Việc các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có hành vi vi phạm chế độ lao động tiền lương, vi phạm về hình thức giao kết hợp đồng lao động không là chuyện mới. Ở các doanh nghiệp nói chung, nhất là đối với doanh nghiệp chuyên về xây dựng, thi công công trình, tình trạng này khá phổ biến.
Thông thường, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động thời vụ dưới ba tháng đối với người lao động làm những công việc mang tính chất thường xuyên, sau đó tiếp tục tái ký kết hợp đồng lao động thời vụ nhằm trốn đóng các khoản trích nộp bảo hiểm hằng tháng cho người lao động (như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn), đồng thời có thể trả lương cho những người này ở mức thấp hơn so với lao động có hợp đồng lâu dài. Có doanh nghiệp “lách luật” bằng cách buộc người lao động phải tự nguyện cam kết mong muốn ký kết hợp đồng lao động thời vụ vì không muốn ký kết hợp đồng lao động lâu dài. Thậm chí có những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động làm công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại... trên các công trường nhưng liên tục tái ký kết hợp đồng lao động thời vụ nhiều năm liền khiến quyền lợi của người lao động bị vi phạm nghiêm trọng.
Có tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương hiện nay còn nhiều bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng về pháp luật lao động tại hầu hết doanh nghiệp còn mang tính hình thức, nếu không muốn nói là việc thanh tra, kiểm tra chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Việc kiểm tra này thường chỉ mang tính chất định kỳ, một vài năm mới kiểm tra một lần, và kiểm tra dựa trên hồ sơ quản lý tại doanh nghiệp. Do vậy cơ quan thanh tra thường không thể nắm hết hoạt động cũng như danh sách người lao động ký kết hợp đồng lao động thời vụ nhiều năm liền trong trường hợp doanh nghiệp cố tình che giấu và khai báo gian dối.
Đó là chưa kể quy định của pháp luật hiện hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cũng như vi phạm trong việc giao kết hợp đồng lao động thời vụ còn quá nhẹ. Ngay cả tại nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội), có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2013, mức xử phạt về vi phạm giao kết hợp đồng lao động chỉ ở mức từ 500.000-20 triệu đồng. Nếu so sánh với mức phạt theo nghị định 47/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động thì mức xử phạt theo nghị định mới tăng không bao nhiêu. Điều đó khiến các doanh nghiệp có thể “nhờn” pháp luật và thoải mái vi phạm Luật lao động.
Vừa qua, TP.HCM đã yêu cầu các doanh nghiệp công ích vi phạm phải sửa sai để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đó là việc đáng mừng cho những người lao động ở đây. Tuy nhiên, để bảo vệ số đông người lao động khác, cần sự tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng về Luật lao động, đồng thời sửa quy định xử phạt theo hướng tăng nặng hơn để doanh nghiệp có sự ngán ngại khi muốn chèn ép người lao động.
Theo nghị định 95/2013/NĐ-CP, phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên ba tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây: từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 1-10 người lao động; từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11-50 người lao động...; từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. |
___________
Tin bài liên quan:
Tạm đình chỉ công tác 8 lãnh đạo lãnh lương “khủng”Phải lấp lỗ hổng lương khủngLương “khủng” do quản lý lỏng tay?Tóm tắt sai phạm tại 4 công ty có lãnh đạo nhận lương "khủng"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận