02/11/2016 10:00 GMT+7

Duterte - Tổng thống bình dân - Kỳ 4: Công lý bìa cactông

QUỲNH TRUNG chuyển ngữ
QUỲNH TRUNG chuyển ngữ

TTO - Kể từ khi ông Rodrigo Duterte - một chính khách không thuộc đảng phái nào - trở thành tổng thống ở Philippines từ cuối tháng 6 năm nay, trung bình mỗi ngày có 36 nghi phạm ma túy tử vong.

Người dân trợ giúp một người bán hàng rong thất thần khi thấy thi thể người bị bắn ở Manila hôm 18-10. Trên xe đậu gần thi thể có tấm biển ghi dòng chữ
Người dân trợ giúp một người bán hàng rong thất thần khi thấy thi thể người bị bắn ở Manila hôm 18-10. Trên xe đậu gần thi thể có tấm biển ghi dòng chữ "Pusher ako, wag tularan" (có nghĩa “Tôi là người bán ma túy, đừng để giống tôi”) - Ảnh: Reuters

Họ bị giết hại dã man không qua xét xử. Đầu họ bị quấn băng keo và trên ngực gắn một miếng bìa cactông với dòng chữ: “Tôi là kẻ buôn ma túy bất hợp pháp”.

Muốn gieo rắc sợ hãi

“Tôi sẽ giết các người”. Đó là thông điệp mà Tổng thống Duterte lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các bài phát biểu thi thoảng có pha lời chửi thề của mình. Ông công khai thừa nhận muốn gieo hạt giống sợ hãi thông qua chiến dịch tấn công tội phạm ma túy mà cho đến nay đã khiến ít nhất 3.600 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân vô tội.

Trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống của ông Duterte, 800.000 người nghiện và buôn ma túy trên cả nước đã trình diện nhà chức trách xin được hưởng khoan hồng vì lo sợ cho cuộc sống của họ.

Theo “danh sách giết người” do nhật báo Inquirer công bố gần đây, 959 trong 1.278 vụ giết người liên quan đến thuốc được báo cáo về quả thực có liên quan đến ma túy, hoặc bị nghi ngờ buôn bán, cung cấp ma túy hay điều hành các ổ ma túy.

49 người có liên quan ma túy đã thú nhận với chính quyền nhưng cũng bị bắn hạ; 6 người đã trình diện nhưng bị cáo buộc “quay trở lại nghề cũ” nên bị bắn hạ; 16 người, hoặc tình cờ có mặt trong lúc cảnh sát tấn công nghi phạm ma túy, hoặc có liên quan đến người sử dụng hay con buôn ma túy, bị giết oan ức.

Một trong số đó là Danica May, bé gái 5 tuổi mà ông nội em có tên trong danh sách theo dõi của chính phủ. Cảnh sát bắn vào ông của Danica nhưng đạn trúng vào đầu bé. Ông nội của bé, Maximo Garcia, bị bắn trúng dạ dày nhưng may mắn sống sót.

Hồi tháng 9, một bé gái khác tên Althea, 4 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết ở khu vực phía đông nam Philippines cùng với cha cô bé. Lúc cảnh sát nổ súng, Althea đang ở cùng với cha là Alrick Barbon, 31 tuổi - người đứng thứ năm trong danh sách các nghi phạm ma túy ở thành phố.

Cả hai cha con đều thiệt mạng. Cảnh sát nói đó chỉ là một cuộc đụng độ, viện lý do nghi phạm ma túy đã chống trả và trời tối làm cho họ khó thấy rõ anh ta đang ở cùng với con gái.

Danica May và Althea được gọi đơn giản là “thiệt hại bên lề” trong chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte. Như một cách đương nhiên phải chấp nhận!

Dù nhiều người đã đệ trình các cáo buộc chống lại cảnh sát, nhưng các lãnh đạo của cảnh sát quốc gia Philippines chỉ xem đó như là một vụ giết người đơn giản và không phải là một vụ giết ngoài vòng pháp luật.

Ông ấy có nguy cơ mất nguồn vốn chính trị của mình nếu tiếp tục gắn bó với cuộc chiến chống ma túy. Ông ấy nên đa dạng hóa các chương trình của mình và kết thúc nỗi ám ảnh vào cuộc chiến chống ma túy

RICHARD HEYDARIAN (chuyên gia chính trị của Philippines)

Thách thức của “công lý bìa cactông”

Những người chỉ trích gọi cuộc chiến chống ma túy mà ông Duterte khởi xướng là “công lý bìa cactông” - một biện pháp ngắn hạn nhằm kiềm chế các hoạt động mua bán ma túy bất hợp pháp đang lan tràn mạnh mẽ trong những năm gần đây ở Philippines. Những người phản đối cho rằng chắc chắn biện pháp này sẽ không giải quyết các mối đe dọa ma túy trong dài hạn và chi phí xã hội có thể vượt quá mức khả năng chính phủ.

Nhiều vấn đề phức tạp và đầy thách thức đang chờ giới chức trách Philippines với nhiệm vụ tái hòa nhập cho khoảng 800.000 người nghiện đã trình diện với chính phủ. Họ sẽ đi đâu, về đâu? Những người thắng cuộc và thua cuộc thật sự ở đây là ai?

Ông Anton Hernandez, thứ trưởng Bộ Phát triển và phúc lợi xã hội của Philippines (DSWD), thừa nhận ngân sách và nguồn lực của 29.000 nhân viên của bộ không đủ để giải quyết vấn đề tái hòa nhập này. “Tôi được giao nhiệm vụ lập kế hoạch về việc làm thế nào để thực hiện việc này. Đó thực sự là một thách thức đối với tất cả chúng tôi”, ông Hernandez không giấu giếm.

Hiện DSWD đang căng kéo để phân phối ngân sách 1,7 tỉ peso (35 triệu USD) trong năm 2017. Hầu hết những người sử dụng ma túy đã trình diện chính quyền đang trở lại với cộng đồng của mình sau khi ký một bản cam kết với các quan chức địa phương rằng họ sẽ ngừng sử dụng ma túy.

Không chỉ bị công kích từ nước ngoài, tính chất bạo lực “tiền trảm hậu tấu” của cuộc chiến chống ma túy tại Philippines cũng đang gặp phản kháng từ trong nước. Cô Rose Trajano, tổng thư ký Liên minh Những người ủng hộ nhân quyền ở Philippines, đã đả kích quyết liệt văn hóa không bị trừng phạt và bạo lực trong nước.

“Nền văn hóa của việc không bị trừng phạt phổ biến và lan tràn đã khuyến khích các thủ phạm của hành vi giết người theo phong cách giết không qua xét xử”, cô Trajano phân tích.

Cô Trajano, cũng là thành viên của iDefend - một mạng lưới các tổ chức, cá nhân phản đối việc giết người tràn lan ở Philippines, lưu ý tình trạng nhân quyền ở Philippines hiện đang bị đe dọa vì các quan chức hàng đầu của chính phủ đã làm sai lệch đi các khái niệm cơ bản về quyền con người.

“Người dân đang bối rối. Bây giờ họ tin rằng họ đã làm đúng khi tước đoạt quyền được sống của một con người bởi vì người đó là một tên tội phạm” - cô Trajano nhấn mạnh. Cô tin rằng chi phí xã hội trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte sẽ rất bi thảm đối với xã hội Philippines trong thời gian dài sắp tới.

Trao đổi với người viết, nhà nghiên cứu chính trị Richard Heydarian khuyên Tổng thống Duterte nên kết thúc sự “bám trụ” của ông ấy đối với cuộc chiến chống ma túy. Ông Heydarian trích dẫn các kết quả của một cuộc khảo sát tiến hành vào tháng trước cho thấy 8 trong 10 người Philippines đang “hài lòng” với chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte. Nhưng, 71% số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết việc nghi phạm ma túy bị bắt sống là “rất quan trọng”.

NINYA CALLEJA (nhà báo Philippines)

Mỹ tạm ngừng bán vũ khí

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đình chỉ thương vụ bán khoảng 26.000 khẩu súng trường cho cảnh sát quốc gia Philippines sau khi vấp phải sự phản đối từ giới nghị sĩ.

Ngày 31-10, các phụ tá của thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin cho biết ông Cardin không ủng hộ thương vụ vũ khí này do lo ngại trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của lực lượng an ninh Philippines có thể xảy ra các hành vi vi phạm nhân quyền. Thượng nghị sĩ Cardin là một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát Philippines, hơn 3.300 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy đã bị tiêu diệt kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức ngày 30-6 vừa qua. Cảnh sát đã tiến hành gần 19.000 chiến dịch truy lùng tội phạm ma túy và bắt giữ hơn 18.000 nghi can.

TÚ ANH

__________

Kỳ tới: “Lệ làng” hùa “phép vua”

QUỲNH TRUNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên