01/09/2011 07:12 GMT+7

Đường Thiên Lý giữa Sài Gòn - Kỳ 2: Thị Nghè kháng chiến

TruongUy
TruongUy

TT - Trong danh sách các cựu chiến binh của tổ 61, khu phố 4, phường 19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vẫn còn ghi chú rõ ràng dưới tên ông Trần Văn Dũng: “Chiến sĩ mặt trận Thị Nghè 1945”, dù ông Dũng mất đã gần chục năm.

Ông Trần Thanh Trung ngồi nhìn ra tấm bia tưởng niệm đặt dưới chân cầu, nhắc: “Ba tôi tham gia Lực lượng Thanh niên tiền phong, Thanh niên cứu quốc, tham gia Cách mạng Tháng Tám, rồi chiến đấu ở mặt trận Thị Nghè này năm ông 17 tuổi”...

Bước chân của lịch sử thì đã bước trên cầu Thị Nghè từ trước đó rất lâu.

Kỳ 1: Xuyên thành Gia Định

6fleVNOK.jpgPhóng to
Mô hình mặt trận Thị Nghè một tháng cầm chân quân Pháp trong nội ô những ngày đầu cuộc kháng chiến - Ảnh: Tự Trung
ggKgyuFk.jpgPhóng to
Vườn ông Thượng sục sôi những ngày Cách mạng tháng 8 - Ảnh tư liệu

Dấu ấn vườn Ông Thượng

Sáng 16-2-1859, tàu Avalanche của Pháp đi vào rạch Thị Nghè để thám thính thành Gia Định. Ngày hôm sau, sáu con tàu Pháp tiếp tục tiến vào và tấn công. Sau những trái đại bác và đổ bộ, quân Pháp đã tiến được vào cửa Bắc (cửa hướng ra rạch Thị Nghè). 10g sáng hôm ấy Gia Định thành thất thủ. Sợ không giữ được tòa thành rộng lớn, thuốc nổ được quân Pháp đặt để phá sập nhiều đoạn tường thành, các dinh thự, kho tàng bị đốt. Tài liệu của người Pháp ghi lại: “Kho thóc thành Gia Định cháy đến hơn hai năm mà khói vẫn còn nghi ngút...”.

Mất nước. Những đêm dài nô lệ bắt đầu.

Ông Dũng không còn để kể chuyện nhưng chắc hẳn nỗi đau xót Bến Nghé của tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây đã thấm vào trong ông từ lâu lắm, từ những ký ức của cha ông, từ tiếng gót giày đinh lính Pháp gõ trên cầu Thị Nghè, vỏ gươm lính Nhật kéo lệt sệt trên đường chợ mỗi ngày. Thấm vào và tươm ra để rồi những ngày tháng 8-1945 ấy, cậu con trai 17 tuổi hăng hái gia nhập lực lượng Thanh niên tiền phong, cầm gậy tầm vông đi mittinh, đi cướp chính quyền và đi thẳng vào cuộc kháng chiến.

Lý lịch của ông Dũng ghi ngày tham gia cách mạng là 19-8-1945. Ấy là ngày hơn 50.000 người dân Sài Gòn tham gia cuộc tuyên thệ lần thứ hai của lực lượng Thanh niên tiền phong tại vườn Ông Thượng. Những cây dầu, cây sao, cây gõ trong vườn và dọc hai bên đường Nguyễn Thị Minh Khai hôm nay, Chasseloup Laubat hôm đó, đã rung lên cùng bài diễn thuyết của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cùng hòa reo với tiếng ca “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi...” của những đoàn thanh niên tiền phong, phụ nữ tiền phong và cả phụ lão tiền phong.

GS Trần Văn Giàu, người đã trưởng thành và học được tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái” ở ngay ngôi trường Chasseloup Laubat để rồi trở thành một người cộng sản, đã kể lại: “Nội dung tuyên thệ hôm đó: “Thời cơ giành độc lập dân tộc đã đến, thanh niên hãy siết chặt hàng ngũ sẵn sàng chiến đấu. Trung thành với Tổ quốc, với đồng bào. Sẵn sàng hiến dâng đến giọt máu cuối cùng cho độc lập dân tộc”. Tất cả thanh niên đều cùng quỳ xuống, tay nắm chặt giơ cao hô “Xin thề”. Sau đó cuộc diễu hành bắt đầu từ đường Chasseloup Laubat tỏa ra các ngả...”.

Ở Thị Nghè hôm nay nhiều người còn nhớ tên Nguyễn Bân, vốn là thủ lĩnh lực lượng phòng thủ thụ động do Pháp lập ra, những ngày tháng tám ấy đã trở thành tráng trưởng của Lực lượng Thanh niên tiền phong Thị Nghè. Từng đoàn thanh niên với đồng phục áo sơmi cộc tay trắng, quần sậm, nón bàng xuất hiện với cuốc xẻng, tầm vông vạt nhọn trên tay, nụ cười và những bài hát trên môi, xăng xái giúp đồng bào dọn dẹp những đổ nát gây ra bởi cuộc giao tranh, luyện tập quân sự bảo vệ xóm làng...

Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Một tuần sau, chính quyền về tay những con người đã quyết chọn “Độc lập hay là chết”.

Một tháng bên cầu Thị Nghè

Chính quyền non trẻ ra đời chưa đầy một tháng, súng đã lại nổ. Lệnh tản cư để lại một Sài Gòn “không điện, không nước, không lương thực, không người” được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ban hành. Hàng đoàn người đi khỏi thành phố qua những cây cầu, những con đường. Lửa cháy đỏ rực bao quanh thành phố, cầu Thị Nghè được chọn làm Mặt trận số 1 mở đầu Nam bộ kháng chiến, quân Pháp bị nhốt lại trong nội thành, lực lượng kháng chiến chiếm giữ khu vực ngoại ô.

Các nhà báo Sài Gòn thời bấy giờ như Trần Tấn Quốc, Nguyễn Kỳ Nam đã ghi nhận lại: “Sài Gòn, thành phố chết! Hòn ngọc Viễn Đông đã biến thành một cảnh hoang vu, không một chút nào hoạt động. Người Việt đàn ông, đàn bà, già trẻ đã ra khỏi châu thành. Xe cộ đã ngừng hẳn, không một ai ra đường”...

Dưới chân cầu Thị Nghè hiện giờ, một tấm bia lớn ghi nhớ: “Tại cầu này ngay từ sáng sớm 23-9-1945, quân và dân Thị Nghè cùng nhân dân thành phố vũ trang bằng vũ khí thô sơ, đã lập mặt trận cầu Thị Nghè chặn đứng quân Pháp gần hàng tháng trời không cho nống ra ngoại thành thành phố...”.

Ở Nhà bảo tàng quận Bình Thạnh, sa bàn tái hiện cảnh phòng tuyến được giăng ra bằng cây to, bụi rậm, bàn ghế, giường tủ, xe bò, xe kéo, quầy hàng. “Cha tôi kể ngoài chợ, trong nhà có gì thì dân đều đem ra để làm chướng ngại vật”, ông Trung nói. Đội quân ở Mặt trận số 1 này được lịch sử gọi tên là bộ đội Nguyễn Bân. Điểm chỉ huy của ông Nguyễn Bân đóng tại đình Cầu Sơn, mặt trận là chân cầu, mặt cầu Thị Nghè với những chàng trai tuổi 17 như ông Dũng, vũ khí chỉ có vài khẩu súng, còn lại là mã tấu, dao găm. Cứ như thế mà những trận chiến đã diễn ra lúc ác liệt, lúc giằng co suốt gần một tháng. Cho đến ngày 18-10, quân Pháp tập trung mọi lực lượng trên mặt cầu, đạn pháo ác liệt, cán cân quá chênh lệch, quân kháng chiến mới tạm rút lui.

Từ những hăng hái tuổi trẻ ban đầu, ông Dũng cùng em trai, chị gái đã dấn thân vào cuộc kháng chiến từ cầu Thị Nghè. Ba lần bị bắt vào các năm 1947, 1948, 1949, ông lần lượt kinh qua đủ các nhà lao Catinat, Phú Lâm, Chí Hòa, Biên Hòa cho đến ngày tập kết ra Bắc. Chị gái Trần Thị Lát và em trai Trần Văn Tề của ông lần lượt hi sinh trong những trận đánh du kích ở khu vực Thị Nghè năm 1949, 1950, mãi mãi nằm lại lòng đất mẹ. Hòa bình, trở về Nam ông Dũng lại đưa gia đình quay về cầu Thị Nghè, sắm một căn nhà nhỏ, ngày ngày nhìn ra tấm bia tưởng niệm.

Thị Nghè, cái tên ấy còn vang dội một lần nữa trong những ngày đầu kháng chiến. Ấy là đêm 8-4-1946, một sĩ quan Nhật đã đầu hàng Việt Minh dẫn đường cho hai cảm tử quân lội qua sông Thị Nghè chui vào một miệng cống lớn. Miệng cống này dẫn thẳng vào kho đạn của Pháp đặt cạnh Sở thú. Thuốc súng, chất dẫn cháy, dây tim được cài đặt vào một hầm chứa đạn và một mồi lửa được đốt lên. Một tiếng nổ dẫn theo nhiều tiếng nổ khác, các hầm đạn liên tiếp cháy, nổ, vang động cả một vùng suốt mấy ngày đêm cho đến ngày 12-4 mới dứt. Hai chiến sĩ cảm tử là công nhân Nhà đèn Chợ Quán đã không kịp rút ra vì gặp con nước lớn, tiếng nổ đầu tiên vang lên cũng chính là lúc họ hi sinh. Sau này người ta chỉ biết hai anh tên là Kỷ và Nỉ.

Gần 30 năm sau kể từ ngày ấy, nhân dân Thị Nghè mới lại có dịp cờ hoa tưng bừng đón đoàn xe tăng vào thành phố, thống nhất đất nước. Trong 30 năm ấy, những dấu ấn của con đường Thiên Lý - Chasseloup Laubat - Hồng Thập Tự - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai là rất dài. Dài như lịch sử.

-----------------------------------------------------

Ký ức của một người trong cuộc về những ngày đấu tranh sục sôi cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc diễn ra trên con đường thuở mang tên Hồng Thập Tự.

Kỳ tới: Ký ức Huỳnh Tấn Mẫm

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên