26/10/2020 08:26 GMT+7

Dựng lại cuộc sống sau lũ

TRƯỜNG TRUNG - TRẦN MAI - NHẬT LINH
TRƯỜNG TRUNG - TRẦN MAI - NHẬT LINH

TTO - Dựng lại cuộc sống, mong tiếng gà kêu lại sau vườn, con heo ụt ịt trong chuồng, tiếng bò kêu vang góc xóm. Những mong ước giản dị ấy đủ giúp người dân vùng lũ chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình.

Dựng lại cuộc sống sau lũ - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Lợi (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) dọn lại chuồng gà, heo bị hỏng chuẩn bị tái chăn nuôi - Ảnh: T.MAI

Sự kiên cường của người dân mảnh đất miền Trung khắc nghiệt đang được phát huy.

Người vùng lũ trở mình

Những ngả đường ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) những ngày sau lũ ngoài thực hiện công năng đi lại còn là nơi người dân tận dụng phơi, cứu lúa. 

"Huyện Quảng Ninh, nông sản bị ướt, hư hỏng gần 100%", nội dung ghi chép trong sổ tay của anh cán bộ UBND huyện Quảng Ninh lúc đi khảo sát ghi nhận thiệt hại sau lũ. Điều đó cho thấy thiệt hại quá lớn đối với người dân.

Đi sâu vào trong các xóm làng huyện Quảng Ninh, hình ảnh những bao lúa chìm trong nước, nhà nào cũng có. Bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi, xã Duy Ninh) đang mượn tạm khoảng sân của hàng xóm, đổ hơn 1 tấn lúa ra phơi. Trong nhà bà còn 2 tấn lúa ướt mềm được đổ tạm ra giữa nhà hong. 

"Ráng cứu được gì cứu, chứ đoàn cứu trợ họ đâu giúp được mình cả đời. Lúa này không ăn được thì phơi làm thức ăn cho gà, vịt. Giờ phải đứng lên chứ ngồi khóc cũng được gì đâu" - bà Minh nói.

Tâm lũ của huyện Quảng Ninh là xã Tân Ninh, dấu tích của trận lũ lịch sử cao hơn 3m vẫn in hằn khắp các ngôi nhà trong xã. 

Nhưng giữa ngổn ngang ấy, chẳng ai dừng lại. Anh thợ máy lo dọn rửa máy móc; chị bán tạp hóa lo dọn bùn non trong cửa hàng; bác nông dân vội chở lúa đi phơi... Ông Nguyễn Văn Hoan, chủ tịch UBND xã Tân Ninh, đi dọc xã động viên bà con khắc phục lũ lụt.

Nhà ông Hoan cũng ngập tới nóc, lúc ông đi động viên bà con, vợ ông ở nhà cũng đang khắc phục hậu quả trận lũ. Ông Hoan bảo rằng các đoàn từ thiện chỉ giúp bà con lúc ngặt nghèo, rồi sẽ rút đi. Muốn khôi phục cuộc sống phải nhờ vào chính sức lực của người dân. 

"Dân bi quan thì biết đến khi nào mới khôi phục được hậu quả trận lũ để lại. Thật đáng mừng khi bà con kiên cường, dọn dẹp lũ và cũng chuẩn bị luôn phương án chống lũ khi biết thời tiết diễn biến phức tạp và lũ có thể lên trở lại. Tôi tin sau trận lũ này cuộc sống của người dân sẽ nhanh chóng trở lại như cũ" - ông Hoan bày tỏ.

Rồi gà vịt, heo bò sẽ rộn ràng tiếng kêu

Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi rốn lũ, heo, bò, gà đã trôi hết theo dòng nước. Nhưng người dân tin rằng đàn gà, bò, heo sẽ nhanh chóng rộn ràng tiếng kêu trở lại.

Nhà ông Nguyễn Văn Thỉ (70 tuổi, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) tan hoang sau lũ, tường rào bị nước đánh sập hoàn toàn. Kể về trận lũ vừa rồi, ông Thỉ bảo rằng hai vợ chồng ông nghĩ mình đã chết, khi mấy ngày sống trên mái nhà, khi nước lũ kết hợp gió tạo thành sóng lớn đánh ầm ầm. Đỉnh điểm của lo lắng là bức tường rào quanh nhà ngã đổ, chái bếp sập xuống. 

"Khổ tôi cũng đã khổ một đời rồi. Bao nhiêu chuyện trải qua còn khó khăn hơn vẫn vượt qua được thì sợ gì trận lũ này. Già cũng phải đứng lên, chứ xã hội còn bao nhiêu người cần giúp, vợ chồng tôi không thể thành gánh nặng cho xã hội được" - ông Thỉ nói.

Cạnh nhà ông Thỉ, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Lợi (63 tuổi) đang dọn dẹp lại nhà và chuồng gà. Mấy ngày trước, đàn gà cả trăm con kêu loạn lên, vậy mà sau lũ chỉ còn lại vài cái lồng. Đàn gà mất sạch, mấy con heo cũng trôi theo lũ. 

Ông Lợi nói: "Khổ hơn tí thôi, nhưng vẫn còn sống thì sợ gì". Từ khi lũ tạm rút, bà Trần Thị Tuyết (57 tuổi), vợ ông Lợi, đã liên hệ với trại mua gà giống và heo giống. "Vợ chồng tôi tranh thủ dọn lại chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Ít hôm nữa lại chăn nuôi, 3 tấn lúa ngập nước mọc mộng này gà, heo ăn nhanh lớn lắm. Lũ tạo ra thức ăn cho gà, heo. Lấy lại tài sản đã mất mấy hồi" - ông Lợi nói vui và cười thật tươi.

Khắp huyện Lệ Thủy, không khí chạy đua khắc phục sau lũ phủ kín. Một tinh thần vượt khó, giúp nhau giải quyết hậu quả khiến niềm tin cuộc sống trở lại bình yên thật gần. 

Ông Đặng Đại Tình, chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, bày tỏ: "Chưa thể thống kê cụ thể thiệt hại của trận lũ lịch sử này. Chắc chắn sẽ rất lớn. Nhưng địa phương rất mừng vì sau lũ người dân không than thở mà tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng hướng đến mình, cố gắng khôi phục lại cuộc sống. Tôi tin rằng khi tiếp nhận thêm gói hỗ trợ từ cấp trên, người dân sẽ đứng dậy nhanh chóng".

Gượng dậy từ bùn non

Mấy hôm nay, con đường vào thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong đã có bước chân người đi lại. Trận lũ vừa rồi, Trà Liên Tây là một trong những khu ngập sâu nhất của tỉnh Quảng Trị, chẳng còn thấy con đường nào lộ trên mặt nước. Bên cánh đồng bùn phủ bạc phếch, mấy nhà dân đổ những bao lúa đã đâm mộng ra phơi. Họ nói người không ăn được thì cho gà vịt, còn vớt được thứ gì hay thứ ấy.

Nhà ông Bùi Phú ở xóm Tả Bồi tất tả mỗi người một việc. Ông Phú và những người đàn ông tay cuốc tay xẻng cào đi lớp bùn non dày hơn gang tay khắp vườn nhà. Vợ ông cùng mấy đứa con mang áo quần còn lấm nước bùn ra giặt. Thỉnh thoảng ông Phú lại đá mắt qua đống lúa đang phơi đen xì vì nước ngấm vào.

Vùng này ít ai làm lúa nên công sức cả mùa nhà ông Phú mới chắt chiu được mấy bao lúa để dành. Nước ra vào mấy bận dù đã kê lên cao nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh lên mầm. Nhưng đó là những thứ còn lại sau lũ, còn sắp tới ông Phú nói phải chờ... trời. Vì bình thường lũ về mang tới phù sa, nhưng lũ ven sông Thạch Hãn thì cát lấp đầy mấy đám hoa màu. Ông Phú và những người trong làng đều chờ thời tiết sau bão để lại bắt tay vào xúc bỏ lớp cát này.

Lũ không "nể nang" nơi nào cả, nhiều khu vực ở TP Đông Hà cũng bị nước lụt hành cho xơ xác. Nhà anh Nguyễn Văn Hiếu (phường 3) trước nay nước cao nhất chỉ ngập mé sân nhưng lần này dâng cả mét trong nhà. 

Chỉ những chiếc máy trong xưởng trị giá hàng trăm triệu đồng, anh nói giờ đã tháo toàn bộ phần cơ điện đi sửa, chẳng biết "sống chết" thế nào. Rồi anh mở điện thoại ra xem hình chiếc xe tải bùn và rêu ngập cả cabin mấy hôm trước. Vài tấm hình sau lũ có bộ đội về giúp cào bùn từ đường làng cho đến trong xưởng gỗ.

Anh Hiếu nén tiếng thở dài, rắn rỏi: "Giờ không kêu nữa. Phải làm lại từ đầu bằng con số âm thôi. Mấy hôm nay tôi dọn xưởng tạm tạm rồi, đợi lấy máy móc về hoặc vay tiền mua lại một vài máy thiết yếu trước mắt để thợ tới làm. Dù chỉ là mấy chiếc ghế, cái bàn nhỏ cũng được, tôi tin còn người còn của, còn chồi nảy cây…".

Giúp nhau đi qua mưa bão

Nước rút, những ngôi nhà ở thôn Dương Đại Thuận (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hiện ra rệu rạo. Ngôi làng ven sông này nằm cạnh cầu Đại Lộc nên khi lũ về dòng nước chảy rất xiết. Từ tường ra cho đến những móng nhà nghiêng ngả vì xói lở nặng.

Sau 12 ngày chạy nước lụt trở về, bà Trần Thị Hiệp (56 tuổi) chỉ biết ngồi bật khóc trong căn nhà của mình. Ngôi nhà được các tổ chức từ thiện góp tiền dựng trước đây nay đã nứt toác. Mấy người hàng xóm đi mua ximăng về trám lại những nơi bị nứt, giúp bà Hiệp tạm có mái nhà ra vào.

Tương tự, ngôi nhà của ông Trần Bé gần đó cũng bị nghiêng hẳn sang một bên vì phần móng đã sụp. Vợ chồng ông Bé năm nay đã ngoài 70, sống cùng người con bị khuyết tật nên hàng chục thanh niên trong xóm đã xắn tay đi bưng đất đá và bao cát đắp vào với hi vọng nhà trụ được trong những ngày tới.

"Cả huyện, cả tỉnh, cả miền Trung đều ngập chứ riêng chi thôn xóm mình nên cùng chung tay giúp nhau được thì làm ngay. Chừ Nhà nước còn đang bận khắc phục đường sá cầu cống, chờ giúp từng trường hợp thì biết đến bao giờ. Chừ cứ giúp nhau qua mưa bão cái đã" - ông Dụng, một người dân đến giúp nhà ông Bé, nói.

Mất cả tháng để cải tạo hoa màu

Ông Bùi Quốc Hùng - chủ tịch UBND xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - cho biết sau lũ cả xã có 40ha đất canh tác, trồng cây hoa màu bị cát vùi từ 20-40cm. Trong những ngày qua xã đã huy động phương tiện cơ giới về dọn bùn ở những vị trí công cộng như trường, trạm y tế và các tuyến đường liên thôn.

Tuy nhiên, hiện nay cát đã trang bằng bờ thửa, nếu đưa phương tiện vào sẽ mất dấu bờ thửa đã chia của các hộ dân, do đó chưa thể đưa máy móc xuống được. "Chưa bao giờ ruộng vườn ở đây bị vùi lấp sâu như thế nên chúng tôi ước tính phải mất cả tháng mới cải tạo xong ruộng đất" - ông Hùng nói.

Tạm dừng tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 Tạm dừng tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3

TTO - Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 đã được lệnh rút về TP Huế để đảm bảo an toàn, tạm dừng việc tìm kiếm người mất tích do mưa lớn.

TRƯỜNG TRUNG - TRẦN MAI - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên