02/04/2011 04:12 GMT+7

Dưới mái Âm Linh tự

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Những ngày điền dã tìm lại nguồn cội Lý Sơn, TS Nguyễn Đăng Vũ đã lặng người trước các lễ cúng bi tráng của người dân đảo. Nó vừa da diết tình cảm với phận người treo mình trên đầu sóng ngọn gió, vừa bừng lên hào khí can trường của tổ tiên trước biển cả bao la. Đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã ám ảnh TS Vũ suốt nhiều năm...

6dPTbZnb.jpgPhóng to

Thắp nén hương nơi bàn thờ tiền nhân đã hi sinh vì chủ quyền Tổ quốc ở Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Đền thờ liệt sĩ trên biển

Gần 20 năm kể từ lần đầu được tham dự lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn, TS Vũ vẫn nhớ mãi cảm giác bần thần xúc động dưới mái Âm Linh tự, ngôi đền thờ liệt sĩ Hoàng Sa. Ông phải bặm môi để kìm những giọt nước mắt trước khói hương và lời tế chiêu hồn thống thiết tổ tiên đã hi sinh ngoài biển xa của Tổ quốc.

Những hình ảnh đó tác động TS Vũ đến mức ông đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để tìm hiểu riêng lễ cúng đặc biệt này. Chính ông đã góp phần quan trọng để phát triển lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thành quy mô lớn của tỉnh Quảng Ngãi và được nhân dân cả nước xúc động hướng về.

TS Vũ tâm sự chưa thể biết chính xác lễ này chính thức bắt đầu từ thời điểm nào trong lịch sử, nhưng nó phát xuất từ việc thành lập những hải đội Hoàng Sa của triều đình nước Việt để thu lượm sản vật, đo đạc thủy trình. Thuở đó, những thủy binh Hoàng Sa còn phải đi trên những chiếc thuyền buồm nhỏ và dùng sức chèo.

Mỗi thuyền chỉ chở được vài người để dễ luồn lách trong các bãi rạn của quần đảo Hoàng Sa. Sự mong manh sinh tử, sẵn sàng hiến dâng sinh mạng cho Tổ quốc đó còn được thể hiện bi tráng bằng chính hành trang mang theo của mỗi thủy quân đều có chiếc chiếu, nẹp tre và dây mây. Nếu họ chết, đồng đội sẽ dùng chính những thứ này để bó thi thể người xấu số thả xuống biển, hi vọng sẽ trôi dạt được về quê hương!

Các cụ cao niên ở Lý Sơn bùi ngùi tâm sự với TS Vũ: “Chính vì sứ mệnh đi Hoàng Sa rất nguy hiểm nên lễ khao lề thế lính được thực hiện để tạm yên lòng tráng binh ngày ra đi và bớt phần nào lo lắng cho người tiễn đưa!”. Tuy nhiên, nghiên cứu của TS Vũ còn phát hiện thêm ý nghĩa quan trọng của lễ tế này còn là để thờ cúng hương hồn liệt sĩ đã hi sinh trên biển.

Và Âm Linh tự với hàng chữ “Chiến sĩ trận vong” trước cổng chính là ngôi đền liệt sĩ thủy quân đặc biệt của Tổ quốc. TS Vũ kể không ai có thể kìm được xúc động khi chứng kiến cảnh hậu duệ những hùng binh Hoàng Sa năm xưa lặng lẽ nặn hình nhân thả trôi trên biển. Họ cầu nguyện và hi vọng những hình nhân này sẽ gánh rủi ro, thế mạng cho người tráng binh thật khi ra khơi.

Bao lớp thủy quân của Hải đội Hoàng Sa lịch sử đã ra khơi đầu không ngoảnh lại. Dấu tích của họ hiện chỉ còn những nấm mộ chiêu hồn không hài cốt ở Lý Sơn. Chính vì vậy, trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa luôn nặng phần cúng tế những hùng binh đã hi sinh.

Và văn điếu bi tráng đã làm thổn thức trái tim người ở lại: “...Cúi nghĩ cõi u minh khó lòng tưởng tượng, chất trong chất đục phong hóa từ đầu. Ngoảnh sang đông, hướng về tây, hướng đi mơ màng dễ dàng lạc bến. Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo lòng dễ mến yêu. Thủy phủ khiến sức nước ngưng, buổi sáng trong veo như trang điểm, cho hồn các vị tựa hàng tiên. Tiếng sóng động đông dài, tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt. Ngóng hồn thiêng xa vời vợi, mong được hàm ơn...”.

Ngày 20 tháng 2 âm lịch là lễ chính để chuẩn bị tiễn đoàn quân vượt biển. Các cụ cao niên kể rằng những người lính chuẩn bị đi Hoàng Sa đứng hai hàng hầu thần suốt buổi tế lễ. Trưởng tộc chủ bái, trưởng các chi phái bồi tế và thầy pháp sẽ là người điều hành chung lễ tế. Các buổi lễ nối tiếp nhau kéo dài suốt ba ngày. Nó chỉ kết thúc khi đoàn thuyền giả có các hình nhân thế lính được thả ra đại dương.

Thấm đẫm hồn Tổ quốc

Nhiều năm lang thang điền dã, nghiên cứu quê hương Hải đội Hoàng Sa, tự sâu thẳm trái tim TS Vũ hiểu mỗi nắm cát, viên đá, nấm mộ chiêu hồn nơi đây đều thấm đẫm lịch sử bi hùng của tổ tiên. Ông đã nhiều lần gặp gỡ các tộc họ Phạm, Võ, Nguyễn, Đặng... để trình bày ước nguyện được tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thật trang trọng.

Trước đây, lễ cúng này thường chỉ được thực hiện quy mô rải rác trong từng gia tộc và năm có năm không. Rất may không chỉ hậu duệ các hùng binh ở đảo tán thành ý tưởng của TS Vũ mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đồng cảm. Rồi các nhà nghiên cứu Hoàng Sa như TS Nguyễn Nhã cũng nhiệt tình hưởng ứng, giúp đỡ ông.

Đây là thời gian ông có mặt liên tục ở Lý Sơn, dù hồi đó còn phải vượt biển trên những chiếc tàu gỗ nhỏ xíu giữa mùa dông gió. Ông chở luôn xe máy ra để tiện đi lại. Thậm chí có lần ông đưa cả vợ con ra để đồng cảm công việc ý nghĩa này. Nhà khách lúc đó chưa có. Họ phải ăn nhờ ở đậu nhà dân. TS Vũ nhớ lễ khao lề thế lính đầu tiên lớn nhất được thực hiện ở Lý Sơn vào tháng 2, mùa xuân năm 2005.

Suốt nhiều ngày liền các tộc họ Phạm, Võ, Nguyễn, Dương, Đặng... háo hức chuẩn bị chu đáo cho đại lễ linh thiêng. Họ thành kính làm những chiếc thuyền giả, những hình nhân tượng trưng cho thủy quân Hoàng Sa. Trên các thuyền có đầy đủ vật dụng của thủy quân như nước uống, gạo, muối và cũng không quên những thanh tre, sợi mây, manh chiếu để bó thi hài người lính hi sinh.

Đặc biệt, trong buổi lễ còn có cả linh vị thờ những người đã đi Hoàng Sa không về. TS Vũ kể đã phải mời một thầy cúng cao tuổi là người gốc Lý Sơn đang sinh sống ở Đồng Nai về điều hành chung tế lễ. Không chỉ yếu tố tâm linh, thầy cúng này còn là truyền nhân duy nhất của gia tộc nhiều đời làm thầy cúng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đại lễ mùa xuân 2005 tưởng nhớ những hùng binh đi Hoàng Sa hi sinh đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Đến năm 2008, lễ lại được tổ chức trên hòn đảo này trong không khí cả nước vọng hướng về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Người Lý Sơn đi xa cũng về tham dự đại lễ trọng đại. TS Vũ rưng rưng tâm sự những ngày đó ông thức trắng trên đảo và lòng cuộn trào những cảm xúc thiêng liêng khó tả.

Ánh mắt những người tham dự đại lễ bùi ngùi hướng vọng ra biển khơi, nơi những người con nước Việt năm xưa từng giong thuyền ra đi, và đó cũng là nơi có quần đảo Hoàng Sa từng thấm đẫm máu xương dân tộc. Dù thời gian có trôi qua, dù biển Đông nhiều lần dậy sóng, song quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được khắc ghi bất tử trong mỗi trái tim người Việt.

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bí ẩn dưới nấm mộ chiêu hồn Kỳ 2: Giải mã cổ thư Kỳ 3: Bí ẩn sau tờ lệnh Hoàng Sa

Đón đọc số tới

Người nghèo vượt khó

Giá cả leo thang, những biến động kinh tế đang tác động đến một bộ phận không nhỏ người nghèo. Mỗi ngày họ phải đối diện với “bài toán khó” của tiền nong, chợ búa, việc làm, thu nhập... Người nghèo đang xoay xở ra sao?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên