Công an tỉnh Cà Mau: Hào Anh không ăn trộmNghi Hào Anh ăn trộm: Triệu tập 4 nghi phạmGiải oan Hào Anh, làm rõ ông Giang có vu khống?
Câu nói của Hào Anh không biết có làm động lòng các vị công an ở P.8, thị xã Cà Mau, những người mà theo lời kể lại của các em, đã bắt bốn đứa, trong đó có ba trẻ em lên đồn công an tra hỏi, không cho người thân có mặt trong cuộc hỏi cung dù Bộ luật tố tụng hình sự ghi rõ điều này. Cuộc “điều tra” sau đó còn dấn thêm một bước là giải các em lên công an tỉnh, trong khi chứng cứ chỉ vỏn vẹn một lời khai báo của người được cho là bị mất trộm là “thấy Hào Anh đứng ở cửa nhà mình”.
“Vụ án” có được kết luận chỉ sau 12 ngày làm việc là một thời gian nhanh kỷ lục, có lẽ cũng nhờ Hào Anh có bằng chứng ngoại phạm rất tốt vì lúc xảy ra vụ trộm, em đang chơi trong một tiệm game. Giả sử hôm đó Hào Anh đang ngủ ở nhà, thời gian em phải “đội nón sùm sụp” chắc còn kéo dài.
Cách nay chưa lâu, câu chuyện bé T. - học sinh lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng (TP.HCM) - bị cô giáo nghi lấy cắp hơn 1 triệu đồng nên đã báo công an. Bé bị giải về công an xã hỏi cung - cũng không báo cho người giám hộ đi theo, phải khai nhận là có lấy tiền của cô giáo, bỏ ở hàng rào... May mà sau đó cô giáo lục lại giỏ xách, thấy tiền còn ở nguyên trong đó!
Có biết bao nhiêu người không có được may mắn như Hào Anh, như bé T.. Như anh Trương Hoàng Hiếu mất sáu năm và 900 ngày tù oan trong vụ án xảy ra từ tháng 8-2007, mới được TAND huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng tổ chức xin lỗi ngày 12-3-2013. Ông Trịnh Xuân Tùng mất cả mạng sống chỉ vì “tội” ngồi sau xe môtô, không đội mũ bảo hiểm. Cơ quan điều tra đã kết luận ông Tùng bị chấn thương cột sống cổ sau khi bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh túm gáy, ấn ghì đầu làm ông ngã xuống đất. Phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án Nguyễn Văn Ninh 4 năm tù về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Và còn có thể kể thêm nhiều vụ khác như công an, dân quân xã Trà Đa, TP Pleiku, Gia Lai đã bắn cả tiểu liên AR-15 trong một vụ truy đuổi người đi xe không đội mũ bảo hiểm; vụ ông Nông Văn Thanh ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị công an xã bắt, còng tay, đánh vì “tội” trả lại của rơi...
Trong báo cáo của ngành kiểm sát năm 2012, đã hủy 236 quyết định khởi tố bị can không có căn cứ... Tuy không có phân tích chi tiết trong số những vụ việc oan sai có bao nhiêu vụ là do trình độ nhận thức yếu kém, bao nhiêu vụ do lạm quyền mà ra, nhưng nếu xem xét trên cơ sở lý luận rằng trình độ năng lực của những người thi hành tố tụng phải được đảm bảo bởi tiêu chuẩn tuyển dụng thì lý do lạm quyền sẽ là phần lớn.
Hậu quả của sự lạm quyền vô cùng khủng khiếp. Tốc độ lan truyền và sự oán thán phải theo cấp số nhân. Gõ trên trang tìm kiếm Google cụm từ “công an lạm quyền” cho ra tới 518.000 kết quả.
Quyền lực được trao cho cơ quan hành pháp là để bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ người dân. Nếu quyền lực đó bị lạm dụng làm xâm hại đến sự an toàn, thậm chí tính mạng của người dân, thì chẳng khác nào thuốc để ngừa bệnh, trị bệnh mà hóa thành thuốc độc! Tình trạng “biến chất” thuốc nếu để xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến việc người dân không còn tin tưởng vào “thuốc” trị các loại bệnh tội phạm, còn kẻ phạm tội lại “lờn thuốc”, và “cơ thể” xã hội đứng trước nguy cơ bệnh nặng.
Cho nên, dù sao cũng hoan nghênh Công an Cà Mau đã nhanh chóng nhận sai và đang “chỉ đạo tiếp tục xác minh, điều tra đến nơi đến chốn những nội dung chưa được kết luận. Những cán bộ làm sai, căn cứ vào mức độ sai phạm cụ thể sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và của ngành”. Mỗi vụ sai phạm, mỗi người sai phạm đều cần phải bị xử lý nghiêm khắc, thích đáng thì mới lấy lại được lòng tin của người dân. Đừng để công quyền phải “đội nón sùm sụp” khi những vụ án lạm quyền cứ tiếp tục xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận