06/05/2023 05:55 GMT+7

Đừng làm 'cha mẹ độc hại' gây tổn thương cho con

Việc dạy dỗ khiến trẻ 'đau' bằng cách sỉ nhục và tin rằng làm thế sẽ khiến trẻ biết sợ, từ đó không phạm lỗi nữa, cần thay đổi. Cha mẹ dạy con, đừng làm tổn thương con.

Trẻ em bị bạo hành - Ảnh: T.L.

Trẻ em bị bạo hành - Ảnh: T.L.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cách giáo dục này không hiệu quả, thậm chí gây tổn thương tâm lý trẻ. Trừng phạt mà không giải thích sẽ khiến trẻ cảm thấy bị ức chế và bất công, làm giảm sự sẵn sàng chia sẻ và thông hiểu của trẻ với cha mẹ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy càng kiệt sức do chính áp lực gia đình hay công việc, cha mẹ Việt Nam càng dễ có xu hướng sử dụng những chiến lược kiểm soát con cái của mình. Vì vậy, các cha mẹ cần có những nguồn lực hỗ trợ từ gia đình, xã hội để kiến tạo một môi trường gia đình lành mạnh.

Thạc sĩ Hồng Ân

Tổn thương từ cách giáo dục

Gần đây hay xảy ra các vụ cha mẹ đánh đập, mắng chửi con nặng nề, bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác, hay thường xuyên so sánh, đặt điều kiện để buộc trẻ phải làm theo yêu cầu…

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân, "cha mẹ độc hại" là khái niệm được dùng khi mô tả những cha mẹ tập trung quá mức vào nhu cầu bản thân mà gây tổn hại cho trẻ.

Những phụ huynh này có xu hướng từ chối trách nhiệm về các hành động của mình. Họ đổ lỗi các vấn đề cho người khác và các yếu tố bên ngoài, thiếu khả năng thấu hiểu hoặc không quan tâm đến cảm xúc hay những khó khăn của con trẻ.

Ngoài ra, họ có thể không có những ranh giới đúng mực trong mối quan hệ với con, dẫn đến kiểm soát con cả về thể lý lẫn tâm lý. Thạc sĩ Hồng Ân nhấn mạnh, ở mức độ tiêu cực hơn, phụ huynh dạng này có thể bỏ mặc, bóc lột hoặc lạm dụng chính con mình.

Tuy việc nhìn nhận cách nuôi dạy con còn tùy thuộc vào văn hóa và bối cảnh riêng của từng gia đình, cá nhân nhưng nhìn chung, khi con trẻ lớn lên bởi cách giáo dục độc hại, trẻ sẽ gặp nhiều ảnh hưởng cả về thể lý lẫn tâm lý.

Trước hết, trẻ sẽ liên tục sống trong môi trường căng thẳng do những đòi hỏi từ cha mẹ hoặc do những nhu cầu thiết yếu về thể lý, an toàn và cảm xúc của trẻ không được đáp ứng. Bên cạnh đó, những sự kiện gây tổn thương cho trẻ cũng có khả năng tạo ra những sang chấn về mặt tâm lý, gây ảnh hưởng tới cả não bộ và hành vi của trẻ.

"Các nghiên cứu cũng cho thấy việc trẻ bị bỏ mặc hay bị kiểm soát quá mức về hành vi hay cảm xúc cũng ảnh hưởng đến khả năng thiết lập sự tự chủ và hình thành bản thể riêng. Khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ cũng bị ảnh hưởng, kéo theo những vấn đề về lòng tin tưởng bản thân, khả năng thích ứng, điều chỉnh trong tương lai", thạc sĩ Ân giải thích.

Thạc sĩ Ân nhấn mạnh quan điểm sử dụng bạo lực và hình phạt cực đoan trong việc nuôi dạy con hiện đã được chứng minh là không hiệu quả và có những tác hại lâu dài.

"Trừng phạt mà không giải thích sẽ khiến trẻ cảm thấy bị ức chế và bất công, làm giảm sự sẵn sàng chia sẻ và thông hiểu của trẻ với cha mẹ. Bên cạnh đó, trừng phạt không giúp trẻ học được những hành vi mới hay cách giải quyết vấn đề phù hợp. Ngược lại, dần dà trẻ sẽ học cách né tránh hay nói dối để tránh bị phạt.

Sử dụng bạo lực không chỉ tạo ra sự thù hằn và liên kết những cảm xúc tiêu cực mà trẻ có với chính cha mẹ của mình, mà còn tạo nên những khuôn mẫu tiêu cực về hành vi mà trẻ có thể bắt chước sử dụng sau này", ông Ân nói.

Tập trung chữa lành cho bản thân

Diễn giả Nguyễn Hữu Trí cho biết, trong số những bạn trẻ mà anh từng giảng dạy, nhiều người lớn lên trong gia đình có cách nuôi dạy cực đoan như đánh đập, mắng chửi hoặc thao túng. Kể cả khi đã trưởng thành và đi làm, không ít người trẻ mang theo những tổn thương khi bé và loay hoay tìm cách chữa lành. Trẻ bị tổn thương cần chữa lành ra sao?

"Đừng bắt buộc cha mẹ phải tức thì thay đổi và chữa lành hay bù đắp cho mình! Mỗi chúng ta hãy là người đầu tiên chủ động quay vào bên trong để thấu hiểu và tìm cách chữa lành cho tổn thương của chính mình. 

Hãy chủ động tìm một không gian bình yên, tích cực, tìm kiếm sự hỗ trợ và tham vấn từ các chuyên gia nếu cần thiết. Chỉ khi mỗi cá nhân bình an, chúng ta mới có thể kết nối và nâng đỡ người thân trong gia đình của mình", ôngTrí nói.

Còn theo Hồng Ân, lớn lên trong một môi trường có "cha mẹ độc hại" là điều không phải ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, khi đã trải qua những hoàn cảnh như vậy, việc mỗi người có thể làm là tìm kiếm những phương thức để không bị bó buộc chỉ bởi những thứ đã xảy ra. 

Cho phép chính mình quyết định và có trách nhiệm với cuộc sống hiện tại và tương lai của bản thân, bắt đầu xây dựng cuộc sống lành mạnh.

"Hãy nhận biết rằng bạn đang an toàn, có năng lực và những nguồn hỗ trợ xung quanh để tự quyết và đạt được nhiều điều đáng giá trong cuộc sống, đồng thời nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, bao gồm cả những tác động của chúng lên suy nghĩ và hành vi hiện tại của bản thân", thạc sĩ Ân nói.

Cha mẹ cần làm gì?

Khi đứng trước những cư xử không phù hợp của con, cần bình tĩnh lắng nghe lý do, những khó khăn về cảm xúc và hành vi. Từ đó giải thích và hướng dẫn trẻ thực hiện hành vi mới bằng sự kiên nhẫn và động viên. Cha mẹ cần tránh đưa ra những biện pháp kỷ luật có khả năng làm tổn hại đến thể lý, nhân phẩm hay những nhu cầu căn bản của trẻ.

Một điều đáng lưu ý là bản thân những bậc phụ huynh nuôi dạy con theo cách cực đoan, độc hại cũng cần được hỗ trợ, bởi hành động và cách nuôi dạy của họ có thể phản chiếu những cách thức giáo dục hay nuôi dạy mà chính họ được nhận. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ có xu hướng trở nên độc hại khi họ cảm thấy kiệt sức trong quá trình nuôi dạy con.

Vụ thiếu nữ 17 tuổi bị mẹ ruột trói, đánh: Điều tra thêm hành vi bạo hành, ngược đãi con cáiVụ thiếu nữ 17 tuổi bị mẹ ruột trói, đánh: Điều tra thêm hành vi bạo hành, ngược đãi con cái

Liên quan vụ mẹ ruột trói, đánh gây thương tích cho con ở phường Tam Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM), cơ quan cảnh sát điều tra cho biết ngoài việc làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, người mẹ còn bị điều tra hành vi bạo hành trẻ em, ngược đãi con cái.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên