15/01/2020 08:28 GMT+7

Đường phố giáp tết kẹt cứng

THU DUNG - PHƯỚC TUẦN - CHÂU TUẤN - NAM TRẦN
THU DUNG - PHƯỚC TUẦN - CHÂU TUẤN - NAM TRẦN

TTO - Nhiều tuyến đường tại TP.HCM và Hà Nội xe đi lại chật như nêm những ngày giáp Tết Canh Tý.

Đường phố giáp tết kẹt cứng - Ảnh 1.

Ùn xe kéo dài trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM chiều 14-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 14-1 (20 tháng chạp), hầu hết các con đường kết nối bến xe, sân bay ở TP.HCM... đều kẹt cứng. Ở trung tâm TP, các tuyến đường tập trung nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, khu mua sắm... cũng ùn tắc.

TP.HCM, Hà Nội đều ùn ứ

Tại TP.HCM, mới hơn 7h sáng 14-1, dọc các đường Đồng Khởi, Hai Bà Trưng... (quận 1, quận 3), Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3)... xe cộ đông đúc nhích từng chút một trên đường. Nhiều người đi xe máy buộc phải leo lên lề chạy để thoát khỏi dòng xe đông đúc.

Tương tự ở các đường cửa ngõ sân bay như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm... hay đường ra vào bến xe Miền Đông như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Quang Định... xe cộ cũng chen chúc, di chuyển rất chậm. Chiều 14-1, cả đường Cộng Hòa kẹt dài cả đường, khu vực Lăng Cha Cả kẹt cứng các hướng quanh cầu vượt.

Không chỉ nội thành, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong chiều 14-1 cũng đã xảy ra ùn ứ kéo dài.

Đường phố giáp tết kẹt cứng - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Tiến ở trọ đường Mai Lão Bạng (P.13, Q.Tân Bình) lái xe cho công ty chuyển phát nhanh cho biết những ngày cuối năm đơn hàng quá tải, tài xế phải chạy liên tục nên các tuyến đường ra vào trung tâm đông đúc xe vận chuyển. 

Ngoài ra, nhiều cửa hàng thường xuyên bán hàng giảm giá ngay trên lề đường, người dân đến mua đã đậu xe ngay trên đường nên dẫn đến tình trạng kẹt xe. 

Những nguyên nhân khác gây kẹt xe còn do đường phố xuất hiện quá nhiều xe công nghệ, nhất là xe hơi công nghệ, rồi dòng người tấp nập đổ về quê...

Trong khi đó ở Hà Nội, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều trục đường chính vào chiều tối 14-1 như vành đai 3, đường Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh... tình trạng ùn tắc kéo dài. Một số tuyến đường có công trình xây dựng như Xuân Thủy, Kim Mã, Trường Chinh tình trạng giao thông ùn tắc diễn ra gần như cả ngày.

Theo ghi nhận, những ngày này lượng xe vận chuyển đồ tết, cây cảnh hoạt động nhiều và liên tục là một trong những nguyên nhân gây tắc đường nghiêm trọng. Ngoài ra, do nhu cầu đi lại tăng cao nên nhiều xe bất chấp luật lệ giao thông đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ để mong nhanh chóng thoát khỏi tình trạng ùn tắc khiến tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.

Đường phố giáp tết kẹt cứng - Ảnh 3.

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà - Tây Sơn, Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt giờ cao điểm - Ảnh: NAM TRẦN

Gỡ ùn tắc từ xa

Theo ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông những ngày trước và sau tết, sở cùng các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều kế hoạch xử lý.

Cụ thể từ hôm qua 14-1, lực lượng liên ngành gồm Sở GTVT TP.HCM, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP, công an các quận, huyện, lực lượng thanh niên xung phong... tăng cường 100% quân số túc trực 24/7 ở các điểm nóng giao thông, những điểm có nguy cơ ùn tắc. Các lực lượng có trách nhiệm điều tiết giao thông, phát hiện và xử lý các sự cố giao thông.

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cát Lái, có tổ phản ứng nhanh tác chiến trực tiếp thông qua các nhóm trên Viber, Facebook, Zalo. 

Khi xảy ra các sự cố giao thông, các nhóm này sẽ cập nhật hình ảnh nhanh nhất từ camera, lập tức họp bàn đưa ra phương án xử lý không để xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng lịch trình đi lại của người dân. 

Bất cứ sự cố giao thông nào xảy ra ở hai khu vực này phải được giám sát qua camera phát hiện trong vòng 1 phút đến 4 phút, xử lý xong trong khoảng thời gian từ 20 phút đến 30 phút.

Đường phố giáp tết kẹt cứng - Ảnh 4.

Công an P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM xuống đường hỗ trợ cảnh sát giao thông phân luồng tránh kẹt xe tại ngã ba Phan Đình Phùng - Huỳnh Văn Bánh sáng 14-1 - Ảnh: T.T.D.

Một giải pháp khác được các đơn vị đưa ra là thông qua trung tâm giám sát và điều khiển giao thông để giám sát 24/24 tình hình giao thông tại các điểm nóng như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, ga Sài Gòn... và các tuyến đường xung quanh. Điều này giúp lực lượng chức năng phát hiện nguy cơ ùn tắc từ xa, chủ động lên phương án phân luồng.

Hiện nay Sở GTVT đã có lộ trình dự phòng cho xe khách di chuyển từ bến xe Miền Đông về cửa ngõ phía đông (và hướng ngược lại), bến xe Miền Tây về cửa ngõ phía tây (và hướng ngược lại). Khi có sự cố ùn tắc, các bến, doanh nghiệp triển khai ngay cho tài xế đi vào lộ trình dự phòng để đảm bảo hành trình người dân về quê đón tết không bị ảnh hưởng.

Sở GTVT cũng đề nghị cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tuần tra liên tục quanh các bến xe, khu vực thường xuyên có "xe dù, bến cóc". Xử phạt thật nặng các trường hợp dừng, đậu xe không đúng nơi quy định, chiếm dụng lòng đường gây cản trở giao thông. Giải tỏa được vấn nạn này thì đường sá sẽ trở nên thông thoáng hơn, nhất là dịp giáp tết.

Đặc biệt, người dân trước khi đi lại nên tham khảo thông tin về tình trạng giao thông, cảnh báo giao thông trên cổng thông tin giao thông TP.HCM. Trên cổng thông tin này thể hiện thực tế tình trạng giao thông trên đường, khu vực nào bị đông xe, ùn tắc, sự cố... Từ đó, người dân có thể tự điều chỉnh lộ trình cho phù hợp. 

"Chúng ta có thể thay đổi giờ giấc đi lại để hạn chế gặp tình trạng kẹt xe kéo dài càng mất thời gian, mệt mỏi" - ông Hưng nói.

Đường phố giáp tết kẹt cứng - Ảnh 5.

Kẹt xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM tối 14-1 - Ảnh: QUAN G ĐỊNH

Đường về miền Tây "bất động"

Chiều 14-1, quốc lộ 60 ở cả hai phía cầu Rạch Miễu thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, dòng xe xếp hàng dài trên 5km "nằm bất động". Khi xe từ hướng này lên cầu thì ở hướng ngược lại phải tạm dừng để chờ, cứ thế dòng xe sau khi nhích khoảng vài chục mét lại phải nằm đợi hàng chục phút... Đến lúc qua được cầu Rạch Miễu có khi phải mất vài giờ.

Dù chưa phải là ngày cao điểm nhưng với lượng xe đổ về tỉnh Bến Tre trong những ngày này để chở hoa phục vụ tết, tuyến quốc lộ 60 trở nên quá tải dẫn đến kẹt xe nghiêm trọng.

Kẹt xe do hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu thực tế của lượng phương tiện chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân khác là có rất nhiều tài xế ôtô thiếu ý thức chạy lấn vào làn xe 2 bánh hoặc ngược lại. Tình trạng này phổ biến nhất trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Theo tài xế Trần Đức Hiền (Bạc Liêu): "Tình trạng 2 xe chạy song song ở 2 làn, tất cả các xe phía sau không đủ khoảng trống để vượt lên mà phải rồng rắn nối đuôi nhau. Thứ hai là tình trạng ôtô lấn làn xe máy. Cảnh này phổ biến ngay cầu Mỹ Đức Đông trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang".

Ông Hà Ngọc Nam, phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, cho biết nhằm hạn chế ùn tắc giao thông qua cầu Rạch Miễu trong những ngày trước, trong và sau tết, đơn vị sẽ phối hợp cảnh sát giao thông tiếp tục tuyên truyền phát tờ rơi đến các xe, không lưu thông vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, việc cấm xe có trọng tải trên 16 tấn sẽ được áp dụng trong thời gian tết. (MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC)

Trạm thu phí phải xả trạm Trạm thu phí phải xả trạm 'giải cứu' kẹt xe cho TP.HCM dịp Tết Nguyên đán

TTO - Ngày 14-1, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại TP.HCM.

THU DUNG - PHƯỚC TUẦN - CHÂU TUẤN - NAM TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên