03/09/2013 05:46 GMT+7

Phải lấp lỗ hổng lương khủng

SƠN DƯƠNG
SƠN DƯƠNG

TT - Nhiều bạn đọc tiếp tục gửi đến Tuổi Trẻ ý kiến bất bình với việc trả lương khủng cho lãnh đạo ở bốn doanh nghiệp công ích của TP.HCM.

Chúng tôi giới thiệu thêm hai phân tích cũng là đòi hỏi của bạn đọc về việc lấp lỗ hổng ở sai phạm này.

omkslKFX.jpgPhóng to

Trao quyền quá lớn

Lãnh đạo UBND TP.HCM đã vào cuộc và có những chỉ đạo quyết liệt xử lý vụ việc, chấn chỉnh lại những vấn đề liên quan đến hoạt động dịch vụ công ích... Vấn đề đặt ra là còn bao nhiêu nữa những doanh nghiệp công ích ở TP.HCM và rộng ra là trên cả nước có chế độ chi trả lương bất hợp lý, bất công như bốn công ty trả lương khủng cho lãnh đạo này? Liệu các biện pháp thanh tra, rà soát cũng như các hình thức xử lý kỷ luật mà lãnh đạo TP.HCM sẽ áp dụng với các cá nhân, tập thể có chấm dứt hay ngăn chặn được tình trạng sai phạm trên?

Theo nghị định số 43/2006 NĐ - CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thủ trưởng đơn vị có quyền hạn khá lớn, trong đó có quyền xây dựng phương án thực hiện chế độ tự chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng cán bộ viên chức...

Sự bất cập là ở chỗ tiền bạc, tài sản của doanh nghiệp là của Nhà nước, của nhân dân nhưng lại nằm trong tay, được quyết định bởi một số lãnh đạo có quyền lực lớn. Mặc dù trong các doanh nghiệp công ích vẫn luôn tồn tại hệ thống các tổ chức đoàn thể: Đảng, công đoàn, Đoàn thanh niên với vai trò lãnh đạo, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên có thể thấy rằng trong các doanh nghiệp chi lương khủng đó, các tổ chức đoàn thể đã không thực hiện được vai trò và chức năng của mình.

Và trên thực tế, ở nhiều đơn vị, nhiều nơi, tổ chức công đoàn chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền, hoạt động theo sự chỉ đạo của giám đốc, quyền dân chủ của người lao động bị vi phạm nghiêm trọng. Cơ quan quản lý cấp trên hoặc là buông lỏng, hoặc là không đủ năng lực kiểm tra giám sát do số đơn vị, cơ quan trực thuộc quá đông. Hậu quả là ở các doanh nghiệp này, những vị lãnh đạo thoái hóa, biến chất không chỉ có điều kiện tham ô công quỹ mà còn mặc sức bóc lột, chèn ép người lao động. Họ đã trở thành những “ông chủ mới” trên khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, của nhân dân.

Khi mà lỗ hổng trong hệ thống và cơ chế quản lý giám sát các doanh nghiệp công ích hiện nay dẫn đến tình trạng trên vẫn chưa được sửa đổi, chấn chỉnh, e rằng những sai phạm kiểu “lương khủng” sẽ chưa ngăn chặn được.

Nên thuê người quản lý

Xác định lương, thưởng cho người quản lý luôn là câu chuyện phức tạp trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt trong doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu bảo toàn khối tài sản của chủ sở hữu trong những trường hợp này càng trở nên cam go bởi tính đặc thù của quan hệ tài sản và cơ chế kiểm soát yếu kém. Hiện tượng lương khủng của các vị trí quản lý trong bốn doanh nghiệp công ích trên là một điển hình.

Để tránh sự lạm quyền của các cổ đông lớn, cùng với nhiều lý do khác, cơ chế thuê mướn lao động quản lý (gọi chung là CEO) đã được tiếp nhận, và được các doanh nghiệp dân doanh sử dụng nhiều. Hẳn nhiên việc trả lương, thưởng sẽ được thỏa thuận một cách rạch ròi, và thường phản ánh khá rõ năng lực cũng như đóng góp của mỗi CEO. Đồng thời bản hợp đồng cũng sẽ có nhiều ràng buộc trách nhiệm của CEO về những hành vi tư lợi hay bất cẩn gây thất thoát tài sản. Nặng nề nhất là trong các trường hợp đó, các CEO có thể bị công ty sa thải ngay lập tức, thậm chí còn bị kiện đòi bồi thường.

Đối với các doanh nghiệp công ích, cơ chế đại diện (Nhà nước) vẫn là mối quan hệ duy nhất trong quản trị và kiểm soát tài sản nhà nước. Cùng với chế độ bổ nhiệm giám đốc, việc chế tài và trách nhiệm dành cho các vị trí này khi vi phạm quy chế cũng thường theo mạch phản ứng hành chính mà diễn ra hơn là phản ánh một mối quan hệ kinh tế thật sự.

Hệ lụy có thể thấy ngay trong chính câu chuyện ở bốn doanh nghiệp công ích trả lương khủng cho lãnh đạo là vai trò của các kiểm soát viên đã không được thể hiện. Nhà nước có thể thanh tra, kiểm tra lẫn kiểm toán... để phân tích sự vi phạm nhằm xử lý. Đấy là việc cần phải làm. Nhưng liệu rằng tính mùa vụ của hoạt động giám sát lẫn quy chế xác định dành nhiều quyền cho người quản lý xác định phần lương của chính mình có ngăn chặn được họ không tiếp tục vượt qua bản ngã tiêu cực của mình?

____________

Tin bài liên quan:

Lương khủng nhờ “bầu sữa” ngân sáchChủ tịch TP.HCM nói về vụ giám đốc nhận lương khủngKhông thể tùy tiện trả lương hơn 200 triệu đồng/thángLương giám đốc công ty thoát nước 2,6 tỉ đồng/nămNước ngập, điện rò rỉ: lãnh đạo vẫn có thể nhận lương cao?Lương “khủng” do quản lý lỏng tay?

SƠN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên