26/10/2020 09:14 GMT+7

Xử lý nước giếng bị ô nhiễm tại các vùng lũ lụt

CHÂU TUẤN
CHÂU TUẤN

TTO - Khi lũ dâng cao, dòng nước cuốn trôi mọi thứ như bùn, rác, cây cối gãy đổ, xác động vật... làm nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt tại các giếng khơi (giếng đào) của người dân khu vực miền Trung.

Xử lý nước giếng bị ô nhiễm tại các vùng lũ lụt - Ảnh 1.

Các cán bộ tới tận nhà dân để hỗ trợ xử lý nước giếng bị ô nhiễm tại phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nếu nguồn nước ô nhiễm này không được xử lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân sau khi lũ rút.

Nước giếng hôi, màu cà phê sữa

Hầu hết các giếng khơi tại tỉnh Quảng Trị như phường Đông Lương, Đông Thanh, Đông Giang (TP Đông Hà), xã Hải Phong, Hải Định (huyện Hải Lăng), xã Thanh An (huyện Cam Lộ)... đều bị ô nhiễm nghiêm trọng khi nước lũ rút. Phần lớn nước dưới giếng có màu vàng đục, kèm theo bùn non và rác. Thậm chí nhiều giếng nước còn có xác gà vịt, chất xú uế lẫn trong nước.

Tại xã Hải Phong trong những ngày đầu nước lũ dâng, người dân bị cô lập phải hứng nước mưa và ăn mì sống từ nguồn cứu trợ. Đến thời điểm hiện tại nước máy ở vùng này vẫn bị cúp, vì vậy giếng là nguồn cung cấp nước chính cho người dân. Tuy nhiên, do nước giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng, bà con phải mua tạm các bình nước lọc để nấu ăn nhiều ngày qua.

Anh Nguyễn Thế Hiếu (ngụ xã Thanh An, huyện Cam Lộ) bộc bạch: "Nhà tôi ở khu vực trũng nên ngập sâu nhất nhì vùng này. Những ngày lũ lớn phải chuyển đi ở nhờ nhà họ hàng phía trên. Nước rút, về lại nhà thì phát hiện dưới giếng có xác gà chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Quá kinh hãi tôi vớt vứt đi rồi, nhưng đến hôm nay vẫn chưa dám dùng lại nước giếng vì có mùi hôi và màu nước còn đục".

Cách đó không xa, chị Thảo Long kể: "Sau khi lũ rút, nước giếng nhà tôi cũng như nhiều hộ dân quanh đây đều có màu vàng đục. Chúng tôi chỉ lấy nước này để xối rửa bùn non, dọn dẹp trong nhà chứ không thể sử dụng sinh hoạt như tắm giặt giống thường ngày".

Tương tự, tại một giếng làng nổi tiếng trong vắt xưa nay ở làng Thượng Độ, phường Đông Giang (TP Đông Hà) cũng rơi vào tình cảnh ô nhiễm với bùn non, nhiễm phèn nghiêm trọng. Một người dân khu vực cho biết nước tại giếng này xưa nay rất trong, dân làng có thể dùng để nấu ăn. Thế nhưng sau khi lũ rút từ ngày 19-10, miệng giếng đã lộ ra khỏi nước lũ, nước lại đặc sệt và có màu như cà phê sữa.

Tại nhà một hộ dân khác, mặc dù giếng khơi đã được người dân bịt kín miệng lại bằng áo mưa để ngăn nước lũ tràn vào nhưng nước vẫn có mùi hôi. Những người dân tại đây cho biết đã dùng nước giếng này để tắm giặt và có cảm giác mẩn ngứa ngoài da. 

"Màu nước thì cũng không đục lắm nhưng có thể do nguồn nước, các hố trũng xung quanh đã nhiễm bẩn, vi sinh vật gây mùi hôi. Chúng tôi hi vọng cơ quan chức năng hỗ trợ người dân hướng dẫn, xử lý sớm để có nước sinh hoạt, ổn định lại cuộc sống" - một người dân nói.

Phải xử lý lại nước giếng

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-10, anh Nguyễn Trung Hải - phó trưởng phòng phụ trách phòng dịch vụ kỹ thuật Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị - cho biết sau đợt lũ lịch sử vừa qua, tình hình nước giếng, đặc biệt là giếng khơi, tại các vùng bị ngập nặng, hầu hết bị ô nhiễm. 

Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý mà vẫn tiếp tục sử dụng nước thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bà con, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường ruột, bệnh ngoài da.

Việc xử lý nước giếng khơi cho bà con là việc làm hết sức cần thiết trong thời gian này. Nhằm hỗ trợ bà con vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, trong ngày 23-10, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Thành đoàn TP Đông Hà và Đoàn thanh niên các phường Đông Thanh, Đông Giang, phường 3, Đông Lương, Đông Lễ hỗ trợ hóa chất (phèn nhôm sunphat và chloramine B). 

Các cán bộ Đoàn đã đến tận nhà dân để hướng dẫn bà con cách sử dụng hóa chất xử lý nước giếng bị ô nhiễm sau lũ lụt, với số lượng khoảng 400 giếng.

Trong thời gian tới, cơ quan các cấp, đơn vị liên quan cùng sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm sẽ tiếp tục triển khai, đồng hành xử lý nước giếng cho bà con có nước sạch sinh hoạt, sống khỏe, ổn định lại kinh tế sau lũ.

Cách xử lý nước giếng khơi sau lũ

Tiến hành theo 3 bước như sau:

* Bước 1: Thay rửa giếng: Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.

* Bước 2: Biện pháp làm trong nước: Dùng phèn chua liều lượng 50-60 gam/1m3 nước. Nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua, nhưng tối đa là 100 gam/1m3. Phèn chua tán nhỏ, hòa tan trong chậu sau đó cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước.

* Bước 3: Khử trùng nước giếng: Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu mét khối và cứ 1m3 hòa tan 10-20 gam chloramine B tương đương 1-2 thìa canh (tùy thuộc vào độ đục của nước). Múc một gàu nước hòa lượng hóa chất nói trên và khuấy đều cho tan hết hóa chất. Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.

Sau 30 phút múc nước lên, ngửi có mùi clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột chloramine B quấy đều rồi đổ vào giếng đến khi nào nước có mùi clo mới đảm bảo.

Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng. Sau 30 phút mới sử dụng nước (để đảm bảo lượng clo dư từ 0,3-0,5mg/lít). Còn nếu bà con lỡ cho quá nhiều chloramine B thì đợi đến khi nào nước bay hết mùi clo mới sử dụng.

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý không tiến hành việc khử trùng với đánh phèn chua cùng một lúc. Sau khi khử trùng nếu ngửi nước có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Cảnh giác dịch bệnh sau lũ Cảnh giác dịch bệnh sau lũ

TTO - Sau lũ, nếu không chú ý sẽ bùng phát các dịch lây qua nguồn nước như dịch tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan A, viêm gan E, viêm kết mạc, và các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết...

CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên