu hụt nhân sự khi nhiều lao động ngành du lịch đã chuyển nghề trong đại dịch sẽ tạo thêm những cơ hội nghề nghiệp khác cho các bạn.

Tăng cường truyền thông

Trước tình hình hiện tại, Tổng cục GDNN vừa tiếp tục ra văn bản gửi đến các sở LĐ-TB&XH cũng như các cơ sở GDNN đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Cụ thể, trong điều kiện cho phép của địa phương, có thể tổ chức các sự kiện, hoạt động về GDNN tại các địa điểm công cộng, nơi vui chơi, trong khuôn viên nhà trường..., kết hợp với truyền thông và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội. Để tạo sự lan tỏa tốt có thể kết nối với các ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác truyền thông phục vụ cho tuyển sinh.

Nên cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn Nên cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn

TTO - Sáng 8-9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT soạn thảo.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên