23/10/2022 11:12 GMT+7

Duyên nợ bất ngờ trong đêm 'đại hồng thủy'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ai nghe chuyện cũng nói chính những con người gan thép này đã giúp cho Đà Nẵng tránh khỏi một mất mát lớn về nhân mạng.

Duyên nợ bất ngờ trong đêm đại hồng thủy - Ảnh 1.

Người dân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng trú ẩn trong doanh trại của tiểu đoàn 409 - Ảnh: LÊ QUANG HIỆP

Nếu không có tiểu đoàn 409 cơ động giải cứu người khu vực Đà Sơn thì không biết điều gì xảy ra vì đây là trận mưa lịch sử mà không một ai ngờ tới. Người dân và chính quyền cảm kích sự giúp đỡ của bộ đội 409. Câu chuyện này xem như một chuyện duyên nợ đặc biệt của bộ đội và người dân.

Ông BÙI TRUNG KHÁNH (phó chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam)

Trong đêm toàn thành phố Đà Nẵng tê liệt bởi con nước dâng cao như một cơn "đại hồng thủy" tối 14-10 vừa qua, những người lính đặc công nước của tiểu đoàn 409 đóng tại Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu đã lao vào nước xiết giải cứu thành công hơn 100 người.

Ai nghe chuyện cũng nói chính những con người gan thép này đã giúp cho Đà Nẵng tránh khỏi một mất mát lớn về nhân mạng. 

Thiếu tá Lê Quang Hiệp - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công 409 (Bộ tham mưu Quân khu 5) - thì tóm tắt câu chuyện: đơn vị đóng quân dưới chân núi nhưng hằng ngày ra sông, xuống biển tập luyện và chưa ai nghĩ rằng có ngày lại cứu bà con mình gặp nước lớn ngay khu vực doanh trại.

Tìm mọi cách để đến cứu giúp dân

Con nước lớn đã rút, khi đứng xịt những vết lấm bùn trên nóc tủ, bà Võ Thị Hà (tổ 59, phường Hòa Khánh Nam) nói bà vẫn không thôi ám ảnh. 

Từ chiều 14-10, những cơn mưa rả rích bắt đầu đổ xuống khu vực Đà Sơn. Như mọi khi, ăn cơm tối xong cả nhà bà Hà lại mở tivi xem. Bản tin phát đi thông báo mưa lớn cùng lúc trong vườn nước lên nhưng khu vực này chưa bao giờ ngập nên cả nhà vẫn bình thản như thường.

Đến khi đường lúp xúp cả nhà mới tán loạn dọn đồ đạc. Vài chục phút sau thì nước đã ngang bụng. 

"Chồng tôi thấp khớp không đi được nên tôi ra sân dò. Thấy nước đã quá ngực, lại chảy xiết tôi sợ quá bỏ luôn phương án ra ngoài dù chỉ cách đường lớn chưa đầy trăm mét. Lội cho vào lại được trong nhà thì đồ đạc đã nổi lềnh bềnh" - bà Hà hãi hùng kể lại.

Vào trong nhà, từng lớp bàn ghế được kê lên. Nước tiếp tục lên, cả nhà không còn con đường nào thoát nên nhảy lên tấm đan trên nhà vệ sinh. Cả nhà gọi khắp các số điện thoại đường dây nóng để cầu cứu. Có chỗ nói đang tới nhưng đợi mãi chưa thấy. 

Bà Hà hiểu nhà mình trên núi mà ngập chắc dưới phố cũng ngập. Bốn thành viên trong gia đình đứng khom người trên tấm đan suốt nhiều giờ, trên đầu những cơn mưa nặng hạt vẫn tiếp tục rơi như búa bổ vào mái tôn.

Điện cúp, trời tối mịt. Ánh điện phát ra từ điện thoại chỉ đủ nhìn rõ mặt người. Bất chợt cả nhà thấy vệt đèn pin trong mưa. Cả nhà vui mừng tưởng đã có người đến ứng cứu nhưng thì ra là những người dân khác trong xóm đang leo mái tôn tìm đường thoát thân. Cả nhà vẫn nín thở chờ người giải cứu...

Lúc này, khi vừa đưa xong hai người dân trong kiệt đường Hoàng Văn Thái đến nơi an toàn, thiếu tá Lê Quang Hiệp nghe được thông tin trong xóm chùa đường Phạm Thị Lam Anh vẫn còn nhiều người chưa thoát ra được. 

Nước cao, xe không thể đến, bộ đội phải hạ xuồng máy. Chỗ nhiều nước thì chạy, chỗ nào mắc kẹt thì bộ đội cùng nhau vác xuồng đi qua. Đến được khu vực có người cầu cứu thì thấy cây cối chằng chịt, xuồng máy đành chịu.

Tình huống cấp thiết cứu người lúc này buộc đội giải cứu phải bơi theo đội hình, kéo theo phao và xuồng cao su vào bên trong. Khi tới nhà bà Hà, nghe tiếng đập mạnh trên mái tôn, bộ đội đã biết khu vực có người.

"Lúc đưa cả gia đình ra nước rất xiết, cháu tôi mới hơn hai tuổi, mấy anh bộ đội sợ trôi nên bỏ lên thau rồi đưa lên phao. Mẹ nó sợ quá không chịu tách con thì mấy anh nói "có chết bộ đội chết trước" nó mới bình tĩnh lại. Lúc thoát ra tôi còn đạp phải xe cộ ngập ngâm dưới nước nên loạng choạng, may mà đội hình "ba kẹp một" nên không hề chi" - bà Hà vừa kể vừa vỗ tay vào bên hông còn đau nhức.

Duyên nợ bất ngờ trong đêm đại hồng thủy - Ảnh 3.

Lực lượng của tiểu đoàn đặc công 409 trắng đêm cứu người trong đêm "đại hồng thủy" ở Đà Nẵng - Ảnh: H.CHÂU

Duyên nợ bất ngờ

Thiếu tá Lê Quang Hiệp cho biết khi hay tin nhiều khu vực xung quanh khu vực đóng quân ngập sâu, bộ đội đặc công nước đã chuyển trạng thái rất nhanh. 

Sau khi xin ý kiến rồi hội ý chớp nhoáng, thuyền máy, thuyền cao su và tất cả áo phao, phao cứu sinh trong đơn vị đều được mang ra để chia cho ba tốp xuống các khu vực có người cầu cứu. 

Trong những chuyến đầu, mỗi tốp 20 chiến sĩ ưu tiên giải cứu các gia đình có trẻ em, người già đưa về đơn vị tránh trú. Đến vùng ngập, bộ đội vừa soi đèn vừa phát loa tay để tìm người.

Nhóm của trung úy Lê Minh Huy được phân công chạy về phía khu vực nước xiết tại tổ 45 thì phát hiện ở phía trước hai mẹ con đang chới với bám vào hàng rào thép gai. Không ngần ngại, trung úy Huy cùng hai chiến sĩ khác bơi nương theo dòng nước xoáy ứng cứu. 

Ba người vật lộn, một hồi lâu giữa dòng nước mới đưa được hai mẹ con chị Trần Thị Kim Trang lên thuyền. Lúc này chị Trang cho biết cả gia đình bốn người của chị bị cuốn trôi, chồng và con trai bị nước cuốn trôi một đoạn phía trước. 

Cả nhóm tiếp tục nổ máy tìm kiếm và gọi thêm chi viện. Quần quật cả đêm đưa hơn 100 người thoát khỏi nước lũ, đến khi nước rút, trung úy Huy về lại doanh trại tìm trong số người đang trú ngụ trong doanh trại với hy vọng có chồng con chị Trang nhưng không có tin tức, mãi đến chiều hôm sau "bộ đội 409" (tức tiểu đoàn 409) mới tìm được thi thể của hai người, xót xa.

"Cả tiểu đoàn gần như chạy đua đến khi nước rút để không bỏ sót ai mắc kẹt trong lũ. Anh em đi cứu người với tâm lý rất có thể là những bà con mà mình chạm mặt hằng ngày. Nhiều trường hợp lúc giải cứu đã chới với, run lên bần bật vì đã dầm trong nước mưa 2-3 tiếng" - trung úy Huy kể.

Những chiến sĩ như trung úy Huy khi huấn luyện sẽ không tính bơi bao nhiêu km mà tính theo số giờ bơi. Nhiều ngày kế hoạch tập luyện là bơi từ sáng tới trưa, nghỉ ngơi rồi lại bơi từ trưa tới chiều. 

Vậy nên gian khổ, sức bền, lội sông, bơi biển bộ đội đặc công đều thạo. Vậy mà không ai nghĩ "đất dụng võ" lại xảy ra ngay cạnh doanh trại, dưới chân núi. Anh em tiểu đoàn 409 xem đây như là một chữ duyên đặc biệt.

Theo trung úy Nguyễn Đình Dũng, tình huống cứu người trong đêm lại phức tạp hơn rất nhiều. Bởi nước rất xiết, địa hình địa vật trong đêm rất nhiều chướng ngại. "Đêm tối nước xiết thì dù giỏi bơi mà không có bài vở cũng không xử lý được. 

Anh em phải bơi di chuyển theo dây phao được xếp hình xương cá, đảm bảo hỗ trợ cho nhau khi xảy ra sự cố" - trung úy Dũng giải thích. Suốt đêm mưa to gió lớn, "bộ đội 409" đã giải cứu thành công hơn 100 người dân phường Hòa Khánh Nam.

Ngay sau đêm trắng lội trong nước xiết cứu người, "bộ đội 409" lại bắt tay ngay vào việc giúp dân khắc phục hậu quả do bão gây ra. Lực lượng của tiểu đoàn 409 đã tham gia dọn bùn, khơi thông cống rãnh, vệ sinh trường học và đưa hơn 200m3 nước sạch đến với bà con mất nước máy sau bão.

Chị Lê Thanh Thúy, người dân tổ 31, phường Hòa Khánh Nam, nói ngay khi còn quá "ngán" với ngổn ngang đồ đạc sau con nước lớn thì được bộ đội đến giúp. "Bà con ở đây mang ơn bộ đội lắm. Từ vét bùn dọn đường cho đến cấp nước sạch, việc gì cũng thấy bộ đội có mặt" - chị Thúy nói.

Duyên nợ bất ngờ trong đêm đại hồng thủy - Ảnh 4.

Lực lượng của tiểu đoàn đặc công 409 trắng đêm cứu người trong đêm "đại hồng thủy" ở Đà Nẵng - Ảnh: H.CHÂU

"Không có bộ đội, xóm này chết chắc"

Sau khi nước rút, chúng tôi tìm lại đường Phạm Thị Lam Anh để hình dung hết cảnh hãi hùng trong đêm "đại hồng thủy". Tuyến đường này một bên là nhà cửa ken kín, một bên là những lối vào nhà bé tẹo sâu hun hút. Chỉ riêng tuyến đường này, đêm ấy bộ đội đã giải cứu gần 30 người.

Trong số những người được cứu đêm đó, có gia đình anh Nguyễn Văn Tùng có bốn đứa con mà cháu nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi. "Tôi bơi cũng được nhưng không thoát ra nổi vì còn con nhỏ mới 6 tháng. Sau khi điện cầu cứu tổ trưởng, anh khóa cửa nhà để phòng người trong nhà bị trôi.

"Lúc chờ người giải cứu tôi đã tính trong đầu phương án dùng búa phá mái tôn để thoát lên mái nhưng tôi nghĩ không biết con mình sẽ chịu mưa nổi không nếu ở trên mái nhà. Không có bộ đội vào, xóm này chết là cái chắc" - anh Tùng nói.

Xót lắm hạt thóc lên mầm sau lũ... Xót lắm hạt thóc lên mầm sau lũ...

TTO - Mảnh đất miền Trung lắm nắng nhiều mưa, vất vả quanh năm với bão lũ, hạn hán khắc nghiệt vừa đớn đau đón bão dữ, lũ quét kinh hoàng.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên