Từ đầu năm 2012, tại hội nghị Bộ Công thương đã có lời báo động và sau đó nhiều báo đài tiếp tục lưu ý. Nhưng có “báo” mà không “động” nên tình hình lúc này càng khiến doanh nghiệp ức chế.
Hàng thật chết vì hàng giảHàng giả độn đầy các chợ
Hàng loạt doanh nghiệp phải tự ngưng hoạt động vì đầu vào tắc về vốn mà đầu ra thì hàng lậu, hàng giả, hàng nhái hoành hành. Hàng TQ vốn đã lừng lẫy khắp thế giới về giá rẻ và làm giả, nhái siêu phàm, nay họ giả “made in Vietnam” để bán khắp nước mình nữa thì... thôi rồi.
Vì sao rộ lên “xu thế” này? Hiện nay, các thị trường nhập khẩu chính của nền kinh tế định hướng xuất khẩu TQ đang suy giảm (Âu - Mỹ - Nhật...) lại gặp thực tế là nhập hàng vào VN (đa số theo tiểu ngạch) quá thuận lợi, dễ dàng, họ không “đẩy” hàng ồ ạt sang mình mới lạ! Chính người dân TQ đang có nhiều âu lo, ngại mua hàng nước họ vì thiếu an toàn (điều tra của báo Thanh Niên TQ ngày 6-11 cho kết quả có 60% dân TQ muốn cải thiện an toàn thực phẩm), và người tiêu dùng VN hiện nay có đủ thông tin hơn nên cũng cẩn trọng đề phòng hơn với hàng TQ khiến họ càng quyết liệt “đội lốt” để bán được hàng.
Sống ở đây lâu, hiểu rõ việc kiểm tra, chế tài của VN lỏng lẻo, các thương nhân TQ lâu nay khá táo bạo trong làm ăn: hàng lậu mà họ thuê kho trữ hàng thoải mái, họ còn rao trên mạng về lớp huấn luyện (không xin phép) cách mua hàng của TQ và thường xuyên tiến hành các lớp này, ba người, năm người họ cũng làm...
Để kiểm soát tình trạng này, chúng ta vẫn phải tính giải pháp căn cơ chứ chỉ đối phó tình huống là không xong. Cách đây sáu tháng, Trung tâm WTO TP.HCM có buổi báo cáo kết quả một đề tài nghiên cứu rất thiết thực do nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển làm trưởng nhóm “về các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công thương 2011-2015”, trong đó với thị trường TQ, có nhiều đề xuất hay: ”Tăng giá trị và khối lượng xuất khẩu hàng nông thủy sản qua TQ. Tổ chức lại việc buôn bán biên giới với TQ theo hướng: với những mặt hàng xuất khẩu có dung lượng lớn và TQ cũng có nhu cầu lớn, không cho phép buôn bán tiểu ngạch nữa mà phải theo chính ngạch. Điều tiết lượng hàng buôn bán qua biên giới để tránh bị ép giá (phía TQ làm rất tốt việc này phần họ). Mở rộng thỏa thuận về hài hòa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau đã ký giữa hai bên, và tổ chức các công ty lớn chuyên xuất khẩu vào thị trường TQ. Bộ Công thương nên ưu tiên sử dụng Quỹ Xúc tiến thương mại để hỗ trợ các công ty này”.
Nói chung chuyển dần sang chính ngạch. Việc này hết sức khó khăn nhưng không có cách khác nếu muốn tránh nạn bị họ chèn ép triền miên. Có một vấn đề rất tế nhị: có chăng có sự mơ hồ hay não trạng ngại đụng chạm khi phải dùng pháp luật xử lý các công ty TQ sai phạm? Thực tế này cần được mổ xẻ trên cơ sở quyền lợi quốc gia, chủ quyền thương mại và hiệu lực của pháp luật VN. Hãy cứ thẳng thắn xem xét từ thực tế.
Ngay từ biên giới, hàng kém chất lượng, có độc tố, không nhãn mác sao không bị xử lý? Khi hàng này vào nội địa sao cứ được nghênh ngang như chốn không người? Doanh nghiệp Việt hàng tồn đầy kho, treo bảng giảm giá trên 50% là bị phạt (theo quy định hiện hành, mức giảm giá đối với hàng hóa tối đa không được vượt quá 50% ngay trước thời điểm khuyến mãi). Đổ hàng quảng cáo để bán lẻ ở các chợ xã liền bị hỏi giấy phép. Vài ba tháng lại kiểm tra, hóa đơn, nhãn hàng... Sự “nghiêm ngặt” này có công bằng với cả hàng đội lốt đang thường xuyên bày bán khắp các chợ, tại các phiên chợ bán dạo ở các tỉnh và các hội chợ “quốc tế” ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ?
Nếu chúng ta cứ để hàng lậu, hàng giả, hàng đội lốt bóp chết cơ hội bán hàng của doanh nghiệp trong nước thì rõ ràng đó là hủy hoại cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Thực tế, một bên là “vận động” (còn chưa quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ), còn một bên là cố tình vi phạm bằng mọi giá, mọi hình thức, khi đó các nỗ lực vận động cho hàng Việt khắp các cấp, các địa phương đang bị vô hiệu hóa và người tiêu dùng thiệt thòi nhất.
Như vậy, ngoài những giải pháp vĩ mô, lâu dài, cần phải thực hiện ngay cụ thể nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ luật pháp, bảo vệ thị trường VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận