Lãnh đạo doanh nghiệp công ích này còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế nhưng dù có nhiều cơ quan thẩm định, kiểm soát, tình trạng lương “khủng” vẫn diễn ra trong thời gian dài.
Phóng to |
* Ông MAI ĐỨC CHÍNH (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, kiêm phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia):
Lỗi và trách nhiệm chính ở các sở, ngành liên quan
Theo các quy định hiện hành, hằng tháng viên chức quản lý trong doanh nghiệp nhà nước chỉ được tạm ứng 70% tiền lương tính theo tháng, 30% còn lại được chi trả vào cuối năm theo quyết định của chủ sở hữu về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài tiền lương, viên chức quản lý được trích thưởng theo kết quả quản lý điều hành và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng mức thưởng cũng không được vượt quá 50% định mức. Vì thế mức lương “khủng” của họ chắc chắn có sai phạm.
Mức lương của ban giám đốc doanh nghiệp công ích mà vượt 40-50 lần so với mức lương người lao động là quá phản cảm. Ở đây có thể nhìn thấy sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì không nói làm gì, nhưng đây lại là các doanh nghiệp công ích, vốn nhà nước. Người lao động, cụ thể như công nhân cấp thoát nước, phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Họ phải chui vào cống, phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm trong cống... mà lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, Trong khi “ông chủ”, dù có “một người lo bằng một kho người làm” đi nữa thì cũng không thể cao chất ngất, gấp 40-50 lần như vậy.
Tôi nghĩ khi khai thuế thu nhập, giám đốc doanh nghiệp đã tìm cách lách luật và thực tế họ có nhiều cách lách. Chẳng hạn các giám đốc đã lách khi ký các hợp đồng lao động dưới ba tháng (mùa vụ) đối với lao động của mình để cắt xén chế độ của họ. Đáng ra phải là hợp đồng có thời hạn, hoặc không xác định thời hạn để họ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ phúc lợi khác. Có thể nói đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Lỗi và trách nhiệm chính là ở các sở, ngành liên quan. Tôi được biết các cơ quan này duyệt định mức lương và cũng là cơ quan giám sát việc họ thực hiện. Tôi cho rằng Sở LĐ-TB&XH cũng có trách nhiệm trong việc để xảy ra chuyện lương “khủng” này.
Sau này phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện định mức. Chẳng hạn với doanh nghiệp công ích rất mù mờ trong định mức, ví như công ty công trình đô thị, họ không khoán người lao động quét trên 1m2 mà thường tính cả vỉa hè, mặt đường vào, nhưng thực tế người công nhân quét hết toàn bộ diện tích đó. Trước đây, có thời gian việc quản lý lương các doanh nghiệp nhà nước bị buông lỏng, vẫn có các lãnh đạo doanh nghiệp hưởng lương cả trăm triệu đồng/tháng vì họ vừa là giám đốc doanh nghiệp nào đó, lại vừa đại diện phần vốn ở các công ty con, rồi công ty cháu nên được hưởng cả lương ở các công ty con, cháu đó. Lỗ hổng này đã được bịt khi Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các quy định mới để quản lý. Ví như nghị định quy định về mức lương tối đa trong các tập đoàn, lương của quản lý các tập đoàn cũng không thể vượt quá 36 triệu đồng/tháng, nhằm tránh việc các doanh nghiệp tự trả, tự chi.
* PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật ĐHQG TP.HCM):
Để điều tương tự không tái diễn
Tại sao sự việc ai cũng thấy sai rành rành lại có thể diễn ra công nhiên trong thời gian dài? Do luật pháp có kẽ hở? Do hệ thống kiểm tra, giám sát có khuyết tật?...
Nhờ những đặc điểm riêng về lĩnh vực hoạt động, các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ sự đầu tư bằng ngân sách công. Các khoản đầu tư công này được ấn định ở mức cao, do được tính toán dựa vào những định mức, tiêu chuẩn đã lạc hậu; không chỉ vậy, khoản đầu tư này còn tăng nhanh, được cho là để thích ứng với tốc độ đô thị hóa. Hơn nữa, doanh nghiệp tiếp nhận vốn đầu tư mà không cần đấu thầu, nghĩa là không cần phải tranh giành với ai khác. Nắm trong tay một cách quá dễ dàng số vốn lớn vượt mức cần thiết, doanh nghiệp chỉ cần chi ra một phần là xong việc. Phần còn lại, các vị trí chủ chốt thoải mái chia nhau hưởng. Rõ ràng hệ thống định mức bất hợp lý và tình trạng độc quyền đã tạo điều kiện cho sự trục lợi.
Xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ công ích có thể là việc cần được cân nhắc thận trọng. Nhưng đáng lý ra việc rà soát các định mức, tiêu chuẩn phải kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ là việc phải được thực hiện thường xuyên. Suy cho cùng, việc cập nhật nội dung các tiêu chuẩn, định mức phải được xác định là một trong những yêu cầu của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo đúng tinh thần của Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí hiện hành. Bản thân việc chậm trễ, kém năng động, kém nhạy bén trong việc xây dựng, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức phải bị coi là hành vi vi phạm các nguyên tắc mang tính mệnh lệnh của luật và các cơ quan, vị trí có liên quan phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng.
Vả lại, ngay cả trong trường hợp lỗ hổng pháp lý chưa được khắc phục dẫn đến tình trạng tiền bạc từ ngân sách công được cấp thừa mứa, vô tội vạ thì về lý thuyết, việc lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tùy tiện tự cho phép hưởng lương “khủng” vẫn có thể được ngăn chặn, nếu các thiết chế kiểm tra, giám sát vận hành có hiệu quả.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không chỉ là nhà chức trách mà còn là thượng cấp của doanh nghiệp. Với các tư cách đó, cơ quan quản lý được trao các quyền hạn rộng rãi trong việc theo dõi, kiểm soát, thậm chí chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp. Trong điều kiện ấy, khó hình dung khả năng sai phạm của doanh nghiệp tồn tại kéo dài mà không bị phát hiện.
Dù nguyên nhân đích thực là gì thì những người có trách nhiệm, có thẩm quyền kiểm tra, giám sát trong vụ này đã không làm tròn chức năng xã hội, nghề nghiệp của mình. Cần sớm chấn chỉnh, làm trong sạch, hữu hiệu hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước, để điều tương tự không lặp lại.
* “Tổng quỹ tiền lương của công ty không đá đụng một đồng nào từ ngân sách mà là từ kết quả của các hợp đồng kinh tế công ty làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Công ty chia lương của cán bộ bị cho là sai so với quy định của Bộ LĐ-TB&XH nhưng nếu áp dụng cùng quy định này mà phân phối thì thu nhập của người lao động và viên chức quản lý bất cập, vì lương của người lao động sẽ cao hơn rất nhiều lần so với lãnh đạo công ty”. Ông TRẦN TRỌNG HUỆ (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng) trích báo Pháp Luật TP.HCM * “Do thời điểm đó Sở Lao động - thương binh và xã hội chưa duyệt quỹ lương cho ban điều hành nên anh em nghĩ làm được nhiều thì anh em hưởng nhiều, chỉ đóng thuế đầy đủ là được”. Ông Lê Thanh Sơn (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM) * Theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước, do Nhà nước giao kế hoạch hoặc đặt hàng và theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định; hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận. Nếu dịch vụ công có “lãi cao” để trả lương như vậy thì nên đấu thầu cho khu vực tư nhân đảm nhận để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. |
* Tin bài liên quan:
Lương khủng nhờ “bầu sữa” ngân sáchChủ tịch TP.HCM nói về vụ giám đốc nhận lương khủngKhông thể tùy tiện trả lương hơn 200 triệu đồng/thángLương giám đốc công ty thoát nước 2,6 tỉ đồng/nămNước ngập, điện rò rỉ: lãnh đạo vẫn có thể nhận lương cao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận