Là con dân xứ biển miền Trung, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ từng rơi nước mắt chứng kiến bao cảnh ra đi không về của phận người can trường treo mình trên đầu sóng ngọn gió. Rồi nhiều lần vượt đại dương ra Lý Sơn, sâu thẳm trái tim ông còn hiểu thêm rằng mỗi tấc đất trên hòn đảo linh thiêng đều thấm đẫm hào khí dân tộc.
Và nhiều nấm mộ chiêu hồn nơi phên giậu Tổ quốc này đã thành chứng nhân cho bao lớp tiền nhân dũng cảm tiến ra biển, hiến xác thân mình cho chủ quyền đất nước...
Những đụn cát linh thiêng
Các bậc cao niên ở Lý Sơn tâm sự với TS Vũ rằng hàng trăm nấm mộ chiêu hồn đã được tạo lập rải rác khắp đảo kể từ thời tổ tiên họ giong thuyền ra lập nghiệp trên đảo từ thế kỷ 16-17.
Dòng chảy thời gian đã xóa nhòa bao dấu tích tiền nhân. Nhưng nhiều nấm mộ dù chỉ còn là đụn cát lơ thơ không bia đá vẫn được nhiều đời truyền lưu công đức người đã khuất!
Dù đã hàng trăm chuyến ngược xuôi ra Lý Sơn, nhưng TS Vũ lần nào đặt chân lên đảo cũng dành thời gian thắp hương trên những nấm mộ đặc biệt không có hài cốt này. Đó là nơi yên nghỉ của hương hồn thủy quân chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật, cai đội Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám...
Chính sử triều Nguyễn cùng tài liệu cổ của các gia tộc Lý Sơn đều kể đó là những tổ tiên đã lãnh sứ mệnh thiêng liêng giong buồm ra Hoàng Sa. Và nhiều người đã vĩnh viễn ra đi không về. Người ở lại phải lập mộ chiêu hồn để con cháu đời sau truyền lưu công đức.
Công trình nghiên cứu Hoàng Sa của các nhà sử học Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc cũng nhiều lần vinh danh những tiền nhân đã vị quốc vong thân này.
Xúc động hồi tưởng chuyện xưa, TS Vũ tâm sự nấm mộ đầu tiên mà mình thắp nén hương ở Lý Sơn chính là của chánh đội Phạm Hữu Nhật: “Mùa đông năm 1996, khi leo lên núi Chóp Vung, tôi đã bàng hoàng đọc bia đá tạc dòng chữ Cao bình quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh mộ. Đó chỉ là một nấm mộ nhỏ bé trên đỉnh núi hoang vu, đầu hướng về đất liền nhưng tôi cảm giác có gì đó rất linh thiêng. Các cụ già trên đảo kể lời truyền xa xưa rằng đây là nấm mộ chiêu hồn, nơi thờ cúng hương hồn của một bậc anh hùng đã khuất không đem được thi hài về...”.
Sau đó, TS Vũ cứ bị nấm mộ cát đìu hiu trên đỉnh núi này ám ảnh. Ông lần giở các bộ sử Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đều có chép vào mùa xuân năm Bính Thân, vua Minh Mạng đã sai Phạm Hữu Nhật làm thủy quân chánh đội đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc thủy trình...
Thủy quân chánh đội Phạm Hữu Nhật trong chính sử và Cao bình quận Phạm Hữu Nhật yên nghỉ trên đỉnh núi Lý Sơn có phải là một? Câu hỏi đau đáu này mãi đến năm 2004 mới được trả lời chính xác.
Tình cờ tộc họ Phạm Văn ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn giải mã các gia phả, sắc phong, linh vị cổ bằng chữ nho để làm di tích dinh Bà Roi đã phát hiện hai nhân vật này chính là một. Phạm Hữu Nhật còn có tên húy Phạm Văn Triều, một trong nhiều người từng tham gia Hải đội Hoàng Sa của tộc Phạm Văn.
Và trong chuyến đi cuối cùng ông đã không trở về. TS Vũ xúc động nhớ khi chuyển nấm mộ cát của chánh đội Phạm Hữu Nhật trên đỉnh núi xuống nơi mới gần tượng đài Hải đội Hoàng Sa, hậu duệ ở Lý Sơn đã rưng rưng chứng kiến đó là nấm mộ chiêu hồn không hài cốt. Họ phải gạt nước mắt bốc nắm cát thay cho di hài vị hùng binh năm xưa.
Phóng to |
TS Vũ và TS Nguyễn Nhã (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) cùng hậu duệ họ Phạm bên nấm mộ chiêu hồn Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn - Ảnh tư liệu của NDV |
Bí ẩn những nấm mộ tập thể
Trên đảo Lý Sơn, TS Vũ còn đau đáu tìm tòi, giải mã bí ẩn ngôi mộ đặc biệt của cai đội Phạm Quang Ảnh. Tương truyền đó là khu mộ tập thể của ông cùng đoàn hải binh đi Hoàng Sa không về.
Chính sử cũng nhắc tên Phạm Quang Ảnh đã được vua Gia Long sai đi Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, thu lượm sản vật. Sau này, TS sử học Nguyễn Nhã cũng ghi chép tên ông trong công trình nghiên cứu Hoàng Sa của mình.
Tuy nhiên, nấm mộ chiêu hồn Phạm Quang Ảnh ở Lý Sơn vẫn còn là bí ẩn lịch sử với một gò đất lớn của tộc Phạm Quang. Các cụ cao niên kể rằng người ở lại đã tiếc thương tạo lập dãy mộ chiêu hồn không hài cốt để thờ cúng Phạm Quang Ảnh cùng đồng đội. Đó là khoảng 10 nấm mộ riêng biệt, có danh phận từng người. Nhưng dòng chảy thời gian đã đùn đẩy các gò cát thành nấm mộ chung Phạm Quang Ảnh. Nhiều hương hồn khác đã bị phai nhòa tông tích. Bí ẩn mà đến giờ TS Vũ vẫn lặng lẽ ngược xuôi ra đảo, tìm hiểu để trả lại danh phận những bậc anh hùng vô danh đã vong thân vì Tổ quốc.
Ở Lý Sơn còn một khu mộ chiêu hồn tập thể đặc biệt của tộc họ Võ Văn mà TS Vũ đã bị ám ảnh nên nghiên cứu suốt nhiều năm qua. Ngậm ngùi là khu mộ này chỉ còn một bãi cát trơ phẳng, lơ thơ cỏ dại và những viên đá rêu phong được cho là để đánh dấu mộ xưa.
Đi điền dã, gặp gỡ hậu duệ họ Võ Văn để tìm hiểu khu mộ bí ẩn, TS Vũ xúc động phát hiện gia tộc này có nhiều bậc tiền nhân đã vâng mệnh nước giong thuyền ra Hoàng Sa không về. Có những bậc đã được chính sử lưu danh như thủ ngự quản đội Hoàng Sa Võ Văn Phú. Nhưng nhiều vị chỉ được ghi chép công đức trong tài liệu cổ của gia tộc như Võ Văn Khiết, Võ Văn Hùng...
TS Vũ xúc động viết đề bia nghĩa khí đi Hoàng Sa của cai đội Võ Văn Khiết. Nhưng ông vẫn ngậm ngùi chưa thể giải mã chính xác dưới bãi cát chiêu hồn kia còn bao nhiêu vị anh hùng đã chìm vào quên lãng...
Khắc khoải nỗi niềm này, TS Vũ bùi ngùi tâm sự dưới những nấm mộ chiêu hồn dù chỉ là cát bụi nhưng thấm đẫm hương hồn người đã khuất lẫn tấm lòng hậu thế tưởng nhớ tổ tiên.
Chính ông nhiều lần chứng kiến những tang lễ chiêu hồn không có hài cốt. Người thân phải lấy cành cây dâu làm xương cốt, đất sét thay da thịt, lòng đỏ trứng gà làm máu nặn hình nhân để mời hương hồn người đã khuất trở về. Nhìn những ánh mắt đau buồn, tiếc vọng, ông xúc động hiểu rằng chẳng có ai sinh ra và ra đi vô danh trên cõi đời này.
Đặc biệt với những bậc anh hùng, những người đã hiến thân vì Tổ quốc, khí phách anh linh của họ sẽ sống mãi cùng dân tộc dù nơi yên nghỉ chỉ là đụn cát không hài cốt trước đại dương...
Giải mã bí ẩn dưới những nấm mộ chiêu hồn, TS Vũ đã lần tìm tài liệu cổ của các tộc họ ở Lý Sơn. Nhiều câu chuyện bi hùng của tiền nhân được phát hiện.
Kỳ tới:Giải mã cổ thư ở đảo thiêng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận