28/10/2020 11:20 GMT+7

Đứng lên giữa khó khăn chất chồng

HẢI LUẬN
HẢI LUẬN

TTO - Nước mới rút. Bò, heo, gà chết trôi đầy ngoài cửa, phải đẩy ra phía ngoài xa. Vô nhà mở cửa ra thấy bàn thờ bị đổ ngã, tủ, giường, tivi, tủ lạnh... nằm ngổn ngang. Một mình chị tôi rửa bùn, dựng lại đồ đạc.

Đứng lên giữa khó khăn chất chồng - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Lợi (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) dọn lại chuồng gà, heo bị hỏng, chuẩn bị tái chăn nuôi - Ảnh: TRẦN MAI

Chị gái tôi ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nói qua điện thoại. Mấy anh em tôi đã có gia đình ở xa, chị gái ở trong làng chạy qua chạy lại lo giúp mẹ già 82 tuổi. Nước lũ vào nhà 40cm, anh họ đưa đò tới chở mẹ sang bên nhà cậu ở cho an toàn. 

Nhà chị tôi nước ngập gần 2m; gần 3 tấn lúa, tài sản lớn nhất cũng là nguồn lương thực cho cả gia đình chị và mẹ tôi đã ướt sạch... Nước chưa rút khỏi mặt đường phía trước nhà, chị thức trắng đêm đi quét lớp phù sa dày cả tấc chờ sáng ngày trời nắng lên phơi lúa, hi vọng còn vớt vát được chút nào.

Giống như chị tôi, hàng vạn người dân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng đang khắc phục những tổn thất do lũ dữ. Lo xong chuyện trong nhà, bắt đầu tiến ra khắc phục ngoài vườn, ngoài đồng. 

Hệ thống kênh mương, đường sá bị sạt lở; cát sỏi, cây cối, trâu bò chết... đầy ngoài ruộng. Họ phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng mới khắc phục xong. Hầu hết cây trồng, vật nuôi đã chết, bao nhà trắng tay. 

Nông dân lấy hạt lúa làm nguồn lương thực, trồng thêm rau màu, quả bầu quả bí, nuôi con gà, con vịt... coi như ống heo tiết kiệm để dành lo chuyện tiền viện phí khi đau ốm, đám cưới, ma chay, tiền sách vở, học hành cho con trẻ, học phí con đi học đại học... Nay mọi thứ không còn.

Người dân vùng lũ sẽ tự đứng lên, lo cái ăn trước mắt, chống đói bền vững cho đến khi giáp hạt (khoảng tháng 4 năm sau). Cần lắm các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cây giống, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... theo từng vùng dân cư và phù hợp với thổ nhưỡng đất đai. Đây là "ngòi" kích hoạt cho cuộc sống người dân vùng lũ sớm bình phục nhanh.

Đất đai ở vùng lũ đã được bồi đắp lượng lớn phù sa, hi vọng cây trồng sẽ có sản lượng tăng cao trong vụ đông xuân. Khoảng 1 tháng nữa đồng loạt các xã, các huyện làm đất trỉa bắp, trồng khoai lang, trồng sắn... Và qua tháng 3, tháng 4-2021 lại đồng loạt thu hoạch. Đây đó lại lo gặp cảnh "được mùa rớt giá" khi nhà nhà trồng cùng lúc, cùng loại cây trên diện rộng, nuôi cùng vật nuôi cũng khó tiêu thụ. 

Cần lắm sự quan tâm của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng ngồi lại với bà con bàn bạc, thông qua ban quản trị hợp tác xã, tính toán trồng loại cây gì, nuôi con nào tiêu thụ tốt, lợi nhuận cao.

"Không gì nghiêm trọng hơn bằng sự dao động ý chí của chúng ta trước thử thách của thiên nhiên... Người Quảng Bình từ xưa đến giờ luôn can trường với khổ cực, nay mạnh mẽ đứng lên phục hồi sau lũ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với người dân xã Hiền Ninh trong chuyến thị sát thực tế vừa rồi. 

Rồi người dân sẽ mạnh mẽ đứng dậy, tính cuộc làm ăn sau lũ, khó khăn sẽ còn kéo dài. Và giúp người dân vùng lũ không chỉ là đồ ăn thức uống, hạt giống để gieo trồng trước mắt. Người dân cần những chính sách hỗ trợ, cùng họ tính việc nuôi trồng hiệu quả để phục hồi sau những thiệt hại nặng nề hôm nay.

Dựng lại cuộc sống sau lũ Dựng lại cuộc sống sau lũ

TTO - Dựng lại cuộc sống, mong tiếng gà kêu lại sau vườn, con heo ụt ịt trong chuồng, tiếng bò kêu vang góc xóm. Những mong ước giản dị ấy đủ giúp người dân vùng lũ chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình.

HẢI LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên